Toạ đàm: Gỡ khó cho thị trường lao động

NHÓM PV |

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động" do Báo Lao Động tổ chức diễn ra lúc 15h ngày 7.9.

Khách mời đến chương trình ngày hôm nay là ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội.

 
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Ảnh: Văn Thắng
 
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng

Chương trình do Báo Lao Động tổ chức, được tường thuật trên Báo Lao Động điện tử laodong.vn.

MC: Theo báo cáo Giám sát việc làm trên thế giới tháng 5.2023, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ý kiến của các vị khách mời về đánh giá này như thế nào?

-Ông Vũ Quanh Thành: Việc đánh giá theo giám sát của tổ chức trên là hoàn toàn thực tế. Các nước đang phát triển ứng phó nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc. Do đó, ảnh hưởng đến tất cả thị trường chung, trong đó có thị trường lao động. Các nước có thu nhập trung bình, thấp đều chịu ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng này.

- Ông Lê Đình Quảng: Nhận định này có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Tại những nước kinh tế chưa và đang phát triển, có mức thu nhập trung bình và thấp sẽ chịu tác động rất lớn của khủng hoảng này.

Nguyên nhân là do tiềm lực kinh tế của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hạn chế; bản thân sức chống chịu của doanh nghiệp không mạnh mẽ như nước phát triển; bản thân người lao động có thu nhập thấp nên khó tiếp cận về an sinh xã hội. Vì vậy, thị trường lao động đã khó lại càng khó khăn hơn đối với các nước thu nhập trung bình và thấp. Điều này cảnh báo rất lớn cho phục hồi thị trường của nước ta - nước cũng đang gặp khó khăn nhất định.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Hà Hạnh.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Hà Hạnh.

MC: Thưa hai vị khách mời, trong nước, thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức... Các thông tin này cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững. Trong bối cảnh đó, quý vị có đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ, phục hồi thị trường lao động thời gian qua?

- Ông Vũ Quanh Thành: Trong thời gian vừa qua, việc triển khai những chính sách hỗ trợ cho người lao động đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước.

Đây cũng là sự cổ vũ, động viên kịp thời đối với doanh nghiệp và người lao động đột ngột gặp nhiều khó khăn. Các chính sách được diễn ra đồng loạt, đồng bộ. Với vai trò trực tiếp thực hiện các chính sách, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo TTDVVL trên địa bàn thành phố triển khai cụ thể, hỗ trợ từng chính sách đến với từng doanh nghiệp, người lao động.

Trong thời gian qua, nhiều người lao động rơi vào cảnh mất việc làm. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân.
Trong thời gian qua, nhiều người lao động rơi vào cảnh mất việc làm. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân.

- Ông Lê Đình QuảngThời gian vừa qua, nhất là 9 tháng đầu năm, nền kinh tế diễn biến gặp nhiều khó khăn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi thị trường lao động.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động một cách quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, tổng thể.

Quốc hội đã có 9 Nghị quyết chuyên đề liên quan đến phục hồi kinh tế giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Chính chính sách hỗ trợ này giúp thị trường lao động phát triển nhẹ mặc dù chỉ số phát triển kinh tế không thuận lợi, đặc biệt cân đối được các vấn đề lớn của thị trường lao động: Chuyển dịch cơ cấu lao động vãn theo hướng tích cực.

Cụ thể, 27% người lao động trong khu vực nông lâm; công nghiệp - xây dựng 33,6%; dịch vụ - thương mại có sự phát triển mạnh 39,4%.

Thị trường lao động có sự linh hoạt, từ đó tạo việc làm ổn định. Mặc dù lao động khu vực phi chính thức vẫn còn cao (64,8%), nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,5%. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu tốt. 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng 650.000 lao động. Như vậy vẫn đảm bảo về cung cầu lao động.

 
Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Văn Thắng.

MC: Thưa ông Vũ Quang Thành, qua thực tế tỉ lệ kết nối thành công cung - cầu lao động tại TTDVVL Hà Nội, xin ông đưa ra đánh giá, đâu là những khó khăn mà người lao động và chính doanh nghiệp đang gặp phải trong thời điểm này?

- Ông Vũ Quanh Thành: Những khó khăn rất nhiều. Về phía doanh nghiệp, họ thiếu đơn hàng, ảnh hưởng từ khó khăn chung bao gồm chính sách tiền tệ, sức mua sắm sụt giảm… Tiếp đó, chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu tăng mạnh.

