TPHCM: Hàng nghìn công nhân lo lắng vì con không được vào lớp 1 công lập

ANH NHÀN - HUYÊN NGUYỄN |

Ngày khai giảng năm học 2020-2021 đã cận kề, nhưng hàng nghìn phụ huynh là công nhân lao động tại TPHCM vẫn loay hoay tìm chỗ học cho con vào lớp 1. Với con công nhân lao động, sắm sửa quần áo, sách vở, dụng cụ học tập vào năm học mới đã là mối lo lớn. Nay, tìm một chỗ học trường công cho con còn khó khăn gấp bội, vì sổ tạm trú không thời hạn (KT3) chưa đủ thời hạn một năm, trong khi học trường tư với mức chi phí cao là điều không thể.

Lận đận vì KT3

Hai tuần nay, chị Nguyễn Thị Bội Ngọc (phường Hiệp Thành, quận 12) như ngồi trên đống lửa khi con trai chị đã có giấy báo nhập học nhưng KT3 chưa đủ thời hạn 1 năm. Chị Ngọc quê ở miền Trung, vào TPHCM đã hơn 20 năm, sinh sống bằng đủ thứ nghề.

Theo danh sách trường mầm non gửi về, con chị Ngọc được nhập học lớp 1 vào Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12). Theo quy định, chị Ngọc đăng ký cho con vào trường trên phần mềm tuyển sinh trực tuyến. Đến ngày 31.7, chị tá hoả khi được thông báo con mình không được học vì lý do KT3 không đủ thời hạn.

Chị Ngọc phân trần: “Tôi đã làm sổ tạm trú cho con đầu khi vào lớp 1, nay con đã lên lớp 4. Con thứ hai của tôi với sổ tạm trú bị gián đoạn vì chủ nhà trọ xảy ra tranh chấp nên sổ tạm trú mới không đủ thời gian. Ngày học đã cận kề nhưng chưa biết con có được đi học không. Nghe con hỏi: “Con có được đi học như chị hai không mẹ?”, lòng tôi đau nhói!”.

Cùng hoàn cảnh, chị Cao Thị Liên (27 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng đứng ngồi không yên vì việc cho con vào lớp 1. Chị Liên làm công nhân may trong khu công nghiệp thuộc quận 12. Từ khi sinh em bé thứ 2, chị Liên nghỉ việc ở nhà chăm 2 con. Thu nhập trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng làm nghề lái xe với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Khi con sắp vào lớp 1, chị Liên làm sổ KT3 cho gia đình. Sau đó, chị làm đơn xin học cho con, nộp lên phường, nhưng từ đó đến nay không được tiếp nhận bởi KT3 chưa đủ 1 năm.

“Đầu tắt mặt tối chăm con nên tôi không biết quy định phải có KT3 trên 1 năm mới được nhập học. Đến khi biết và đi làm KT3 thì thời hạn không đủ. Bây giờ gửi con về quê cho ông bà chăm không được vì ông bà đã lớn tuổi. Tôi hỏi thăm các trường tư thục, học phí rẻ nhất cũng lên tới 2,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này tôi không thể đáp ứng để cho con đi học được” - chị Liên bộc bạch.

Không khác là bao, việc cho con vào lớp 1 trường công của chị Lương Quỳnh Hoa (28 tuổi, quê Nghệ An) cũng tiến thoái lưỡng nan. Chị Hoa làm công nhân của Công ty Giày da Thiên Lộc đã 3 năm nay. Trước lúc dịch bệnh, chị Hoa thường tăng ca và thu nhập được 7 triệu đồng/tháng. Dịch COVID-19 khiến lượng hàng ít đi, thu nhập của chị Hoa chỉ còn 4,5 triệu đồng/tháng. Chồng chị Hoa làm nghề bốc vác, thu nhập cũng chỉ đủ ăn qua ngày, trang trải tiền phòng và đóng tiền học cho hai con.

Từ khi vào TPHCM, vợ chồng chị Hoa ở một dãy trọ có 18 phòng thuộc phường Hiệp Thành nhưng không biết chủ là ai vì chủ thường sang tay nhau.

“Năm ngoái, lúc tổ dân phố tới hỏi để cập nhật danh sách trẻ vào lớp 1, tôi mới tìm chủ nhà để bảo lãnh làm KT3 và đến tháng 11.2019 mới có sổ. Thực sự không phải vì cuộc sống chật vật mà chúng tôi bỏ bê, không quan tâm đến việc học của con. Chỉ là vợ chồng tôi làm lao động tay chân, không được phổ biến các chính sách ở TPHCM mới dẫn đến cơ sự này. Nếu không được vào trường công, tôi không thể cho con học trường tư, vì lo chạy ăn từng bữa còn thiếu, tiền lo cho con học trường tư là không thể. Chưa kể việc học trường tư rồi chuyển sang trường công theo quy định là không được” - chị Hoa ngậm ngùi nói.

Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”

Năm học 2020-2021, TPHCM dự kiến tăng thêm khoảng 54.600 học sinh. Số học sinh tăng nhiều nhất ở khối công lập với hơn 48.000 em, còn lại là ngoài công lập. Như vậy, thành phố sẽ có hơn 1,74 triệu học sinh từ mầm non đến THPT trong năm học tới. Với số lượng trên, TPHCM phải xây thêm hàng nghìn phòng học mới và tuyển “gấp” gần 7.000 giáo viên.

Học sinh tăng chủ yếu ở các quận 9, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân và các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Điều này làm gia tăng sĩ số học sinh trên lớp học vượt cao so với chuẩn cấp tiểu học (không quá 35 em/lớp), nhiều nơi học sinh không thể học 2 buổi mỗi ngày. Hiện, một số trường có sĩ số 40-50 em/lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sân chơi, bãi tập, thư viện bị thu hẹp.

Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận 12 - cho biết, học sinh tăng nhưng quận không có thêm trường tiểu học mới nên áp lực vô cùng. Quận đã tính nhiều phương án như giảm các lớp dạy 2 buổi, tăng sĩ số lớp lên 50 em nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ. Do đó, thứ tự ưu tiên khi công bố tuyển sinh của quận là học sinh có hộ khẩu hoặc KT3 tính từ ngày 31.7.2019 trở về trước. Hiện còn khoảng 1.700 trường hợp “khó” xếp vào trường công. Nhiều phụ huynh “nước đến chân mới nhảy” khiến cho địa phương không kịp trở tay.

Trước tình trạng này, ngày 21.8, Sở GDĐT TPHCM đã ra thông báo khẩn yêu cầu Phòng GDĐT các quận, huyện thống kê số học sinh lớp 1 nhập học tại các trường tiểu học, kể cả các em không đủ điều kiện xét tuyển trường công lập.

Dự kiến, ngày 24.8, lãnh đạo UBND TPHCM làm việc với Sở GDĐT, các quận huyện để tháo gỡ, giải quyết chỗ học cho học sinh.

ANH NHÀN - HUYÊN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Khai giảng lúc đại dịch không cần trống giong cờ mở

Lê Thanh Phong |

Ngày khai giảng đã cận kề, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để, đã có trên 1.000 người nhiễm bệnh và 27 ca tử vong tính đến ngày 23.8.

Bộ GDĐT lên kịch bản khai giảng năm học mới: Kết hợp trực tiếp và online

Bích Hà |

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động lên các kịch bản cho năm học mới, cũng như việc tổ chức lễ khai giảng để bảo vệ sức khỏe của học sinh.

Kịch bản mới của các tỉnh cho tựu trường và khai giảng năm học 2020-2021

HUYÊN NGUYỄN |

Do những ảnh hưởng của dịch COVID-19, thay vì lịch tựu trường, lễ khai giảng như mọi năm, năm nay các tỉnh, thành phố đã đưa ra những kịch bản riêng cho ngày bắt đầu năm học mới.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Khai giảng lúc đại dịch không cần trống giong cờ mở

Lê Thanh Phong |

Ngày khai giảng đã cận kề, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để, đã có trên 1.000 người nhiễm bệnh và 27 ca tử vong tính đến ngày 23.8.

Bộ GDĐT lên kịch bản khai giảng năm học mới: Kết hợp trực tiếp và online

Bích Hà |

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động lên các kịch bản cho năm học mới, cũng như việc tổ chức lễ khai giảng để bảo vệ sức khỏe của học sinh.

Kịch bản mới của các tỉnh cho tựu trường và khai giảng năm học 2020-2021

HUYÊN NGUYỄN |

Do những ảnh hưởng của dịch COVID-19, thay vì lịch tựu trường, lễ khai giảng như mọi năm, năm nay các tỉnh, thành phố đã đưa ra những kịch bản riêng cho ngày bắt đầu năm học mới.