Tăng thêm thời gian cho cán bộ công đoàn không chuyên trách
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Cty Nissei Electric Việt Nam - người có 15 năm làm công tác CĐ, trong đó có 13 năm làm chủ tịch CĐCS, cho biết thực tế hiện nay công việc của CBCĐ rất nhiều, nhất là ở doanh nghiệp có từ vài ngàn lao động trở lên. Trong khi đó, Luật Công đoàn hiện nay chỉ quy định mỗi tháng Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc và các CBCĐ khác được sử dụng 2 giờ làm việc để làm công tác CĐ.
“Thực tế CĐCS càng tổ chức nhiều hoạt động phong trào thì càng vất vả vì không đủ thời gian. Những việc như thăm hỏi CN khi ốm đau, hiếu hỉ, CBCĐ đều phải làm đầy đủ và hầu hết các CBCĐ và bản thân tôi đều phải dành thời gian sau giờ làm việc ở công ty để làm công tác CĐ, nhiều khi rất mệt mỏi nhưng cũng phải cố gắng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ CĐ thì Chủ tịch CĐCS phải chấp nhận hy sinh vì có những nơi, lãnh đạo công ty có suy nghĩ làm công việc CĐ là giảm thời gian của công việc chuyên môn. Thực tế ở công ty chúng tôi, vì lý do khách quan, không bố trí cán bộ chuyên trách CĐ và các chủ tịch CĐ 3 nhiệm kỳ trước tôi đã rất chật vật để có thể hoàn thành công việc, phải chịu sự đánh đổi rất lớn” - bà Vân chia sẻ. Theo bà Vân, ở những doanh nghiệp không bố trí được CBCĐ làm chuyên trách, thì cần quy định nhiều thời gian hơn để CBCĐ làm việc.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Cty Nidec Việt Nam, nơi có khoảng hơn 6.000 lao động - cũng chia sẻ, sau giờ làm việc là lúc CN hỏi nhiều nhất vì lúc đó họ mới có nhiều thời gian nghỉ ngơi. “Nhiều khi buổi tối ở nhà nhưng CN vẫn gọi điện, nhắn tin để hỏi thăm tình hình, nhờ tư vấn, chúng tôi đâu có từ chối được. Làm đúng giờ theo quy định là 24 giờ làm việc/tháng thì không thể nào làm hết công việc CĐ, nhất là ở doanh nghiệp có đông CN. Luật cần quy định cụ thể hơn thời gian làm việc của CBCĐ không chuyên trách. Cụ thể, những doanh nghiệp có từ 5.000 lao động trở lên thì phải có ít nhất 48 giờ làm việc để làm công việc CĐ, còn doanh nghiệp ít lao động hơn thì thời gian ít hơn” - ông Hồng kiến nghị.
Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở
Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng doanh nghiệp nợ kinh phí CĐ. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn thì doanh nghiệp có hay không có CĐCS đều phải đóng kinh phí CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Mục đích là nhằm khuyến khích doanh nghiệp thành lập CĐCS và tạo nguồn thu để chăm lo NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “nợ” khoản kinh phí này.
Theo ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TPHCM - từ năm 2017 đến nay, LĐLĐ huyện đã tiến hành khởi kiện 26 doanh nghiệp nợ kinh phí CĐ kéo dài và đã truy thu hơn 6 tỉ đồng; thông qua các cuộc tham gia kiểm tra chấp hành pháp luật lao động đã truy thu hơn 7,6 tỉ đồng chậm đóng kinh phí CĐ. Trong khi đó, quy định tại Nghị định 43/2013/NĐ-CP quy định CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm của CĐCS ở những nơi chưa thành lập tổ chức CĐCS khi được NLĐ ở đó yêu cầu. Trên thực tế, tại những doanh nghiệp đã có CĐCS thì BCH CĐCS rất khó thực hiện quyền khởi kiện NSDLĐ ra tòa án (do chủ tịch và các ủy viên BCH CĐCS đều làm việc theo HĐLĐ và được NSDLĐ trả lương nên sẽ không dám mạnh dạn đấu tranh, đối đầu với NSDLĐ). “Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng CĐCS hoặc CĐ trên trực tiếp cơ sở đều được thực hiện quyền và trách nhiệm của CĐ quy định tại Khoản 8, Điều 10 Luật Công đoàn hiện nay” - ông Bảo kiến nghị.