Chính vì vậy, việc giao thương giữa toàn thế giới cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, khiến hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn.

Sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp phải chống đỡ thời gian dài. Để cải thiện tình trạng khó khăn, họ phải thực hiện nhiều biện pháp trong đó có chuyển đổi cơ cấu lao động.

Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động bị liên đới nhiều nhất. Đặc biệt, trong lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người lao động trong các ngành này bị sa thải, đột ngột thất nghiệp… TTDVVL đã nỗ lực lắng nghe doanh nghiệp, người lao động. Chúng tôi tiếp cận những doanh nghiệp có sa thải người lao động để giới thiệu, kết nối việc làm. Làm sao để người lao động quay trở lại thị trường lao động nhanh chóng nhất, kịp thời nhất.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Lương Hạnh.
Người lao động tìm kiếm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Lương Hạnh.

MC: Vậy còn ông Quảng, ông có đồng tình với quan điểm của ông Vũ Quang Thành không?

-Ông Lê Đình Quảng: Tôi đồng tình với chia sẻ của anh Thành. Gốc của thị trường lao động là sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp sử dụng, tuyển nhiều lao động thì sản xuất kinh doanh phải thuận lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh đối diện khủng hoảng của thế giới thì đối với các doanh nghiệp, môi trường sản xuất kinh doanh còn nhiều rào cản, như khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.

Đối diện với khó khăn như vậy thì rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt để mở rộng việc làm. Doanh nghiệp muốn tuyển lao động có tay nghề, nhưng nhiều lao động mất việc lại không đáp ứng được yêu cầu, không có kỹ năng người lao động doanh nghiệp cần.

Ngoài ra, những người lao động mất việc, thì đằng sau họ là cả gia đình, con cái, nên việc di chuyển đến địa phương khác để có công việc mới gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến an sinh xã hội.

Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động bị liên đới nhiều nhất. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh
Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động bị liên đới nhiều nhất. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Phóng sự về khó khăn của người lao động hiện nay do Phóng viên Báo Lao Động thực hiện.

MC: Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, quý I/2023 vẫn tồn tại trình trạng thiếu việc làm (2,06%). So với quý I, tình trạng cắt giảm đơn hàng dẫn đến thiếu việc làm diễn ra trong quý II cao hơn. Có trên 500.000 người thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm. Trong đó, số bị cắt giảm việc làm dẫn đến thất nghiệp là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và khu vực Đông Nam Bộ. Ông có thể nêu những hệ lụy của thực tế này?

-Ông Lê Đình QuảngNhững tháng đầu năm 2023, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, trên 500.000 người bị ảnh hưởng do sự khó khăn về thị trường lao động (mất, giảm việc làm), trong đó trên 54% người lao động mất việc làm, trên 40% giảm giờ làm.

Số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động, lao động giản đơn, lao động có tuổi. Người lao động trong trường hợp này rất khó tìm việc làm.

Trong khi đó, thu nhập của người lao động không cao, hầu như đi làm chỉ đủ trang trải cuộc sống nên giảm giờ làm thì thu nhập gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc người lao động bị mất, giảm việc làm ảnh hưởng rất lớn đến người lao động và gia đình họ, đến chính sách an sinh xã hội, như vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hay nạn tín dụng đen.

Số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động, lao động giản đơn. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân.
Số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động, lao động giản đơn. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân.

Lo việc làm cho người lao động là hết sức quan trọng, vì người lao động có việc làm, có thu nhập thì mới đảm bảo đời sống gia đình, an sinh xã hội. Nếu mất việc làm thì không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà còn mất an ninh trật tự. Nếu không có giải pháp giải quyết tốt thì tình trạng mất việc, giảm giờ làm là vấn đề rất đáng quan tâm và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và vấn đề an sinh xã hội.

Không người lao động nào muốn mất việc làm

- Ông Vũ Quanh Thành: Mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất của người lao động. Với vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm… chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều chia sẻ của người lao động. Mất việc khiến cuộc sống của cả gia đình vợ, con, cha của người lao động bị đảo lộn, khiến họ liên tục gặp khủng hoảng. Mất việc làm còn liên quan đến các công tác an toàn trật tự xã hội; liên quan đến việc rút BHXH. Mất việc làm kéo theo rất nhiều hệ luỵ mà không người lao động nào mong muốn.

