Thiếu hụt lao động đi biển
Nghề đi biển giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều huyện ven biển tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đi biển, nhất là số lao động trẻ và lao động có tay nghề, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên biển.
Hằng ngày, trên các bến thuyền của các xã ven biển huyện Hậu Lộc, vẫn có những tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì chưa có đủ bạn thuyền.
Sắm sửa cho chuyến ra khơi sắp tới, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, thế nhưng ông Thức - thôn Minh Đức, xã Minh Lộc (Hậu Lộc) - vẫn phải chạy khắp nơi để tìm lao động đi biển. Gia đình ông có đôi tàu hành nghề giã cào, mỗi chuyến đi như thế cần ít nhất 12 lao động có kinh nghiệm song mấy ngày qua, ông chạy khắp nơi để tìm lao động nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 90%.
Có mặt trên tàu cá 67 của ông Đỗ Quang Nam (Hoằng Hoá), chúng tôi chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt, giữa chủ tàu (ông Nam) và thuyền viên. Để vận hành con tàu vỏ thép trên 800CV cần ít nhất 10 người, nhất là những người vừa có kinh nghiệm đi biển lại vừa có hiểu biết kỹ thuật. Vậy nhưng loay hoay mãi ông Nam cũng chỉ “lôi kéo” được 6 anh em đi cùng, toàn là những thuyền viên đi lên từ bè mảng. Vậy nhưng, tàu liên tục bị hỏng phải nằm bờ, nợ nần chồng chất, ông Nam dù rất cố gắng cũng không thể trả đủ lương (khoảng từ 5-8 triệu/người) cho thuyền viên. Để giữ chân thuyền viên, những chủ tàu như ông Nam vẫn phải cam kết trả lương theo tháng, có khi hợp đồng, dù là miệng với nhau cả năm. Trong khi đó, anh em thuyền viên cũng không nỡ nhận lương của ông Nam mà ngồi không trong bến. Vậy là người đòi đi, người kéo lại nảy sinh căng thẳng.
Tại Cảng Hới (TP.Sầm Sơn), ông Bằng và ông Cường đang tập trung sửa chữa con tàu công suất 450CV. Ông Bằng cho biết: “Một chuyến ra khơi kéo dài khoảng 1 tuần, cần 16 lao động/chuyến. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đủ lao động cho mỗi chuyến đi quả là rất khó”.
Phường Quảng Tiến (TP.Sầm Sơn) hiện nay có 398 tàu thuyền trong đó có trên 56 tàu thuyền loại 90CV trở lên, 250 tàu loại 72CV, còn lại là 48CV. Bình quân mỗi tàu cần 4 lao động như vậy lao động nghề cá các tàu cần khoảng 1.600 người. Tuy nhiên, số lao động trên địa bàn xã chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Một nghịch lý là nhiều con em địa phương lâu nay gắn bó theo nghề đi biển nhưng lại rời bỏ quê hương đến các tỉnh khác cũng để theo nghề biển vì mức lương ở đó cao hơn.
Hằng chục năm qua, vấn đề đào tạo nghề cho lao động ngành nghề biển vẫn chưa được các cấp các ngành và địa phương quan tâm thỏa đáng. Vì thế khi đến mùa đánh bắt hải sản, các huyện, thành phố ven biển thiếu hụt từ 25-30% nhân lực những chuyến tàu thuyền ra khơi.
Lao động có kỹ thuật càng thiếu
Theo các chủ tàu, tìm được lao động làm việc trên tàu đã khó nhưng tìm được lao động trẻ, có kỹ thuật lại càng khó hơn. Toàn huyện Hậu Lộc hiện có 743 phương tiện làm nghề khai thác hải sản với hơn 4.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ có 50% số lượng lao động trong nghề biển được tập huấn các khóa học ngắn ngày, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền viên; 50% lao động còn lại chưa qua đào tạo về kỹ thuật. Đây đang là trở ngại lớn cho việc khai thác có hiệu quả nguồn lợi trên biển.
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thủy sản, mỗi năm Trường Cao đẳng nghề NNPTNT Thanh Hóa tổ chức mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho 1.200 máy trưởng, thuyền trưởng hạng 4, hạng 5 và 375 chứng chỉ thuyền viên. Số lượng đào tạo này so với nhu cầu là chưa đáp ứng, đồng thời việc đào tạo lao động hành nghề đi biển rất khó... “Nhân lực cho nghề cá xa bờ là yếu tố có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của nghề cá. Nhà nước cần quan tâm đúng mức việc đào tạo, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ thuật, kỹ năng lao động; có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, tạo nguồn nhân lực ổn định” - ông Phạm Xuân Hiển - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề NNPTNT - cho biết.
Có một thực tế là, hầu hết các khóa đào tạo chỉ tập trung cho các thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên mà rất hiếm có lớp đào tạo cho lao động làm nghề đi biển. Vì vậy, khi lao động nghề biển không được đào tạo qua trường lớp, nên các chủ tàu, thuyền chỉ vận dụng một phương pháp độc nhất theo kiểu “cha truyền con nối”.
Trong khi đó, hiện nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chủ tàu đã đóng mới, nâng cấp phương tiện tàu thuyền đánh bắt cá công suất lớn từ 90CV trở lên, đòi hỏi về kỹ thuật cao vì các thiết bị từ máy nổ, máy điện đến vận hành tời, hầm đá đều được nâng cấp hiện đại. Nếu không có trình độ kỹ thuật rất dễ gây tai nạn và làm hỏng.
Một thực tế khác, vấn đề tranh chấp biển đảo ngày càng nhạy cảm, việc trang bị kiến thức về địa lý, Luật Biển cũng như các công ước, quy định liên quan đến các hoạt động trên biển rất cần thiết. Vậy nhưng, đa số ngư dân mới chỉ quan tâm trang bị sức khoẻ và kinh nghiệm nên khó tránh khỏi sự vi phạm quy định một cách rất… hồn nhiên.
Đã đến lúc, ra khơi không chỉ cần chân tay khoẻ.