Nỗi lo bạo hành nơi gửi con công nhân

L.TUYẾT - K.QUỲNH |

Vụ việc bạo hành trẻ em ở cơ sở giữ trẻ Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) đang gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, đa số trẻ gửi ở đây đều là con của công nhân lao động (CNLĐ).

Với đồng lương ít ỏi, cuộc sống khó khăn, đại đa số công nhân chỉ dám gửi con ở những cơ sở mầm non “bình dân”, thậm chí là lớp gửi trẻ tự phát. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế được tình trạng bạo hành, để mỗi CNLĐ yên tâm sản xuất.

Thấy con sợ đến lớp nhưng nghĩ… trẻ nào cũng vậy!

“Lúc trước khi gửi con vào nhóm trẻ gia đình, ngày nào tôi cũng dọa nạt, bắt ép thì trẻ mới chịu đi học. Nhiều lúc, đưa trẻ đến lớp rồi trẻ vẫn khóc. Thấy con như vậy, tôi có lo lắng nhưng rồi cũng cho qua, bởi tôi nghĩ trẻ nào cũng vậy.

Ở nhà với mẹ quen nên không chịu đi học. Thế nhưng khi gửi con qua trường mầm non Hoa Đào, trẻ rất vui. Tới giờ đón, thấy mẹ, trẻ không nằng nặc đòi về nữa mà còn muốn ra sân chơi. Lúc đó tôi mới có sự so sánh và giật mình, không biết lúc trước, gửi con ở nhóm trẻ gia đình, con gặp chuyện gì mà không chịu đi học. Tôi thực sự rất sợ” - chị Mỹ Linh, công nhân Cty Freetrend (KCX Linh Trung, TPHCM) có con gái 3 tuổi, chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị mẹ con chị Mỹ Linh khi gửi được con vào trường mầm non dành riêng cho con công nhân với cơ sở vật chất khang trang, được hỗ trợ chi phí gửi trẻ ngoài giờ, giáo viên có trình độ.

Không xin được 1 suất gửi con vào trường công lập, vợ chồng chị Nga (làm việc tại KCN Tân Bình) gửi con vào 1 nhóm trẻ gia đình, dù biết rất rõ, người giữ trẻ không có trình độ, nghiệp vụ về giáo dục mầm non.

Chị Nga chia sẻ: “Tôi không còn lựa chọn nào khác, bởi các trường công lập họ ưu tiên nhận con em của người dân địa phương. Gửi trường tư thục lớn, có camera quan sát thì chi phí quá cao nên tôi chọn gửi vào nhóm trẻ gia đình. Người giữ trẻ vốn là công nhân, sau sinh con thì nghỉ việc ở nhà trông con, họ trông luôn con mình. Họ cũng có con nên tôi chỉ mong họ yêu con mình như con của họ”.

Bảo mẫu dùng ghế nhựa đè lên đầu trẻ em trong giờ ăn tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh, Q.12.
Bảo mẫu dùng ghế nhựa đè lên đầu trẻ em trong giờ ăn tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh, Q.12. Ảnh cắt từ clip: T.T - Duy Trần.

Tuy nhiên, không phải cứ trông chờ vào “cái tâm” của các cô bảo mẫu, nhiều công nhân cho biết, thường chú ý đến thái độ của con để có hướng phòng tránh các cô bảo mẫu hành hạ trẻ.

“Lúc con còn nhỏ, tôi chú ý đến thái độ của con khi giao con cho cô. Nếu con vui vẻ khi gặp cô thì mình an tâm, còn con thấy cô mà tỏ vẻ sợ hãi và sự sợ hãi không chấm dứt thì tôi sẽ chuyển trường. Con biết nói chuyện, tôi sẽ hỏi con chuyện học trên lớp ra sao. Nếu con tôi hào hứng thì tôi sẽ an tâm hơn. Chính cách này, tôi 2 lần chuyển chỗ học cho con” - chị Thanh Thúy, làm việc tại KCX Linh Trung, chia sẻ.