 
Ông Vũ Quanh Thành: "Mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất của người lao động". Ảnh: Văn Thắng

MC: Số người thất nghiệp tăng; lao động có tay nghề còn thấp; thị trường việc làm không bền vững... Vậy, chúng ta còn phải làm gì để hạn chế những phát sinh tiêu cực.

- Ông Vũ Quanh Thành: Để tiếp tục hạn chế tiêu cực phát sinh thì cần phải có hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ; đặc biệt là từng nhóm chủ thể.

Các chính sách cần sát hơn, các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa… đều có thể hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào… cũng rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Từ đó, người lao động sẽ có công ăn, việc làm.

Công tác định hướng, dự báo cũng rất quan trọng. Từ đó, dần định hướng lại, hỗ trợ trong công tác phát triển nhân lực, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, từng bước phục hồi thị trường lao động bền vững, việc làm bền vững.

Mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất của người lao động. Ảnh minh hoạ: Hà Hạnh.
Mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất của người lao động. Ảnh minh hoạ: Hà Hạnh.

Chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều lao động còn chưa qua đào tạo

MC: Thưa hai vị khách mời, các vị có đề xuất gì để giúp nhóm lao động bị đào thải, gặp khó khăn này có cơ hội tham gia thị trường lao động, đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, các chính sách về BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp có cần điều chỉnh, bổ sung gì về hỗ trợ đào tạo nghề, tái hòa nhập thị trường lao động hay không?

- Ông Lê Đình Quảng: Hiện nay, chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều lao động còn chưa qua đào tạo – đây là trở ngại thách thức khi người lao động đi tìm công việc mới.

Để giải quyết thách thức này, bên cạnh doanh nghiệp cần sự phát triển sản xuất thì bản thân người lao động phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới.

Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, cả doanh nghiệp và người lao động phải đồng hành giải quyết vấn đề này trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, “bàn tay” của Nhà nước rất quan trọng, phải hoạch định để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như chính sách phát triển thị trường lao động bền vững.

Công tác định hướng, dự báo thị trường cũng rất quan trọng. Ảnh minh hoạ: Chân Phúc.
Công tác định hướng, dự báo thị trường cũng rất quan trọng. Ảnh minh hoạ: Chân Phúc.

Ông Lê Đình Quảng: Vừa qua, đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, nhưng tôi cho rằng các chính sách cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm.

Bảo hiểm thất nghiệp phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho NLĐ.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng người lao động mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tôi mong muốn trong thời gian tới, các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao.

Hầu hết người lao động mất việc nhiều thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề. Những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… càng gặp nhiều khó khăn.

Mất việc, tìm việc làm đã khó, việc làm có thu nhập như cũ thì càng khó khăn. Trong khi đó, chi phí đời sống phục vụ sinh hoạt gia đình càng ngày càng cao. Nhiều người trong số họ buộc phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhận trợ cấp thất nghiệp mà không đủ thời gian, điều kiện để học nghề mới.

Vì vậy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho người lao động, giúp họ có điều kiện quay trở lại thị trường lao động khi mất việc làm.

-Ông Vũ Quanh Thành: Với khó khăn của người lao động, TTDVVL đã tiếp cận rất nhiều. Riêng tại Hà Nội, số lượng lao động mất việc do doanh nghiệp cắt giảm không quá nhiều. Với nhóm lao động có tuổi cao, trình độ thấp, chúng tôi đã tiếp cận để hỗ trợ họ ngay từ khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm.

Lao động đến làm thủ tục nhận chính sách BHTN tiết lộ lí do là do lương thấp, ít việc, chúng tôi đã giới thiệu với họ các doanh nghiệp tuyển dụng vị trí việc làm phù hợp.

Mặt khác, nếu lao động giản đơn, trình độ thấp, chúng tôi cũng tư vấn để họ có thể học nghề, trang bị nghề nghiệp phù hợp. Không để tình trạng thất nghiệp kéo dài khiến lao động tự ti, không có nghề hoặc không được đào tạo nghề.

