Làm tất cả để người lao động được an toàn
Tôi nghẹn ngào nhìn tấm ảnh Nguyễn Thị Thanh Loan - chuyên viên Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bắc Giang - kín mít trong bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch đi khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp lập danh sách CNLĐ liên quan đến COVID-19.
Gần 20 năm làm Công đoàn, chưa lúc nào Loan gặp phải tình huống đặc biệt như những ngày tháng 5 này. Đang là một chuyên viên, làm công tác tham mưu về chính sách, về thi đua khen thưởng, quan hệ lao động, giờ, ngày nào Loan cũng khoác trên người bộ quần áo bảo hộ chống dịch đi vào các doanh nghiệp, gặp gỡ công nhân lao động.
Loan cùng đoàn công tác xuống các công ty rà soát, truy vết, lập danh sách CNLĐ là F0, F1, hướng dẫn cán bộ nhân sự của doanh nghiệp lập danh sách theo từng địa phương để phân luồng đưa đi cách ly. Đối với CNLĐ của 10 huyện, thành phố thì đưa về đúng các huyện, thành phố để thực hiện cách ly. Đối với CNLĐ ngoại tỉnh thì đưa về khu cách ly tập trung của tỉnh.
Loan, với tư cách là cán bộ Công đoàn tham gia Tổ công tác phòng chống dịch của UBND tỉnh, vừa làm công tác truy vết các F, vừa làm công tác tư tưởng cho người lao động. Dù cố bình tĩnh đến mấy thì họ cũng không tránh được có lúc... hoang mang. Trong khi đó, có những công ty chỉ còn 1 cán bộ làm công tác nhân sự nên ngoài hướng dẫn lập danh sách, phân loại thì Loan còn trực tiếp hướng dẫn đưa CNLĐ đi cách ly. Những lúc ấy, Loan phải đảm nhận cả vai trò như người chị của các em công nhân, chia sẻ, giúp họ vượt qua cơn hoảng sợ, thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch.
Có nơi như Công ty TNHH Luxshare ICT, Loan cùng các anh chị em trong tổ đã đưa 2022 công nhân đi cách ly. Cũng tại đây, khi Loan vào công ty chưa được bao lâu thì 1 nữ công nhân bị băng huyết. Lập tức Loan cùng các anh em trong đoàn phải kết nối với tỉnh ngay để có xe cấp cứu riêng để đưa đi cấp cứu trong tình trạng dịch rất căng. Loan bảo, may sao cứu được cả hai mẹ con.
Hỏi Loan, diễn biến của dịch trong các doanh nghiệp ở Bắc Giang cực kỳ phức tạp, thân nữ lại lao vào cả chỗ là tâm dịch có thấy sợ không? Loan trả lời nhẹ nhàng “nói không sợ thì không đúng, nhưng lúc đó có hàng nghìn CNLĐ đang hoang mang, kể cả doanh nghiệp cũng lúng túng, mình là Công đoàn, không đến với họ sao được?”.
Cũng có những lúc Loan lo lắng khi vừa hỗ trợ 1 doanh nghiệp lấy mẫu xét nghiệm cho 15 CNLĐ vào buổi sáng hôm trước thì sáng hôm sau có 4 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam đến rà soát F1, F2 và đưa 4 ca dương tính, rồi Công ty Hosiden vừa hôm trước lấy mẫu xét nghiệm thì sáng hôm sau Loan đến làm việc với Công ty và biết có kết quả 11 ca dương tính, và rồi các ca dương tính của Công ty Hosiden ngày càng tăng lên...
Nhưng rồi nỗi sợ bị xoá nhoà bởi tình thương với CNLĐ. Loan lại lao vào công việc không kể thời gian. Mấy ngày đó, thường xuyên Loan ăn trưa lúc hơn 13 giờ. Không ít lần, bữa trưa của Loan và các thành viên trong đoàn diễn ra lúc gần 14 giờ, vậy mà, vừa đưa thìa cơm đầu tiên lên miệng thì nghe có ca F0, tất cả lại bỏ bát, bỏ đũa, chạy ra xe đi xuống cơ sở…
Những ngày ấy, cứ có khoảng thời gian trống hiếm hoi, Loan lại nhớ về đứa con đang học lớp 8 ở nhà không được gặp mẹ và cũng lâu rồi Loan không về quê thăm bố mẹ được...
Những ngày này, theo phân công của tỉnh, Loan lại tham gia đoàn đi kiểm tra công tác an toàn phòng chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó UBND tỉnh có căn cứ đánh giá, xem xét khả năng các doanh nghiệp có đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch không để sớm quyết định cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Cùng thế hệ với Loan, Lê Thị Kim Chi, đang công tác tại Ban Nữ công LĐLĐ thành phố Hà Nội. Chi có lợi thế là có khoảng 16 năm làm việc tại các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội, trong đó 12 năm làm Công đoàn. Ở Chi có nguồn cảm hứng làm việc, sự trau dồi kinh nghiệm không phải ai cũng có. Trước thời điểm bầu cử vừa qua, Chi được lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội phân công vào Tổ cán bộ của LĐLĐ Thành phố hỗ trợ Công đoàn Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và ổn định tình hình quan hệ lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội.
Chi được phân công trực tiếp hỗ trợ tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, sau đó lại hỗ trợ một số các khu công nghiệp khác. Chi sâu sát công việc đến mức có thể nói một mạch về đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam, của doanh nghiệp nước ngoài và các cách ứng xử sao cho phù hợp. Hỏi Chi có bí quyết gì để thuyết phục được doanh nghiệp phối hợp thực hiện việc thành lập Tổ an toàn COVID-19? Chi cười bảo “đơn giản lắm, cái gì cần giúp thì mình giúp đến từng chi tiết nhỏ, khi nào cần sử dụng đến căn cứ pháp luật thì mình phải kiên quyết”.
Cái sự “đơn giản lắm” của Chi đã được trau dồi bởi ý thức học hỏi và tình yêu với “nghề Công đoàn”. Ví dụ, với việc thành lập Tổ an toàn COVID-19 vừa qua, Chi hướng dẫn cụ thể về thủ tục thành lập, phân công công việc; các văn bản doanh nghiệp gửi qua email, Chi sửa xong, gửi lại. Nhưng với một số doanh nghiệp, Chi nói rõ phần việc của Tổ công tác đã xong, nếu doanh nghiệp không chấp hành thì chịu trách nhiệm trước pháp luật (nếu để dịch bệnh xảy ra) theo đúng văn bản liên tịch giữa Công đoàn và Ban quản lý Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội...
Mong cán bộ Công đoàn chuyên trách được tiêm vaccine
Khác với Loan và Chi, chị Ngô Thị Hằng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) - là người sắp đến tuổi nghỉ chế độ. Ở huyện, chỉ có 4 cán bộ Công đoàn chuyên trách, địa bàn lại đông CNLĐ ngoại tỉnh. Đến nay toàn huyện có gần hơn 400 ca dương tính. Có những hôm 12 giờ trưa, xe đưa hàng hỗ trợ CNLĐ về thôn, xã, chị Hằng đi theo xe trực tiếp bốc dỡ, trao hàng hoá cho CNLĐ. Với chị Hằng, bất kỳ đoàn viên, người lao động nào cũng cần được quan tâm nhưng trong lúc dịch căng nhất, thì chị luôn có sự ưu tiên cho hàng nghìn lao động ngoại tỉnh đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Thuận Thành.
Chị tâm sự “thực sự xót cho những CNLĐ ngoại tỉnh đang thực hiện cách ly. Nhìn các em, các cháu hoang mang, không có người thân, không có người tiếp tế, giữa nơi đất khách quê người mình lại càng phải cố gắng để giúp đỡ nhiều hơn”. Việc đi khảo sát với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt số lượng CNLĐ đang tạm trú trong các khu nhà trọ, ký túc xá doanh nghiệp ở địa phương cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Nhưng chị Hằng không sợ, mà chỉ nghĩ đến sự an toàn cho CNLĐ. Đấy chính là động lực lớn nhất để chị quên mình đến với họ...
Chị Hằng, Loan và Chi - những cán bộ Công đoàn thật đáng trân trọng! Khi được hỏi tại sao không sợ hiểm nguy, họ đều bảo “Vì mình là cán bộ Công đoàn mà”. Và còn rất nhiều cán bộ Công đoàn khác đang cùng CNNLĐ, doanh nghiệp vượt qua thử thách quá lớn này. Xin được thổ lộ giúp mong ước của chị Ngô Thị Hằng, rằng “chỉ mong cán bộ Công đoàn chuyên trách có được tấm lá chắn bảo vệ trong dịch bệnh, đó là được ưu tiên tiêm vaccine”.