Áp lực nguồn nhân lực
Thời gian gần đây, Quảng Ninh đang trở thành điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhờ hạ tầng giao thông hiện đại, vị trí thuận tiện và những nỗ lực cải cách hành chính phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Ninh, dự báo từ nay đến hết năm 2023 nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2023 cần 8.500 lao động, tương ứng cả năm khoảng 17.000 người.
Giai đoạn từ 2024-2025, Quảng Ninh cần khoảng 28.000 lao động. Giai đoạn 2026-2030 cần tuyển thêm khoảng 76.000 lao động, tương ứng mỗi năm cần thêm gần 14.900 lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Trong đó, dự kiến trình độ đại học trở lên là 6.200 người, cao đẳng là 4.600 người, trung cấp là 3.700 người, sơ cấp trên 3.000 người, 82.600 lao động phổ thông… Một số ngành nghề chủ yếu DN có nhu cầu tuyển dụng lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, xây dựng, vận tải kho bãi, kinh tế cảng biển...
Đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh là 70 đơn vị, trong đó có 41 doanh nghiệp FDI, với khoảng 34.400 lao động (trong đó có khoảng 22.000 lao động nữ, số lao động ngoại tỉnh là 6.983 người, số lao động người nước ngoài là 1.278 người). Năm 2023, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong KCN khoảng 8.400 lao động.
Để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động ngày một tăng, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh đề xuất một loạt các giải pháp.
Trong đó, phối hợp, hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng lao động, kết nối cung - cầu lao động; từng bước triển khai mạnh việc đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp, thành lập tổ công tác gắn kết 3 nhà (Nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp).
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng một số ngành nghề khuyến khích đào tạo (kể cả trình độ đại học), tập trung vào một số ngành nghề lĩnh vực chế biến chế tạo, nghề thuộc lĩnh vực doanh nghiệp trong các KCN đang cần tuyển dụng, thu hút...
Để thu hút lao động có kỹ năng nghề tỉnh ngoài, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị tiếp tục xây dựng chính sách hấp dẫn về nhà ở, tiền lương, thu nhập; xây dựng môi trường làm việc tốt, người lao động được đãi ngộ, được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần...
Nhắm tới nguồn nhân lực “đặc biệt”
Theo ông Tô Duy Tòng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Quảng Yên - trước dịch COVID-19, người dân Quảng Yên sang Hải Phòng làm việc và trở về trong ngày, có xe đưa đón lên tới khoảng 10.000 người. Sau dịch COVID-19, tình hình sản xuất ổn định trở lại, cùng với sự xuất hiện của nhiều DN đầu tư vào các KCN ở Quảng Yên nên nhiều lao động đã trở về làm việc tại quê. Hiện, mỗi ngày vẫn còn 6.000 - 7.000 người cư trú ở Quảng Yên sang Hải Phòng làm việc.
Không đông như Quảng Yên, nhưng số người cư trú tại TP Uông Bí hàng ngày sang các tỉnh, thành lân cận làm việc và trở về trong ngày cũng lên tới vài nghìn người.
Theo ông Nguyễn Văn Quyến - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Uông Bí - thời kỳ cao điểm, hàng ngày có khoảng 6.000 người cư trú tại Uông Bí sang các tỉnh, thành làm việc, trong đó chủ yếu ở Hải Phòng. Hiện, con số này vẫn còn hơn 3.000 người.
“Ngày càng có nhiều DN đầu tư nhiều vào Quảng Ninh, nhất là Quảng Yên, với chính sách đãi ngộ tốt. Vì thế, nhiều người đã chuyển về quê làm việc cho gần nhà” - ông Quyến cho biết.
Theo ông Tô Duy Tòng - lương tối thiểu vùng của Hải Phòng (vùng 1) cao hơn lương tối thiểu vùng của Quảng Ninh, nhưng các doanh nghiệp tại Quảng Yên, bằng nhiều chính sách, cơ chế về thu nhập, đã tiếp cận gần tới mức lương tối thiểu vùng 1.
Vì vậy, dù chênh nhau một chút về lương tối thiểu vùng nhưng nhiều người vẫn chuyển về Quảng Yên vì được gần nhà, không phải dậy sớm, đi lại nhiều, nhất là với những lao động đã có tuổi, có gia đình.