TTDVVL luôn làm sao để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Về vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, tôi nghĩ rằng, cần nâng cao trình độ, mở rộng việc đào tạo hơn nữa, không dừng ở trình độ sơ cấp. Việc đào tạo nên có ngay từ khi người lao động còn làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, tái cơ cấu, đào tạo… cần phải có sự hỗ với doanh nghiệp.

Kênh kết nối việc làm ngày càng hiệu quả

MC: Thưa ông Vũ Quang Thành, thời gian qua, ngành LĐTBXH nói chung, các TTDVVL nói riêng có nhiều nỗ lực trong kết nối cung - cầu lao động. Tại Hà Nội, chúng tôi ghi nhận có các phiên giao dịch việc làm ngoại thành, các quận; phiên theo ngành nghề (kế toán/xây dựng...), phiên theo đối tượng (người đi xuất khẩu lao động về nước, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật...). Ông có thể điểm qua những thành tựu sau nhiều nỗ lực?

-Ông Vũ Quanh Thành: Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm được thực hiện xuyên suốt trên 63 tỉnh thành. TTDVVL Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố.

Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã thực hiện các phiên việc làm hàng ngày. Chúng tôi kết nối người lao động với doanh nghiệp trực tiếp, trực tuyến qua hệ thống máy tính.

Nhiều giải pháp nâng cao việc kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp đã được triển khai.

8 tháng đầu năm 2023, chúng tôi thực hiện được trên 170 phiên giao dịch việc làm, số lao động tiếp cận, đã nộp hồ sơ là gần 13.000 người.

Tính riêng TP. Hà Nội, 7 tháng đầu năm 2023, 132.000 người lao động đã có việc làm. Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực từ nhiều cơ quan chức năng liên quan, trong đó có TTDVVL.

TTDVVL Hà Nội đã phối hợp với tổ chức 10 phiên việc làm lưu động trên các quận, huyện; với các phiên chuyên đề dành cho đối tượng cụ thể cũng được tổ chức như người lao động yếu thế, xuất ngũ, người chấp hành xong án phạt tù…

Ngày 20.9, TTDVVL Hà Nội cũng phối hợp với một trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức một phiên bán thời gian dành cho sinh viên, hoặc lao động làm việc theo giờ.

Ngày 23.9, chúng tôi sẽ tổ chức phiên việc làm tại huyện Ba Vì… Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức, thực hiện nhiều phiên giao dịch việc làm đa dạng hơn nữa, làm sao để giúp người lao động có việc, quay trở lại thị trường lao động.

-Ông Lê Đình Quảng: Tôi đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua trong việc kết nối cung - cầu để giải quyết việc làm tại Hà Nội. Điều này đã giúp Hà Nội có tỉ lệ mất việc luôn ở mức thấp, không áp lực lớn như một số địa phương khác.

Hoạt động kết nối này phù hợp với chủ trương phát triển thị trường lao động của Chính phủ, trong đó đều nhấn mạnh, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống hông tin về thị trường lao động việc làm, cung cấp nhu cầu lao động để kết nối, định hướng thông tin, từ đó có kế hoạch đào tạo.

Trong thời gian tới,  cần phải tiếp tục nhân rộng việc kết nối này để đảm bảo việc làm cho người lao động.

MC: Theo báo cáo của các địa phương, trung bình mỗi năm, đã tổ chức hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm. Bình quân, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp; khoảng 350-450 người lao động tham gia.

Số lao động tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm chiếm khoảng 35 đến 40% số lao động đăng ký tư vấn việc làm. 1.600 phiên giao dịch việc làm là con số rất lớn. Các vị có nghĩ đến việc chúng ta giảm số lượng phiên, tăng hình thức mới và chú trọng hơn vào chất lượng của ứng viên và chính nhà tuyển dụng?

- Ông Vũ Quanh Thành: Các con số này là phù hợp trên toàn quốc. Chúng ta cần phải xác định rõ vai trò của phiên giao dịch việc làm.

Đây là cơ hội cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người lao động và doanh nghiệp; tăng cường cơ hội gặp gỡ giữa 2 bên; giúp thị trường lao động minh bạch hơn.

Chúng ta không nên nặng nề việc tăng hay giảm số lượng phiên. Bởi, vai trò của các phiên giao dịch việc không đơn giản chỉ là kết nối cung – cầu lao động.

