Những người không đón giao thừa để đưa người khác về với mùa xuân

THU TRÀ |

Đường phố vắng từ chiều 30 tết. Từ 23 giờ, ai ai cũng vội vàng về nhà cho kịp đoàn tụ gia đình lúc chuyển giao năm cũ với năm mới. Nhưng, với người lao động đường sắt, dường như giây phút giao thừa đến thật chậm rãi, dù đoàn tàu vẫn đang lao vút về phía trước để đón mùa xuân mới.

Dưới mặt đất, dọc tuyến, nhân viên tuần đường, dù muốn cũng không được phép đi nhanh, mà phải từ tốn từng bước để đảm bảo không bỏ sót trục trặc nào... Thống kê chưa đầy đủ, có hơn 1.200 người lao động đường sắt 5 năm liên tục làm việc trong thời gian nghỉ tết...

Đi qua giao thừa không có gia đình ở bên

Đến giờ Lê Ngọc Huấn - Trưởng tàu TN 10 (thuộc Đoàn tiếp viên Hà Nội) - không nhớ chính xác số năm đi làm vào ngày mọi người nghỉ tết nữa. Huấn chỉ chắc chắn một điều là Tết Mậu Tuất anh lên ban sáng 30 tết, thêm một lần “đi” xuyên giao thừa trên tàu, đến tối mùng 3 tết mới về Hà Nội. Cứ đến tết, vợ và các con anh lại về ăn tết với ông bà nội bọn trẻ ở Nam Định.

Huấn kể nhiều người lên ban đến tối mùng 3 về, tranh thủ nghỉ 1 ngày, tối mùng 4 lại lên ban. Nhớ năm đầu tiên vừa vào, lên ban đêm giao thừa, khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới ấy nhìn pháo hoa trên bầu trời qua khung cửa toa tàu Huấn đã chảy nước mắt. “Đi nhiều cũng thành quen. Mình làm nghề phục vụ thì chấp nhận làm việc lúc mọi người nghỉ. Giờ, đến giao thừa là lo chuẩn bị chúc tết hành khách trên tàu”.

Cuộc trò chuyện về nỗi vất vả, thiệt thòi về tình cảm khi phải làm việc đêm giao thừa lại được Huấn chuyển sang việc… đỡ đẻ cho hành khách trên tàu. Huấn kể có lần, hành khách trở dạ nhanh quá, anh em tổ tàu không biết làm thế nào sau khi đã phát loa nhưng không có hành khách nào trên tàu là bác sĩ.

Cuối cùng, Huấn nghĩ tới bác sĩ mới đỡ đẻ cho vợ mình, bèn gọi điện, xin hướng dẫn từ xa. Nhưng, lại có trở ngại, đàn ông chỉ biết nghề đường sắt e đỡ đẻ không tiện, mà tình huống thì khẩn cấp. Huấn đành nhờ 2 hành khách nữ đã có tuổi trên tàu, rồi bảo họ: Con nghe điện thoại của bác sĩ, bác sĩ nói thế nào, con nói lại, các cô làm theo nhé. Cuối cùng sản phụ sinh mẹ tròn con vuông…

Cũng là trưởng tàu nhưng anh Đặng Xuân Định (Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam) vào nghề 24 năm và cũng chỉ khoảng 3-4 năm được ăn tết ở nhà. Tết Mậu Tuất, anh Định được về nhà vào tối 29 tết để 4h sáng mùng 1 tết lên ban. Như thế cũng là rất vui rồi vì được đón giao thừa bên gia đình và được đón giao thừa ở Sài Gòn.

Là trưởng tàu nhưng anh Định như người anh cả. Không biết bao nhiêu giao thừa anh đã làm công tác tư tưởng cho anh em trