Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 có dấu hiệu khởi sắc.
Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch được giao 90.000 lao động. Một số thị trường chính có nhiều người lao động xuất cảnh, đó là: Nhật Bản là 67.295 người lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 58.598 người lao động, Hàn Quốc là 9.968 người lao động; Singapore là 1.882 người lao động…
Cùng trong năm 2022, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa được 9.815 người lao động đi làm việc ở các thị trường, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, chương trình EPS 8.909 người, chương trình IM Japan 784 người, chương trình điều dưỡng viên Đức 108 người, chương trình hộ lý Nhật Bản 14 người.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao năm 2023, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao và ổn định. Đồng thời hoàn thiện, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận.
Cục sẽ tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới có công việc ổn định và thu nhập cao.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt các thị trường mới mở cửa trở lại dễ phát sinh lừa đảo. Để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.