Ở đây, chúng ta đang tận dụng tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; làm sao đưa hai bên tham gia vào hệ thống một cách tính cực hơn. Các phiên giao dịch việc làm trước khi được tổ chức đều đã được khảo sát thực trạng, đánh giá nguồn cung – cầu. Từ đó, hiệu quả của các phiên sẽ được nâng cao. Số lượng phiên giao dịch việc làm tăng, số lượng người lao động tìm được việc làm tăng, doanh nghiệp tuyển được lao động.

 
Theo ông Lê Đình Quảng, cần nâng cao, đa dạng các phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Văn Thắng

-Ông Lê Đình Quảng: Không nên đặt vấn đề tăng hay giảm các phiên giao dịch việc làm mà cần nâng cao, đa dạng các phiên giao dịch việc làm. Từ đó, nâng cao hiệu kết nối thông tin cung cầu lao động, tăng cường hơn nữa hình thức như kết nối trực tuyến. Người lao động không cần đến các phiên mà chỉ cần ở nhà, hoặc ở bất cứ đâu cũng có thể nắm được thông tin về việc làm.

MC: Có ý kiến cho rằng, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) và kỷ luật lao động kém.

Thế nhưng, với nhiều lao động, đến 1 phiên giao dịch việc làm và tìm được công việc nuôi sống bản thân mới là điều quan trọng; doanh nghiệp cũng không quá khắt khe khi tuyển lao động tay nghề thấp. Theo quý vị, chúng ta có nên thay đổi các yêu cầu đối với NLĐ trong thời gian tới, cụ thể như với mỗi ngành nghề sẽ đưa ra các yêu cầu riêng, phù hợp đặc thù của chính ngành nghề đó?

-Ông Vũ Quanh Thành: Việc đưa ra những yêu cầu riêng, phù hợp với đặc thù từng ngành nghề, tôi cho rằng, có thể trong thời gian tới nghiên cứu đưa ra phù hợp hơn.

Từ phản hồi của nhiều doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận nhiều người lao động chưa chú trọng việc bồi dưỡng cho mình những kỹ năng mềm, trình độ, thái độ làm việc.

Trong khi đó, trong bối cảnh hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 thì những điều này càng trở nên quan trọng. Nhiều người lao động yếu kỹ năng ngoại ngữ, nên dù có tay nghề tốt nhưng vẫn không kết nối được với việc làm mới.

Trong quá trình kết nối tại các phiên giao dịch, do thời gian ngắn nên có thể chưa đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng; nhưng trong quá trình thử việc, người lao động sẽ bộc lộ rõ.

Vì vậy, người lao động cần rèn luyện cho mình kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ khi tiếp cận với vị trí việc làm, ngoại ngữ, tin học… để sẵn sàng tiếp cận các vị trí việc làm.

-Ông Lê Đình Quảng: Đây là cơ chế thị trường, thị trường lao động đòi hỏi người lao động có những kỹ năng, chuyên môn tối thiểu, nhất định. Khi thị trường đòi hỏi người sử dụng lao động, người lao động phải thay đổi, hoàn thiện các khiếm khuyết.

Các cơ sở đào tạo nghề cần phổ biến, đưa các chính sách về pháp luật để người lao động nắm rõ, từ đó, họ có thể hiểu các quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần có tiêu chí chung dành cho người lao động khi vào làm việc. Những kỹ năng cụ thể, doanh nghiệp cần vào cuộc cùng để người lao động nắm rõ. Hiện nay, luật pháp Việt Nam cũng đã quy định rõ trách nhiệm đào tạo của người sử dụng lao động.

Phóng sự về ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia về giải pháp gỡ khó cho thị trường lao động do phóng viên Báo Lao Động thực hiện.

MC: Thưa quý vị, quý vị có đánh giá như thế nào khi xem clip vừa rồi?

-Ông Vũ Quanh Thành: Clip đưa ra vấn đề hết sức thực tế. Nguồn cung công việc đưa ra cho người lao động, phù hợp để họ làm sao quay lại thị trường lao động một cách nhanh chóng nhất. Với lao động trên 40 tuổi, khi họ có kinh nghiệm thì họ có quyền đòi hỏi các chế độ như tiền lương, phụ cấp…

Với vai trò của mình, chúng tôi cũng rất muốn lắng nghe nhiều hơn để kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Làm sao để sử dụng được nguồn lao động đó. Với phân khúc lao động khác nhau cần có chính sách, cách thức hỗ trợ khác nhau, ngoài nỗ lực của chính người lao động. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu.

