Trước những băn khoăn này, trao đổi với Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết: đây là một đề xuất, chính sách được người lao động rất ủng hộ. Bởi nó đáp ứng, đảm bảo an sinh cho người lao động và tiến tới tăng độ bao phủ cho nhiều người hưởng chế độ hưu trí.
“Đặc biệt đối với những người lao động tham gia vào thị trường lao động muộn, những người có thời gian đóng BHXH không liên tục vẫn sẽ có cơ hội được nhận chế độ này”, ông Quảng nói.
Có một số ý kiến còn băn khoăn về việc nếu giảm số năm đóng BHXH thì tiền lương hưu của người lao động sẽ bị sụt giảm. Về việc này, ông Quảng cho rằng, dù mức lương hưu có thấp đi thì tiền lương hưu sau này của họ vẫn sẽ được đảm bảo hơn nhiều so với việc không thuộc diện chi trả.
“Nếu đề xuất áp dụng, ban đầu tiền lương hưu có thể thấp, nhưng trong các hệ thống chính sách được xây dựng vẫn có các quy định khác như việc Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và tỉ số trượt giá để điều chỉnh mức tiền lương hưu giúp người lao động đảm bảo cuộc sống”, ông Quảng cho hay.
Không chỉ băn khoăn về vấn đề tiền lương hưu sau này có thể thấp, nhiều người lao động cho rằng, việc giảm năm đóng BHXH nhưng vẫn giữ tuổi nghỉ hưu ở mức cao như trên 60 tuổi đối với nam và trên 56 tuổi đối với nữ sẽ khiến người lao động tại các khu công nghiệp rất khó khăn duy trì đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu.
Trước ý kiến này, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH TP Hà Nội) cho biết: Tại các khu công nghiệp đều có những đặc thù của ngành nghề như chỉ thường sử dụng các lao động ở độ tuổi còn trẻ và có sức khỏe.
Cụ thể, đối với lao động có độ tuổi ngoài 35 - 40 tuổi sẽ không phù hợp với khu công nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động dù tuổi có thể không phù hợp với công việc ở các khu công nghiệp nhưng họ hoàn toàn vẫn có thể làm được những việc khác. Bởi, người lao động không phải do mất sức lao động, họ vẫn đang trong độ tuổi lao động và vẫn còn sức khỏe để làm việc.
Bà Minh Châu cho rằng, cần có những cơ chế riêng đối với những khu công nghiệp về việc đào tạo những lao động lớn tuổi để sắp xếp họ vào những vị trí phù hợp.
“Sau khi người lao động thuộc trường hợp này rời khỏi công việc đang làm, họ vẫn sẽ tìm được những ngành nghề phù hợp để có cơ hội tiếp tục tham gia đóng BHXH và hướng đến lương hưu”, bà Châu nói.
Cũng theo đại diện BHXH TP Hà Nội, chúng ta không nên nghĩ rằng người lao động sau tuổi 35 – 40 ở các khu công nghiệp sẽ không thể làm việc được nữa. Họ vẫn còn rất nhiều cơ hội để cống hiến. Do vậy, xây dựng các chế độ đặc thù tại khu công nghiệp như đào tạo nghề, chuyển đổi nghề là cần thiết để công nhân để họ có công ăn việc làm ổn định.
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến chế độ hưu trí.
Trong đó, Bộ LĐTBXH có đề cập đến việc sửa đổi số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần từ 20 năm xuống 15 năm, và hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng lương hưu trong trường hợp này cũng sẽ được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, người có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Hiện nay, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian đóng BHXH tối thiểu để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí của hầu hết các trường hợp đều là đủ 20 năm. Thời gian này được đánh giá còn khá dài dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.