Có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, Bộ Luật Lao động năm 2019 có nhiều quy định thay đổi liên quan đến lương tối thiểu.
Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về lương tối thiểu như sau: Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, tại Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
Tại Bộ luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu vùng của người lao động sẽ được điều chỉnh theo 7 tiêu chí: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Khoản 4, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, hiện vẫn áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ 1.1.2020.
Chiều 28.3, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có phiên họp về lương tối thiểu vùng. Đây là phiên họp đầu tiên của năm nay.
Trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.
Trước đó, trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, theo thông lệ, lương tối thiểu thường được điều chỉnh vào đầu năm (1.1). Nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có thể điều chỉnh trước mốc trên, vì thời gian không tăng đã quá dài, hơn nữa tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực.
Ngoài ra, trong lịch sử, cũng đã có nhiều lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh và áp dụng vào giữa năm, nên cá nhân ông vẫn muốn điều chỉnh sớm lương tối thiểu vùng để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia luôn có những ý kiến khác nhau từ phía đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động.
Đại diện người sử dụng lao động - VCCI - cho rằng tiền lương là chi phí. Vì vậy, họ luôn đưa ra quan điểm, tính toán chi phí làm sao cho hợp lý với năng suất, khả năng chịu đựng tồn tại với doanh nghiệp.
Còn phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì tiền lương là sàn để thoả thuận những mức lương khác. Cho nên, khi sàn này nâng lên thì mức lương khác vô hình chung được thoả thuận cao dần.
“Bao giờ, trong những phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều có những ý kiến khác nhau. Phía Nhà nước luôn lắng nghe các bên, phân tích những phương án từ các bên đưa ra. Ở đây, cần tìm ra phương án dung hoà, các bên có thể chấp nhận được” – ông Huân nói.