-Ông Lê Đình Quảng: Do tính linh hoạt của thị trường lao động nên nhiều người bị mất việc làm đã chuyển sang khu vực phi chính thức, từ đó, tỉ lệ có việc làm vẫn cao.

Tuy nhiên, thực tế, đối với những người lao động lớn tuổi trong những ngành thâm dụng lao động khi chuyển sang nghề khác thì rất khó khăn, do kinh nghiệm nghề không áp dụng được khi sang nghề khác. Vì vậy, cần có nhiều hơn nữa giải pháp, chính sách hỗ trợ tạo vốn, việc làm đối với họ để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề.

MC: Ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho rằng, để triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động sau đại dịch, cần ban hành dự án cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho thị trường lao động.

Trong các dự án cụ thể, xác định từng nhóm đối tượng, mục tiêu, giải pháp, đặc biệt vấn đề tài chính để thực hiện có hiệu quả các dự án. Cần có những dự án hỗ trợ người lao động từ khu công nghiệp về quê; dự án phát triển lĩnh vực, ngành nghề mới; Dự án nâng cao hỗ trợ trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ thông tin thị trường lao động - dự án này phải có nguồn kinh phí thoả đáng, đảm bảo đúng tính chất hoạt động vì mục tiêu xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận; Dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận nhóm đối tượng quay trở lại làm việc - chú ý vấn đề sản xuất, an sinh xã hội, nhà ở trường học, y tế, thậm chí hỗ trợ thêm cho họ khoản bằng tiền để quay lại làm việc.

Bên cạnh đó, cần có nhóm dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, nâng cao bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; Dự án cho nhóm người đã có nghề, chỉ cần đi vào đào tạo thực chất bồi dưỡng chứ không cần văn bằng, chứng chỉ; Nhóm dự án cho người nghỉ việc lâu ngày cho người quay trở lại thị trường lao động; Nhóm hỗ trợ cho lao động phi chính thức… Ông có ý kiến gì về quan điểm của ông Trung?

-Ông Lê Đình Quảng: Theo quan điểm của tôi, chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động mà càng cụ thể vào từng đối tượng thì càng hiệu quả. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là nếu một chính sách có nhiều đối tượng mà chi tiết quá thì khó cho quá trình xây dựng, hoạch định. Vì vậy, bên cạnh chính sách chung, tổng thể cho người lao động, thì cần có chính sách đặc thù cho từng đối tượng.

-Ông Vũ Quanh Thành: Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của ông Trung. Các đề án, chương trình cụ thể hỗ trợ cho người lao động đã được đưa ra. Làm sao để người lao động ai cũng có việc làm, doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Sau khi đánh giá hiệu quả của từng đề án, chúng ta đã có sự phục hồi.

MC: Có ý kiến cho rằng hiện, ta vẫn chưa có một bức tranh tổng thể về thị trường lao động. Ngay cả những chính sách hỗ trợ cũng có nhóm hỗ trợ chính xác nhưng cũng có những nhóm chưa chính xác. Ông có đề xuất gì về mặt vĩ mô để chúng ta xây dựng được bức tranh tổng thể về thị trường lao động, từ đó, có chính sách đúng, trúng đối tượng?

-Ông Vũ Quanh Thành: Nhiều cơ quan liên quan đã có nhiều đề xuất về mặt vĩ mô. Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu. Khi chúng ta có đủ cơ sở dữ liệu tốt, đảm bảo về chất lượng và cả số lượng, chúng ta sẽ có ngay đánh giá, nhìn nhận bức tranh tổng thể thị trường lao động.

Từ đó, chúng ta có các mô hình, dự báo, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. TTDVVL Hà Nội nhận sự hỗ trợ, chỉ đạo từ Sở LĐTBXH, Cục việc làm, Tổng Cục thống kê… Chúng tôi đã có các thống kê dữ liệu bước đầu; đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu nói chung trên toàn quốc.

-Ông Lê Đình Quảng: Tăng cường phát triển hoàn thiện hệ thống thông tin lao động, cơ sở dữ liệu là hết sức cần thiết. Vì vậy, tôi cho rằng, cần tiến hành khẩn trương các giải pháp để số hóa về lao động việc làm và kết nối các dữ liệu thông tin thị trường lao động.

