Thông tin trên được cung cấp tại họp báo về Công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 và tuyên truyền Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2022 do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức ngày 6.4.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan thảo luận và thống nhất nội dung của chương trình Lễ phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2022 tới đây.
Tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tại họp báo, bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội-LĐTBXH) - cho biết, theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021, trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, giảm 1.876 vụ so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn.
Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 749 vụ, giảm 170 vụ tương ứng 18,5% so với năm 2020. 786 người chết vì tai nạn lao động. Số người bị thương nặng là 1.485 người. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Năm 2021, bảo hiểm giải quyết mới cho 8.648 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tổng chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ dưỡng sức giám định thương tật, phường ngừa rủi ro, mua Bảo hiểm y tế trong năm trên 1.005 tỉ đồng.
Theo bà Hạnh, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn những tồn tại, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Về bệnh nghề nghiệp, năm 2021 khám, phát hiện 255 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoản 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2021 còn quá ít 26 người.
Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2022, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1.5-31.5) được chính thức phát động vào ngày 28.4 cùng với Tháng Công nhân và cũng là Ngày Thế giới vì an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc.
Chủ đề tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động.
Đảm bảo an toàn lao động khi nới trần giờ làm thêm
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - cho hay, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề. Việc nới trần giờ làm thêm cũng cần chú ý hơn nữa đảm bảo an toàn cho người lao động. “Giờ làm thêm đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 rất rõ ràng, đầy đủ. Tại sao phải nới giờ thêm? Bởi chúng tôi đi khảo sát, có doanh nghiệp 60-70% lao động bị F0. Điều này gây ra thiếu hụt lao động cục bộ, nguy cơ đứt gãy đơn hàng” - ông Thắng nói.
Từ đó, Bộ LĐTBXH tham mưu đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song chỉ trong thời gian ngắn. Dự nới trần làm thêm chỉ áp dụng đến 30.12.2022, đi kèm với đó nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khoẻ của người lao động. Nới trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế, bởi mục tiêu lâu dài phải ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, tăng lương giảm giờ làm. Việc nới trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp đáp ứng phục hồi cho doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, người lao động mắc COVID-19 sẽ có nhiều biểu hiện ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo Bộ Y tế, hậu COVID-19, sức khoẻ người lao động giảm sút, xuất hiện tình trạng mất ngủ, mất tập trung… Để đảm bảo an toàn lao động, cơ quan liên quan đã ban hành một loạt giải pháp đi kèm, thứ nhất đảm bảo chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động. Thứ hai là tổ chức sản xuất, giám sát thanh tra kiểm tra, khám sức khoẻ sau hậu COVID-19 cho người lao động… “Đây là trần giờ làm thêm, không bắt buộc và phải có sự chấp thuận của người lao động thì chủ sử dụng lao động mới được sử dụng” - ông Thắng nói.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Kiên, Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN cho biết, năm nay trong bối cảnh phục hồi kinh tế, câu chuyện đảm bảo việc làm cho người lao động rất cấp bách. Cùng với đó, Tổng LĐLĐVN đã tích cực đề xuất tăng lương tối thiểu vùng trong phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN cũng chỉ đạo toàn hệ thống, trọng tâm là các cấp cơ sở tổ chức hoạt động cảm ơn người lao động.
Theo ông Kiên, thời gian qua, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19. Trong khi đó, họ cũng chia sẻ với doanh nghiệp. “Nới trần làm thêm giờ chỉ là giải pháp tình thế. Khi được hỏi tham gia góp ý về đề xuất làm thêm giờ của Bộ LĐTBXH, chúng tôi nhất quán quan điểm coi đây là giải pháp tình thế để phục hồi kinh tế. Hết năm nay, sẽ quay trở lại theo quy định của Bộ luật Lao động kèm với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ của người lao động trong làm thêm giờ” - ông Kiên nhấn mạnh.