Quản lý, cấp phép kiểu nể nang thì trẻ còn bị bạo hành

Với hơn 1 triệu CNLĐ, đa phần là người nhập cư đang làm việc tại TPHCM, riêng các KCN-KCX tập trung đã có hơn 250.000 CNLĐ thì 22 dự án nhà trẻ dành riêng cho con công nhân sẽ được TPHCM đầu tư xây dựng đến năm 2020 như muối bỏ biển.

Năm học 2016-2017, TPHCM đưa vào hoạt động 3 trường mầm non dành cho con công nhân đang làm việc ở các KCX-KCN gồm: Trường Mầm non Hoàng Yến (P. Linh Xuân, quận Thủ Đức), Trường Mầm non Hoa Đào (P.Linh Trung) và Trường Mầm non KCX Tân Thuận (quận 7).

Trên địa bàn quận 12, nơi xảy ra vụ trẻ bị bảo mẫu bạo hành có 53 trường mầm non, 257 nhóm lớp ngoài công lập đang nhận giữ 2.937 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và 20.527 trẻ mẫu giáo. Còn trên toàn thành phố, theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM, hiện có 1.100 trường mầm non công và ngoài công lập, hơn 1.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Trong đó có hơn 3.000 nhóm nhà trẻ và hơn 10.000 lớp mẫu giáo với tổng số giáo viên gần 23.000 người.

TPHCM trong những năm gần đây luôn thiếu giáo viên mầm non. Như năm học 2016-2017, thành phố cần tuyển trên 2.380 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 1.760, thiếu trên 620 giáo viên mầm non. Năm nay, TPHCM xây dựng nhiều chính sách thu hút giáo viên mầm non, đặc biệt cho phép tuyển dụng người không cần phải có hộ khẩu thành phố.

Ngành giáo dục cũng phối hợp các trường đào tạo sư phạm để có thêm nguồn giáo viên mầm non chất lượng. Theo thống kê năm 2016, TPHCM có trên 1.640 sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non ở các hệ đào tạo. Còn lại, một đội ngũ lớn giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp.

Bảo mẫu tại cơ sở giữ trẻ tự phát trên đường Nguyễn Oanh (P.17, Q.Gò Vấp, TPHCM) có hành vi ngược đãi trẻ em.  Ảnh cắt từ clip: T.T - Duy Trần
Bảo mẫu tại cơ sở giữ trẻ tự phát trên đường Nguyễn Oanh (P.17, Q.Gò Vấp, TPHCM) có hành vi ngược đãi trẻ em. Ảnh cắt từ clip: T.T - Duy Trần.

Các vụ trẻ mầm non bị bạo hành được giải thích là do trình độ của giáo viên mầm non yếu kém, hoặc giáo viên mầm non thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, những người có tâm huyết với ngành giáo dục mầm non lại cho rằng, đó chỉ là một phần, nguyên nhân chính là do việc cấp phép, quản lý các cơ sở mầm non tư thục, dân lập, nhóm trẻ gia đình còn quá lỏng lẻo.

Đơn cử, bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ lớp mẫu giáo Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM)- là một người có bằng cấp, cũng là người bạo hành trẻ trong clip mới đây. Qua vụ việc này, công tác quản lý đã chứng tỏ nhiều yếu kém, lỏng lẻo. Cụ thể, trước đó, đã có nhiều thông tin về việc giáo viên, bảo mẫu ở trường này đánh đập trẻ nhưng đoàn kiểm tra của Phòng giáo dục quận 12 và UBND phường Hiệp Thành xuống kiểm tra lại không phát hiện sai phạm liên quan đến bạo hành trẻ.

Hơn nữa, trong năm, cơ quan chức năng cũng 2 lần kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm. Chỉ đến khi clip bạo hành được đăng tải, trường mới bị đình chỉ lớp.

Bà Lê Ái Sơn Hà - Hiệu trưởng trường mầm non Mặt Trời Nhỏ (quận Bình Tân, TPHCM) - chia sẻ: Theo tôi, để xảy ra sự việc này, trước hết do chính quyền địa phương chưa mạnh tay với những cơ sở không đủ giáo viên, không đủ người quản lý đã qua đào tạo. Mặt khác, bản thân giáo viên, người quản lý nếu đã qua đào tạo mà không yêu nghề, yêu trẻ thì cũng nên từ bỏ ngành mầm non, làm công việc khác.

