Năm 2022, trong quá trình tới công ty làm việc, anh Bùi Chung Chính (công nhân Công ty Hitachi Astemo Vĩnh Phúc) không may bị tai nạn giao thông nặng. Anh bị đa chấn thương, chấn thương hàm mặt, chấn thương cột sống, tổn thương lồng ngực, tổn thương các cơ quan trong ổ bụng; tỷ lệ thương tật 48%…
Do bị tai nạn lao động nặng nên hiện nay, hằng tháng, anh được nhận trợ cấp tai nạn lao động.
Anh Bùi Chung Chính chia sẻ, ngoài chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại công ty, thì người lao động trong quá trình tham gia giao thông cũng cần thực hiện những hành động thiết thực để bảo đảm an toàn giao thông, như đã uống rượu, bia không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện…
Tại buổi lễ, anh Bùi Chung Chính là 1 trong 8 người lao động bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được nhận quà hỗ trợ từ Ban tổ chức chương trình.
“Bị tai nạn lao động, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên món quà từ Ban tổ chức chương trình rất có ý nghĩa với tôi. Được tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo, tôi thực sự rất biết ơn. Đây chính là nguồn động lực để tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục chăm lo cho gia đình và cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp” - anh Chính cho hay.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả, nhưng công tác ATVSLĐ vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.
Với mục tiêu thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở thông qua các hoạt động cụ thể như cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chủ đề Tháng Hành động ATVSLĐ năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Trong Tháng hành động, trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về ATVSLĐ; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, tổ chức các hoạt động dịch vụ ATVSLĐ; tổ chức khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác ATVSLĐ; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ; thực hiện các hoạt động chăm sóc, khám sức khỏe người lao động; rà soát xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp…
Năm 2024 năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tháng Công nhân có chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” được các cấp công đoàn tập trung triển khai 4 nhóm nội dung hoạt động:
Chương trình “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”…
Tổ chức “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức kết nạp “Đợt đoàn viên tháng 5”. Rà soát giới thiệu đoàn viên ưu tú để cấp ủy đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong lao động, sản xuất. Triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công nhân, công đoàn”; biểu dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác; nhân rộng mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất” tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ đoàn viên, CNVCLĐ.
Ngoài ra, dự kiến sẽ triển khai một số hoạt động tập trung cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tại lễ phát động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”.