Khi nào mẹ về với con?
Sáng 31.1 (tức 29 Âm lịch), chị Trịnh Thị Toan vui mừng thông tin khi phóng viên gọi điện hỏi: “Tôi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 lần đầu vào ngày 25.1 vừa qua. Nếu hôm nay có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính nữa thì tôi sẽ được ra khỏi khu cách ly điều trị bệnh COVID-19. Tôi dự định sẽ trở về quê ở Tuyên Quang. Hôm nay vẫn có chuyến xe cuối cùng”.
Chị Trịnh Thị Toan, sinh năm 1984, công nhân Công ty UIL Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Sau khi được phát hiện mắc COVID-19, chị tự cách ly, điều trị bệnh ở phòng trọ tại xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, rồi sau đó chuyển vào khi điều trị tập trung.
Chị Toan đã được tiêm 3 mũi vaccine. Nhớ lại những ngày bị mắc bệnh, chị cho biết, do sức khoẻ không được tốt, nên chị cảm thấy khó thở, chóng mặt, bị nặng đầu mất 4-5 ngày. Còn bây giờ, khi đã âm tính, chị cảm thấy sức khoẻ đã bình thường như trước đây.
Gia cảnh chị Toan rất khó khăn. Quê ở Tuyên Quang, chị làm việc tại công ty được 4 năm nay và thuê trọ một mình, chồng và 2 con ở quê. Chồng chị Toan bị bệnh u vòm họng, sức khoẻ yếu, không có việc làm ổn định. Khi sức khỏe cho phép, anh làm những công việc lặt vặt, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Chị Toan mắc bệnh thiếu máu, thường xuyên phải uống thuốc, truyền máu. “Lương cơ bản của tôi hơn 4 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca được từ 6-7 triệu đồng/tháng. Phải tằn tiện lắm thu nhập của vợ chồng tôi mới đủ để nuôi 2 con ăn học, trang trải cuộc sống sinh hoạt của gia đình, mua thuốc chữa bệnh” – chị Toan nói.
Một năm làm việc xa nhà, cuối năm, như mọi công nhân khác, chị mong được trở về với gia đình nhỏ của mình, cùng chồng con nấu nồi bánh chưng, sắm cây đào, cây quất… Vì vậy, khi bị mắc COVID-19, chị Toan rất buồn, nghĩ Tết này sẽ phải đón giao thừa xa nhà, không được gần chồng con. Những ngày nằm trong khu điều trị, ngày nào con chị cũng nhắn tin, gọi điện hỏi khi nào mẹ mới về với chúng con, khiến chị càng nhớ con hơn.
Nghĩ vậy, chị chỉ còn biết gửi chút tiền về để cho bố con ăn Tết. Không đăng ký dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng, chị gửi tiền mặt cho đồng nghiệp rồi nhờ họ “bắn” vào tài khoản của chồng 2 triệu đồng; còn chị giữ lại hơn 2 triệu đồng để dự phòng. Hai triệu đồng gửi về ít ỏi, không đủ để sắm Tết. Chồng chị làm nghề tự do, cuối năm bận rộn, nên không có thời gian để mua cho gia đình cây đào, cây quất. “Ngày cuối của năm mới về đến nhà, hơn nữa sẽ phải tiếp tục tự cách ly ở nhà, nên tôi sẽ không mua sắm gì cả, cũng không đi đâu, chỉ ở nhà thôi” – chị Toan chia sẻ.
Được đón giao thừa ở nhà
Giống chị Toan, anh Hà Minh Phúc – nhân viên kỹ thuật của một công ty điện tử tại khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cũng từng nghĩ mình sẽ phải đón Tết xa nhà khi nhận được tin dương tính với COVID-19. Nhưng rất may, trong ngày cuối cùng của năm, anh nhận được thông tin mình đã có kết quả âm tính. Vui mừng, anh ngay lập tức gọi điện cho vợ để thông báo.
Cách đây hơn 1 tuần, anh Phúc nhận được tin mình nhiễm bệnh. Không muốn nguy cơ lây lan cho những người thân trong gia đình, anh chủ động xin đi điều trị bệnh. Vợ anh – làm kế toán ở một công ty tư nhân – cũng phải tạm nghỉ làm. “Trong khi bị nhiễm bệnh, tôi không có biểu hiện gì cả. Nhiều người điều trị cùng bị mất khứu giác, nhưng tôi không bị sao cả” – anh Phúc chia sẻ.
Những ngày nằm điều trị tại cơ sở, dù một mình nhưng anh Phúc luôn cảm thấy đỡ nhớ nhà, ấm lòng hơn hơn khi thường xuyên nhận được những lời động viên của vợ con. Người con lớn – năm nay đã 8 tuổi – thường xuyên nhắn tin qua Zalo an ủi bố.

Điều anh Phúc cảm thấy may mắn là bố mẹ, vợ và 2 con của anh đều có xét nghiệm âm tính. Điều vui không kém là anh vừa nhận được kết quả âm tính, đủ điều kiện để về nhà. “Nhà tôi ở thành phố Bắc Giang. Nếu về nhà, tôi sẽ tuân thủ các quy định về khai báo, tự cách ly. Tết này tôi sẽ không đi đâu, cũng hạn chế tiếp xúc với người thân trong gia đình” – anh Phúc cho hay. Thời khắc giao thừa, được ở nhà của mình, đó là điều anh Phúc cảm thấy quan trọng nhất.