Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 7.7, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, cho biết trong tình huống nếu có nhiều doanh nghiệp sử dụng trên 500 lao động gặp khó khăn, không có đơn hàng, buộc phải cho nhiều người lao động thôi việc, thì cần có sự phối hợp của các sở, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, UBND các quận, huyện để xử lý.
Sở LĐTBXH TPHCM thành lập 2 tổ công tác để phối hợp với đơn vị tuyên truyền, động viên, có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Các tổ công tác sẽ gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn về những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tình hình sử dụng lao động, phương án cắt giảm lao động, nguyện vọng của người lao động bị cắt giảm để kịp thời đề xuất, tham vấn giải pháp phù hợp.

Các tổ công tác này còn có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật khi thực hiện giảm lao động, bảo đảm sự tham gia của tổ chức Công đoàn, hướng dẫn và giám sát doanh nghiệp giải quyết chế độ cho người lao động bị thôi việc, mất việc theo quy định.
Đồng thời, các tổ này cũng khuyến nghị doanh nghiệp ưu tiên đảm bảo việc làm đối với người lao động yếu thế, lao động lớn tuổi, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc lao động đang gặp khó khăn, phối hợp để hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Xóa đói giảm nghèo, Tổ chức tài chính vi mô CEP… để chuyển đổi công việc, nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm.

Cũng theo ông Tấn, Sở LĐTBXH TPHCM đã có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, phòng ban trực thuộc. Cụ thể: Trung tâm Dịch vụ việc làm Sở LĐTBXH TPHCM sẽ tham mưu các giải pháp hỗ trợ tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động bị thôi việc, mất việc; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH các tỉnh giới thiệu việc làm cho người lao động có nguyện vọng trở về quê hương, hướng dẫn các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội sẽ hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động phù hợp quy định, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động bị thôi việc, mất việc, theo dõi sát và kịp thời tham mưu các giải pháp giữ ổn định quan hệ lao động.
Còn Thanh tra lao động sẽ phải kịp thời thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm được quyền lợi của người lao động.