Trên Trái đất, việc duy trì lịch trình giấc ngủ phù hợp với chu kỳ tự nhiên của bình minh và hoàng hôn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và khi bước chân lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), mọi điều còn trở nên phức tạp hơn nhiều lần.
Trạm vũ trụ này quay quanh Trái đất với tốc độ cao, dẫn tới việc các phi hành gia trên ISS phải trải qua 16 lần bình minh và hoàng hôn mỗi ngày, một thử thách không hề nhẹ.
Hình thức ngủ trên ISS cũng rất đặc biệt. Các phi hành gia không thể ngồi xuống giường của mình như ở trên Trái đất, thay vào đó, họ buộc phải "ngủ lơ lửng” hay treo mình trên tường. Điều này tạo nên một sự thay đổi lớn về cách tiếp cận giấc ngủ và yêu cầu những giải pháp sáng tạo để hỗ trợ họ.
Để đáp ứng nhu cầu của “cư dân vũ trụ”, các nhà khoa học đã tạo ra hai phát minh quan trọng.
Thứ nhất, là một chiếc đèn có thể đồng bộ với nhịp sinh học của mỗi cá nhân.
Thứ hai, là một thiết bị được đặt trong tai có khả năng đánh giá chất lượng giấc ngủ.
Thuật ngữ "nhịp sinh học" ám chỉ đến các sự thay đổi về cảm xúc, thể chất và hành vi diễn ra trong một chu kỳ 24 giờ, trong đó mức độ buồn ngủ và tỉnh táo của cá nhân có vai trò quan trọng. Điều này được gọi là "đồng hồ sinh học”. Đáng chú ý, những thay đổi này phụ thuộc trực tiếp vào ánh sáng mà con người tiếp xúc hàng ngày, một trong những nguồn tác động mạnh mẽ đến "đồng hồ sinh học” của cơ thể.
Mặt trời là nguồn tín hiệu chính mà cơ thể con người sử dụng để điều chỉnh "đồng hồ sinh học" của mình và việc tiếp xúc với ánh sáng ban ngày có tác động lớn đến lịch trình giấc ngủ. Đây chính là lý do tại sao việc ít tiếp xúc với ánh sáng ban ngày có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta và cũng là lý do tại sao thức dậy vào lúc Mặt trời mọc giúp con người sảng khoái hơn.
Sự giúp đỡ của công nghệ
Đối với các phi hành gia sống trên ISS, việc trải qua nhiều lần bình minh và hoàng hôn mỗi ngày yêu cầu một giải pháp cơ động để hỗ trợ cơ thể điều chỉnh. Chiếc đèn phát triển bởi tổ chức SAGA Space Architects được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Tại thời điểm này, phi hành gia Andreas Mogensen của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và đang phải đối diện với một môi trường không gian đầy thách thức. Nhờ vào sự phát triển của tổ chức SAGA Space Architects, phi hành gia Mogensen hy vọng sẽ có một trải nghiệm giấc ngủ tốt hơn.

Theo thông cáo của ESA, ông Mogensen đã lắp đặt chiếc đèn đặc biệt bên trong không gian sống của mình. Chiếc đèn này sẽ phát sáng màu đỏ vào buổi tối, mô phỏng cảnh hoàng hôn êm dịu trước giờ đi ngủ. Và vào buổi sáng, ánh sáng sẽ chuyển sang màu xanh, tạo ra không gian giống với bầu trời buổi sáng.
Điều đáng chú ý ở đây là, trong không gian, không có khái niệm về "bầu trời" như chúng ta biết ở Trái đất. Những phi hành gia trên ISS bị bao phủ bởi vẻ tối tăm của vũ trụ và bầu trời của chúng ta lại ở dưới chân họ.
Cùng với chiếc đèn đặc biệt, khi Mogensen ngủ, thiết bị trong tai (giống như một tai nghe nhét tai) sẽ đo sóng não của ông. Điều này mang lại thông tin quan trọng về chất lượng giấc ngủ của phi hành gia trong không gian. Phát minh này đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học Aarhus ở Đan Mạch phát triển. Trước đó, việc đo sóng não trong không gian thường yêu cầu việc sử dụng một loại mũ bảo hiểm điện não đồ quy mô và cồng kềnh. Tuy nhiên, đối với nghiên cứu về giấc ngủ, việc sử dụng thiết bị như vậy sẽ không mang lại kết quả hiệu quả.