Số liệu, bức tranh về thị trường lao động càng cụ thể chính xác bao nhiêu thì quá trình hoạch định, triển khai các chính sách sẽ càng tốt hơn. Đây là vấn đề cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

MC: Thưa Quý vị và các bạn, sau 1 giờ 30 phút trao đổi, chúng ta đã được lắng nghe rất nhiều ý kiến của hai vị khách mời về chủ đề: Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động. Chúng tôi hy vọng nội dung cuộc giao lưu đã cung cấp những thông tin bổ ích cho quý vị. Xin trân trọng cảm ơn đại biểu đã tham dự buổi tọa đàm. Cảm ơn khán giả đã quan tâm theo dõi.

Chương trình giao lưu trực tuyến của Báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin chào và hẹn gặp lại trong những chương trình lần sau.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

“Phao cứu sinh” cho người lao động chưa có việc làm

LƯƠNG HẠNH - MINH HÀ |

Số tiền 3 triệu đồng không quá nhiều nhưng cũng đủ để cho bà Nguyễn Thị Lài đóng tiền học phí, mua sách vở cho các con. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phần nào giúp người lao động trang trải cuộc sống trong lúc chưa có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm mới.

Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động

NHÓM PV |

15h ngày 7.9, Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động" sẽ diễn ra tại Trường quay của Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Bộ Y tế chính thức đề nghị sắp xếp lại vị trí việc làm cho cán bộ dân số

Thùy Linh |

Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo vị trí việc làm; việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc cho viên chức y tế, dân số theo đúng vị trí việc làm.

Bật mí cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Dược

Trang Hà |

Nhiều người quan niệm học Dược chỉ có thể mở được quầy thuốc tại nhà hoặc buôn bán thuốc. Tuy nhiên, viên thuốc từ khi được nghiên cứu đến lúc chuyển đến tay người dùng trải qua rất nhiều giai đoạn. Vì vậy, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Dược rất phong phú.

Công nhân vui mừng khi vẫn có việc làm, được tăng ca

Phương Ngân |

Điều mong mỏi nhất của công nhân lao động đôi khi chỉ đơn giản là có công việc ổn định, được tăng ca đầy đủ để các con được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Ngày mai, xét xử cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Ngày 11.9, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ đưa ra xét xử vụ án liên quan đến cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương cùng 16 bị cáo khác.

Quán bánh cuốn Thanh Trì kèm cà cuống bán hơn nghìn suất mỗi ngày ở Hà Nội

Nhật Minh |

Quán bánh cuốn Thanh Trì gia truyền trên phố Tô Hiến Thành (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đắt khách với món ăn kèm đặc biệt: cà cuống.

Cầu Lò Đường bắc qua kênh bất ngờ sập trong đêm ở TPHCM

Anh Tú |

Ngày 10.9, lực lượng chức năng quận Bình Tân, TPHCM đang phong tỏa hiện trường để xử lí vụ cây cầu Lò Đường (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) bị sập trong đêm 9.9.

“Phao cứu sinh” cho người lao động chưa có việc làm

LƯƠNG HẠNH - MINH HÀ |

Số tiền 3 triệu đồng không quá nhiều nhưng cũng đủ để cho bà Nguyễn Thị Lài đóng tiền học phí, mua sách vở cho các con. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phần nào giúp người lao động trang trải cuộc sống trong lúc chưa có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm mới.

Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động

NHÓM PV |

15h ngày 7.9, Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động" sẽ diễn ra tại Trường quay của Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Bộ Y tế chính thức đề nghị sắp xếp lại vị trí việc làm cho cán bộ dân số

Thùy Linh |

Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo vị trí việc làm; việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc cho viên chức y tế, dân số theo đúng vị trí việc làm.

Bật mí cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Dược

Trang Hà |

Nhiều người quan niệm học Dược chỉ có thể mở được quầy thuốc tại nhà hoặc buôn bán thuốc. Tuy nhiên, viên thuốc từ khi được nghiên cứu đến lúc chuyển đến tay người dùng trải qua rất nhiều giai đoạn. Vì vậy, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Dược rất phong phú.

Công nhân vui mừng khi vẫn có việc làm, được tăng ca

Phương Ngân |

Điều mong mỏi nhất của công nhân lao động đôi khi chỉ đơn giản là có công việc ổn định, được tăng ca đầy đủ để các con được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.