Bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam - bày tỏ tin tưởng như trên tại lễ ký kết Chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam - ILO diễn ra chiều 28.3.
Tại buổi lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ký vào bản ghi nhớ, khẳng định sự thống nhất với ba ưu tiên quốc gia: Đến năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và đáp ứng giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thoả đáng.
Được thụ hưởng từ các dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, có trách nhiệm giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, toàn diện, bền vững và tăng quyền cho người dân để giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Được thụ hưởng và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và toàn diện hơn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn, tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đây là Khung Chương trình Quốc gia về việc làm thoả đáng lần thứ 4 của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992.
Ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện phù hợp với những ưu tiên quốc gia và tình hình, điều kiện phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn, chương trình hợp tác quốc gia về việc làm thoả đáng có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ các đối tác ba bên ở Việt Nam nâng cao năng lực, hoàn thiện khung khổ pháp lý và các thiết chế trong quan hệ lao động, thị trường lao động, từ đó đóng góp không nhỏ hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau, cũng như gắn kết với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ tin tưởng chương trình hợp tác phù hợp và đáp ứng với nhu cầu của Việt Nam nói chung và Công đoàn Việt Nam nói riêng, hướng tới mục tiêu về việc làm thoả đáng cho mọi người; đồng thời góp phần tạo động lực phát triển các nguồn lực cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cung cấp cơ sở, gợi ý quan trọng cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực lao động, việc làm, các chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, quản trị thị trường lao động, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ILO với các đối tác 3 bên, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về vấn đề lao động, việc làm trên trường quốc tế.
Ông Đào Ngọc Dung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nhấn mạnh, trong chu kỳ hợp tác lần thứ tư này, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội.
Bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam - bày tỏ tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội cùng với những hỗ trợ kỹ thuật của ILO sẽ giúp Khung Chương trình Quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 được triển khai và giám sát hiệu quả ở cả cấp quốc gia và địa phương.