“Trong cách ly càng hiểu khó khăn của người lao động”
Mấy hôm nay, khi khu vực nhà mình ở được gỡ phong tỏa, bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Chủ tịch LĐLĐ Quận Gò Vấp, TPHCM - vỡ òa niềm vui và ngay lập tức đi tặng quà những đoàn viên CĐ, NLĐ đang phải cách ly để phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Yến kể, cuối tháng 5.2021, Gò Vấp là “điểm nóng” của TPHCM vì có nhiều ca mắc COVID-19. Ngày 29.5, khu vực nhà bà Yến ở cũng bị phong tỏa do có ca mắc COVID-19, đến 31.5 toàn Quận Gò Vấp phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch. Cùng lúc đó, nhà ông Phan Văn Tài - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận Gò Vấp - cũng phải cách ly với lý do tương tự. “Đột nhiên mình phải ở nhà, trong khi tình hình lúc đó “nước sôi, lửa bỏng”. Liên tục có ca nhiễm trên địa bàn quận, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của hàng chục nghìn NLĐ. Nhiều NLĐ, nhất là những người phải ở trọ, gặp khó khăn, cần được chăm lo kịp thời mà mình thì phải “chôn chân” ở nhà khiến tôi rất lo lắng. Cả tôi và anh Tài cùng phải điều hành công việc qua điện thoại, nhiều ngày liên tục phải sạc pin 4 lần mới đủ sử dụng” - bà Yến chia sẻ.
Dưới sự điều hành từ xa của bà Yến, ông Tài, cùng sự nỗ lực tối đa của các cán bộ, LĐLĐ quận Gò Vấp đã thăm hỏi, động viên y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế, Bệnh viện Quận Gò Vấp và các lực lượng làm nhiệm vụ tại 12 điểm kiểm soát người dân ra vào quận Gò Vấp tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Đồng thời, chăm lo gần 1.000 phần quà nhu yếu phẩm (gồm gạo, mì, đường, nước tương và dầu ăn); trao tặng 1,5 tấn thanh long, 6 tấn chuối của các doanh nghiệp ủng hộ cho các đoàn viên CĐ, NLĐ, các tổ công nhân tự quản khu vực bị phong tỏa, cách ly, bị tạm ngừng việc có hoàn cảnh khó khăn.
Tình cảnh của bà Phạm Ngọc Lan - Chủ tịch LĐLĐ Quận Tân Phú, TPHCM - cũng tương tự. Đi thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, chẳng may có người bị mắc COVID-19, vậy là bà Lan đột nhiên trở thành F1, hiện đang phải cách ly tập trung. Bà Lan cho biết, Tân Phú cũng là địa phương có nhiều ca nhiễm COVID-19, nhiều khu vực bị phong tỏa, rất nhiều trường hợp phát sinh, nên việc chăm lo cho đoàn viên CĐ, NLĐ cần nhiều thời gian và đòi hỏi quyết định của người đứng đầu, vì nhiều quy định về chăm lo chưa bao phủ hết hay người cần được chăm lo chưa có đủ giấy tờ chứng minh.
“Có rất nhiều việc khi được trực tiếp đến tận nơi chứng kiến, hay ở cơ quan làm việc, mình sẽ quyết định nhanh chóng. Do phải cách ly, nên chỉ nghe báo cáo và điều hành công việc từ xa, rất băn khoăn, bức bối. Bản thân mình phải cách ly, nên rất hiểu những khó khăn, vất vả, thậm chí là thiếu thốn của NLĐ. May là anh em trong cơ quan làm việc đều tay và rất nỗ lực, nên việc chăm lo cho NLĐ trên địa bàn quận đến nay cơ bản là tốt” - bà Lan Chia sẻ. Dưới sự điều hành của bà Lan, LĐLĐ Quận Tân Phú cũng chăm lo cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch, hàng trăm đoàn viên CĐ, NLĐ phải cách ly tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Hy sinh tình riêng vì việc chung
Trong thời gian bị cách ly, cả bà Yến, bà Lan đều rất nỗ lực chăm lo cho đoàn viên CĐ, NLĐ, nhưng họ lại không trực tiếp được chăm lo cho người thân của mình. Một cán bộ LĐLĐ Gò Vấp “tiết lộ”, hơn chục năm qua, mẹ bà Yến bị bệnh, phải nằm một chỗ, ban ngày có gia đình em trai, em dâu bà Yến chăm sóc. Hằng ngày, sau giờ làm việc, lo cơm nước cho gia đình nhỏ của mình xong, tối đến bà Yến lại sang nhà em trai ngủ lại để chăm sóc, gần sáng dậy tắm rửa, vệ sinh cho mẹ rồi mới về đi làm.
Chúng tôi hỏi chuyện này, bà Yến ngập ngừng tâm sự: “Những ngày đó, may mà nhờ có em trai và em dâu đỡ đần nên mới yên tâm. Nhiều hôm gọi điện thoại hỏi thăm, nghe mẹ khóc mà rất buồn, chỉ muốn được đến ngay để chăm mẹ. Thế nhưng, hết cách ly thì việc chăm lo cho đoàn viên, NLĐ lại cứ quấn lấy mình, cũng phải hy sinh tình riêng vì việc chung”.
Cũng như bà Yến, trong thời gian phải cách ly này, bà Lan cũng không thể trực tiếp chăm cho con mình bị bệnh, phải đi viện điều trị. “Có hôm, con tôi phải vào viện mà không thể trực tiếp chăm được, phải nhờ em đi chăm chị, thật tủi thân. May mà còn có LĐLĐ TPHCM can thiệp, nhờ vả, nên mọi việc rồi cũng ổn thỏa. Mình lo chăm sóc đoàn viên, NLĐ, rồi tổ chức lại lo cho mình. Tình cảm của tổ chức CĐ thật ấm áp” - bà Lan chia sẻ.