Bảo mẫu Phạm Thị Mộng Thu (bên trái) tại cơ sở giữ trẻ tự phát có hành vi ngược đãi trẻ em. Ảnh: Duy Trần
Bảo mẫu Phạm Thị Mộng Thu (bên trái) tại cơ sở giữ trẻ tự phát có hành vi ngược đãi trẻ em. Ảnh: Duy Trần

“Vụ việc của trường mầm non Mầm Xanh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các trường tư thục, dân lập, nhóm trẻ được cấp phép. Theo cá nhân tôi, nếu quản lý theo kiểu phát hiện sai phạm là đóng cửa trường đó, sau đó là siết lại hoạt động của các trường tư thục, dân lập không phải là cách quản lý hay.

Xã hội hóa công tác giáo dục, trường tư thục, dân lập, nhóm trẻ gia đình ra đời là nhu cầu tất yếu, bởi nếu không có những nơi này, con công nhân biết gửi ở đâu trong khi trường công lập thì quá tải. Mà phải “siết” ngay từ khi cấp phép, để mở được trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức ở trường mầm non, đội ngũ nhân sự, và mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường. Sau đó, trong quá trình hoạt động, nếu thấy sai phạm phải xử lý mạnh tay, không nể nang” - một hiệu trưởng trường mầm non tư thục tại quận Thủ Đức chia sẻ. 

Làm sao để hạn chế hành vi bạo hành trẻ trong trường mầm non

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TPHCM - qua những vụ bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non gần đây có thể thấy rằng, việc các cơ quan chức năng dù đã có xử lý, thậm chí là phạt tù nhiều trường hợp bạo hành trẻ nhưng sức răn đe vẫn còn ở mức độ hạn chế. Như trong vụ bạo hành trẻ xảy ra ở nhà trẻ Phương Anh cách đây mấy năm, dù 2 bảo mẫu đã bị đưa ra xét xử lưu động. Với mức án nghiêm khắc mà tòa tuyên phạt với 2 bảo mẫu, cộng với sự lên án dữ dội của dư luận, nhưng tình trạng đánh đập, bạo hành trẻ vẫn cứ diễn ra, thậm chí có phần nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn trên phạm vi cả nước.

Thực trạng trên cho thấy, đang có tình trạng các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, vì chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ công tác tuyển chọn nhân sự, nhất là khâu tuyển giáo viên, bảo mẫu. “Với quan điểm của một luật sư, tôi nghĩ, cơ quan chức năng nên xem xét, xử lý nghiêm hành vi hành hạ người khác - trong trường hợp này là hành hạ trẻ em - và sớm đưa ra xét xử để làm gương để các bảo mẫu khác noi theo” - Luật sư Thảo nêu quan điểm.

Với tư cách là một phụ huynh đã từng gửi con vào cơ sở nuôi giữ trẻ, anh Lê Hồng Phúc (ngụ quận Gò Vấp) cho rằng, để hạn chế hành vi bạo hành trẻ thì ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cũng nên qui định bắt buộc các cơ sở này phải lắp đặt hệ thống camera quan sát để các bậc phụ huynh có thể theo dõi được con em mình khi ở trường cũng như biết được các hành vi của giáo viên, bảo mẫu với các cháu. Thực tế, trên địa bàn TPHCM đã có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non trang bị hệ thống camera và tại đây hầu như không ghi nhận tình trạng bạo hành trẻ. Tuy nhiên, không phải cơ sở nuôi dạy trẻ nào cũng có khả năng trang bị những thiết bị đắt tiền này. Tiêu biểu như trong vụ bạo hành trẻ xảy ra ở trường Mầm Xanh mới bị phát giác, sau khi giao con cho bảo mẫu, hầu như các bậc phụ huynh đều không thể biết bảo mẫu làm gì với con mình trong suốt thời gian các cháu ở đây đến khi sự việc đau lòng được đưa ra ánh sáng. Trường Sơn

Theo Công an quận 12 (TPHCM), sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở này, Công an quận đã mời bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở - 2 bảo mẫu, các cháu bé bị đánh đập và phụ huynh để củng cố hồ sơ vụ việc. Sau khi có đủ hồ sơ chứng cứ, quan điểm của công an quận là sẽ khởi tố hành vi hành hạ người khác - trong trường hợp này là hành hạ trẻ em - và sẽ quyết định bắt tạm giam bà Linh để phục vụ điều tra, xử lý theo qui định pháp luật.

Bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN: Cần rà soát lại lực lượng cô nuôi dạy trẻ. Trước thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay, Tổng LĐLĐVN ủng hộ việc cần rà soát lại lực lượng cô nuôi dạy trẻ để tránh tình trạng bạo hành hiện nay. Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các cấp CĐ, đặc biệt là CĐ giáo dục phối hợp với chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cho giáo viên, gắn với đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động của ngành “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan, nhất là ngành GDĐT trong xúc tiến việc thực hiện và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 09/CT- Tg ngày 22.5.2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX); xác định đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để trẻ có điều kiện được chăm sóc tốt nhất. Hiện nay, Tổng LĐLĐVN cũng đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình phúc lợi cho đoàn viên, trong đó đã phối hợp và được sự hỗ trợ của Mobifone tiến hành lắp đặt camera ở một số nhà trẻ tại Bình Dương; hiện đang khảo sát để lắp đặt tại Hà Nội nhằm tạo điều kiện để gia đình, giáo viên chia sẻ trách nhiệm trong chăm sóc các cháu. Xuân Trường ghi

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan: Xử lý nghiêm để làm gương cho người khác. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan cho biết, những người vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí phải xử lý nghiêm để làm gương cho những người khác. Phía Bộ LĐTBXH đã có ý kiến với Bộ GDĐT để có cơ sở trong giáo dục, chăm sóc trẻ em, Nghị định 80 của Chính phủ cũng quy định rất rõ ràng việc bảo vệ trẻ em. Tôi thấy có 3 việc cần phải làm mạnh: Một là nâng cao nhận thức của cô giáo lẫn người chăm sóc trẻ trong các cơ sở mầm non; hai là liên quan đến vấn đề phát hiện tố giác, nếu phát hiện những hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em phải tố giác ngay; thứ ba phải xử lý nghiêm những vụ việc như thế để làm gương cho người khác. Lê Phương ghi

Giải tán lớp mẫu giáo Mầm Xanh, yêu cầu xử lý ở mức cao nhất: Chia sẻ về sự việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Những hành động bạo hành của các cô đối với trẻ khiến bà rất đau lòng. Theo bà Nghĩa, việc cấp phép và quản lý các nhóm lớp mầm non trực tiếp ở các địa phương. Đơn vị giáo dục địa phương chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Nhưng ngay trong tối 26.11, Bộ GDĐT đã đề nghị Sở GDĐT TPHCM phối hợp với các sở, ban ngành kiểm tra và xử lý, báo cáo Bộ. Theo quan điểm của Bộ, những vi phạm như tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh cần phải xử lý nghiêm. Hiện Bộ GDĐT đang chuẩn bị ban hành chương trình hành động về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành trẻ em gửi cho các địa phương, yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện. Liên quan tới sự việc này, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM - cho biết, nhóm trẻ Mầm Xanh do UBND phường 12 cấp phép và quản lý. Phòng GDĐT quận 12 đã chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, xét mức độ nghiêm trọng của sự việc, Sở GDĐT TPHCM đã chỉ đạo giải tán nhóm trẻ. Sở GDĐT sẽ phối hợp với quận 12 để chuyển học sinh sang các cơ sở khác đảm bảo uy tín để tiếp tục theo học. Về cá nhân những bảo mẫu đã hành hung trẻ trong Clip, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết , sở đề nghị xử lý nghiêm theo pháp luật ở mức cao nhất, tránh tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”. HUYÊN NGUYỄN ghi

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an):

