Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 kể (từ ngày 27.4.2021) diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội. Đến nay nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; hàng triệu NLĐ phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm, thu nhập giảm… Một số tỉnh, thành phố chỉ cho sản xuất, kinh doanh nếu doanh nghiệp thực hiện đúng “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp) hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Theo ghi nhận của VCCI, CNLĐ tại các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” cũng gặp rất nhiều khó khăn…
Qua theo dõi những hoạt động chăm lo đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do COVID-19 của Tổng LĐLĐVN, ông Hoàng Quang Phòng nhận xét, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, các cấp công đoàn trong cả nước đã nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh, duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19…
Trong đó, Tổng LĐLĐVN đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ tư (hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ; bổ sung đối tượng miễn đóng đoàn phí công đoàn từ ngày 1.5.2021 đến 31.12.2021 cho đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng); 2 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 12.2021; hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ đang lao động, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg); 1 hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đảm bảo an toàn (ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VCCI); triển khai Chương trình “Vaccine cho công nhân” (thông qua “Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động”)…
“Theo tôi, Tổng LĐLĐVN đã phát hiện ra những khó khăn của DN và NLĐ qua đó ban hành những quyết định, chính sách hỗ trợ đúng thời điểm DN, NLĐ gặp khó khăn nhất” - ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch VCCI rất “ấn tượng” với quyết định của Tổng LĐLĐVN chi hơn 1.000 tỉ đồng hỗ trợ bữa ăn cho công nhân “3 tại chỗ”.
“Trước đây, khi dịch chưa bùng phát dữ dội như hiện nay, các DN hoạt động sản xuất bình thường, thì hằng ngày chủ sử dụng lao động chỉ phải chăm lo cho NLĐ 1 bữa ăn chính hằng ngày, hoặc thêm 1 bữa phụ… Nay dịch COVID-19 bùng phát, lây lan nhanh tại nhiều tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất, đông NLĐ nên để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng sản phẩm, đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho NLĐ… nhiều DN đã áp dụng “3 tại chỗ” khiến kinh phí để DN chăm lo cho NLĐ tăng rất cao. Bởi, ngoài 3 bữa ăn DN còn phải trang bị lều ngủ, đệm, chăn, máy giặt, cabin tắm… cho NLĐ. Do đó, việc Tổng LĐLĐVN có quyết định chi hơn 1.000 tỉ đồng hỗ trợ bữa ăn NLĐ “3 tại chỗ” trong thời điểm hiện nay là rất kịp thời, ý nghĩa. Số tiền trên có thể giúp DN nâng cao chất lượng bữa ăn cho NLĐ, qua đó NLĐ đảm bảo sức khoẻ lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Việc này thể hiện công đoàn luôn đồng hành với DN và NLĐ trong lúc khó khăn” - ông Hoàng Quang Phòng nêu ý kiến.
Lãnh đạo VCCI cũng mong muốn, những hoạt động đồng hành với DN và NLĐ của tổ chức công đoàn là cách làm hay, cần được lan toả rộng rãi để có thêm nhiều tổ chức chính trị, xã hội hưởng ứng - giúp DN và NLĐ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.