Chính quyền hai địa phương kêu gọi công nhân lao động hạn chế di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán . Nhiều người lao động xa quê đã quyết định ở lại phòng trọ để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Nhưng với những nữ công nhân gửi con ở quê với ông bà để mưu sinh thì lại phải ăn Tết trong nỗi nhớ nhà, nhớ con da diết.
"Mẹ ơi! Mẹ không về quê ăn tết với con à"
"Mẹ ơi! Tết này mẹ không về quê ăn tết với con à! Mẹ biết làm sao hả con ơi? Chống dịch như chống giặc. Mẹ hứa hết dịch, mẹ sẽ về với con".
Đó là dòng trạng thái trên trang cá nhân nữ công nhân Lương Mai Thu - 31 tuổi, nhà Đắk Lắk, làm việc 5 năm nay ở Công ty TNHH Apparel Far Eastern Viet Nam (KCN Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Chia sẻ này khiến nhiều người mẹ xa quê, xa con xúc động.
Nói về dòng trạng thái trên, chị Thu cho biết, tuy nhà ở ĐắK Lắk nhưng tình hình dịch bệnh ở các tỉnh thành đang diễn biến phức tạp nên để phòng, chống dịch bệnh đã quyết định ở lại Bình Phước.
"Mình có 2 con gái đang ở với bà ngoại. Đã hơn nửa năm rồi chưa về thăm nhà. Khi con đi học về biết tin mẹ không về ăn Tết đã gọi điện hỏi: Mẹ ơi! Mẹ không về quê ăn tết với con à! Thương các con nhưng lúc này chỉ biết hứa là hết dịch mẹ sẽ về với con".
"Mình ở lại đi làm đến ngày 28 Tết, những ngày lễ được trả lương gấp 3 lần ngày thường, số tiền này sẽ gom góp để gửi về cho bà ngoại nuôi 2 con. Mỗi tháng mình có thu nhập hơn 6 triệu đồng, tuy nhiên phải ráng tiết kiệm 3 triệu để gửi về nhà. Xa con lâu mình rất nhớ con và biết các con rất nhớ mẹ, chỉ mong đến Tết được gặp mẹ. Tuy nhiên vì phòng dịch, vì công việc và cuộc sống nên phải ở lại"- chị Mai Thu chia sẻ.
Bà Trần Thị Toan - cán bộ CĐ chuyên trách, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Công ty New Apparel Far Eastern Việt Nam cho biết, năm nay do dịch bệnh nên nhiều công nhân không về quê mà ở lại Bình Phước ăn tết. Rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trường hợp của chị Mai Thu rất cảm động khi người mẹ phải ăn tết xa nhà, xa con.
Ăn tết ở khu cách ly trong nỗi nhớ con da diết
Năm nay tại Bình Dương, có khoảng 500.000 công nhân lao động ở lại ăn tết, trong đó, đa số người lao động ở trọ đời sống còn vất vả. Nhiều người 4 đến 5 năm rồi chưa được về quê, dù đã mua vé xe, vé tàu nhưng vẫn quyết định ở lại để chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Vợ chồng chị Lâm Thị Thanh - 30 tuổi, quê ở Thanh Hóa làm công nhân ở Công ty TNHH Phi Phụng là một trong số những cặp vợ chồng đã mua vé xe nhưng phải ở lại Bình Dương. Do ở gần trường Đại học Thủ Dầu Một, nơi ở di chuyển của ca bệnh 1843 nên cũng bị phong tỏa cách ly theo dõi.
"Vợ chồng đang đi làm với hy vọng sớm về quê ăn Tết thăm con gái. Thế nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ, nhà trọ bị cách ly đột ngột, hai vợ chồng phải ở lại, việc này khiến mình bị hụt hẫng. Con thì còn nhỏ mới 2 tuổi mà Tết không về được. Mới hơn 1 tuần nhưng mà cảm thấy nhớ nhà, nhớ con da diết. Chắc phải 1 năm nữa mới lại được gặp con"- chị Thanh chia sẻ.
Do nhớ con, lại ở trong khu cách ly, xa người thân nên hai vợ chồng chị Thanh cũng chưa sắm sửa được gì nhiều cho cái Tết xa quê. "Năm nay chỉ ăn Tết đơn giản cho qua để năm mới đi làm trở lại''- chị Thanh nói.
Ông Nguyễn Thanh Hoài Ân - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Dầu Một cho biết, theo khảo sát có 50 công nhân khó khăn ở trong khu cách ly tại phường Phú Hòa. Hiện công đoàn đã hỗ trợ mỗi trường hợp phần quà tết trị giá 1 triệu đồng. Công đoàn thành phố sẽ giữ liên lạc trong những ngày Tết với công nhân khu cách ly để sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ khi công nhân cần.