Đường sá tối om, công nhân lo trộm, cướp
Chị Trần Thị Hà đang làm công nhân nhà máy chế biến, xuất khẩu chanh dây Quirconac ở Khu công nghiệp Trà Đa, ở thành phố Pleiku cho biết: “Khu công nghiệp có diện tích rộng, nhiều đường nhánh, công nhân làm về đêm khuya vắng sợ bị trộm cướp cản đường, đe dọa. Bên trong khu công nghiệp còn có cơ sở cai nghiện ma túy, nghĩa trang... Gần đây có nhiều thông tin người nghiện phá trại lọt được ra ngoài nên chị em công nhân ở đây lo lắng, phải rủ nhau từng nhóm đi về”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Lành - công nhân Công ty Chế biến đá Anh Khoa ở thành phố Pleiku chia sẻ: “Xóm trọ gần khu công nghiệp thường vắng vẻ, ban ngày công nhân đi làm hết, trộm cướp thường lẻn vào lấy các đồ giá trị như tivi, tủ lạnh, tiền bạc... Nhà ở công nhân được xây dựng lâu ngày nên xập xệ, hư hỏng, nhiều công nhân bấm bụng chi tiền lắp thêm camera theo dõi phía ngoài đường, trong nhà trọ đề phòng trộm cắp”.
Theo ông Nguyễn Quốc Vinh - Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, TP Pleiku, so với các tỉnh thành lớn trên cả nước thì công nhân lao động trên địa bàn tỉnh không nhiều, chủ yếu là người địa phương.
Sau giờ lao động trong nhà máy, công nhân đều trở về nhà sinh sống, chỉ có số ít công nhân ở các huyện, thị xã cách xa khu công nghiệp mới ở lại tá túc trong các khu nhà trọ, nhà tập thể. Công an xã cũng đã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến đường vào khu công nghiệp để đảm bảo an ninh trật tự.
Nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người lao động
Hiện tỉnh Gia Lai có 3 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 611ha. Trong đó, khu công nghiệp Trà Đa có diện tích 210ha; Khu công nghiệp Nam Pleiku có diện tích hơn 191ha và Khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có diện tích 210ha.
Khu công nghiệp Trà Đa có tỉ lệ lấp đầy 100% với 55 nhà đầu tư đang triển khai 61 dự án. Hiện số lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Trà Đa khoảng 2.000 người, trong đó lao động người dân tộc thiểu số hơn 400 người. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 6.059 doanh nghiệp đang hoạt động với 67.514 lao động.
Theo ông Nguyễn Như Trình - Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, nhà đầu tư vào khu công nghiệp Trà Đa tập trung vào các ngành, nghề phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương như đá granite, nông sản, gỗ…
Các dự án tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chủ yếu hoạt động theo mùa vụ, tập trung thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu. Số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế là 2.025 người.
Năm 2023, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình an ninh chính trị thế giới, giá vật liệu xây dựng, vật tư và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tiếp tục duy trì ở giá cao đã làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện tương đối tốt các chế độ, chính sách cho người lao động.