Với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã có hiện tượng bạo hành, đánh đập trẻ thì cần phải có những hoạt động phát hiện mang tính quả tang để ngăn chặn, để minh bạch hóa hành vi, trên cơ sở đó việc xử lý hành vi mới có tác dụng. Về phía chính quyền, các cơ quan chức năng phải làm tròn trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Về phía lực lượng công an cơ sở, phải làm tốt, đẩy mạnh các công tác nắm bắt tình hình, xây dựng các tai mắt xung quanh các cơ sở trông giữ trẻ để người dân chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện các cơ sở trông giữ có biểu hiện bất thường. Khi lực lượng này tiếp nhận thông tin, phải lên phương án đấu tranh, tổ chức xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, không thể xuống nhắc nhở đơn thuần sẽ khiến sự việc không được giải quyết triệt để. Về phía người dân xung quanh các cơ sở trông giữ trẻ phải hiểu, biết được trẻ em là đối tượng bảo vệ đặc biệt, khi xảy ra vấn đề bạo hành thì nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng. Để phòng ngừa, một biện pháp hết sức hữu hiệu là tăng cường kiểm tra đột xuất, thường xuyên đối với các cơ sở mầm non, lắp đặt các camera nối đường truyền trực tiếp tới công an sở tại để kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho camera hoạt động. Long Nguyễn (ghi)

Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam: Cần áp dụng triệt để những hình phạt tăng nặng. Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) Đặng Hoa Nam cho hay, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải làm tốt hơn công tác phòng ngừa, trong đó đặc biệt lưu ý giám sát tất cả môi trường dễ gây ra bạo lực cho trẻ. Về tính răn đe của việc xét xử những vụ xâm hại trẻ em thời gian đã qua, ông Nam cho rằng, hiện nay, việc xét xử các vụ xâm hại trẻ em tuân thủ đúng pháp luật, nhưng vẫn kiến nghị các vụ việc này phải áp dụng triệt để luật hình sự, áp dụng triệt để những hình phạt tăng nặng. Vấn đề thứ 2 nữa là, sau khi xét xử phải có biện pháp truyền thông như thế nào để xã hội nhận thức đụng đến trẻ em là pháp luật sẽ nghiêm trị, người có ý định xâm hại trẻ phải nghĩ đến mà chùng tay lại. Lê Phương ghi

UBND TPHCM chỉ đạo: Lắp camera toàn bộ các nhóm trẻ để ngăn bạo hành. Chiều 27.11, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp khẩn nghe các đơn vị liên quan báo cáo vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, phường Hiệp Thành (Q.12). Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu khẳng định, chính quyền TPHCM không chấp nhận để xảy ra những trường hợp tương tự nữa và yêu cầu tìm giải pháp tháo gỡ dứt khoát, tới nơi tới chốn, không bàn tới, bàn lui để xử lý vấn đề này. Bà Thu chỉ đạo Sở GDĐT phải chủ trì, cùng với các sở liên quan bàn giải pháp, tham mưu cho UBND TPHCM. Trong đó có vấn đề gắn camera, nghiên cứu gắn ở đâu, không chậm trễ hơn nữa. Ngoài ra, đối với các điểm mới mở, phải đưa việc gắn camera là một điều kiện để cấp phép. Bên cạnh đó, bà Thu cũng yêu cầu Sở GDĐT tăng cường kiểm tra các cơ sở giữ trẻ trên địa bàn. Phát hiện điểm nào không đủ điều kiện thì rút giấy phép hoặc có sự tính toán xử lý. “Trong vụ này, nếu đủ điều kiện thì khởi tố ngay, không thể nhân nhượng. Nhất là dư luận có thông tin 1 đồng chí công an ở quận 12 bảo kê cơ sở này” - bà Thu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Trịnh Thị Mỹ Lan cho biết, quận đã chỉ đạo tổng rà soát 53 trường và trên 200 nhóm lớp ngoài công lập. Hiện quận đã sắp xếp cho 36 cháu đến học ở trường mầm non Họa Mi 2 cũng ở phường Hiệp Thành. Phường mới chỉ tiếp xúc được 20 phụ huynh. Chiều 27.11, UBND quận 12 chỉ đạo họp toàn ngành, triệu tập chủ các cơ sở, nhóm lớp để nhắc nhở, chấn chỉnh không để xảy ra trường hợp tương tự. MINH QUÂN ghi

L.TUYẾT - K.QUỲNH
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.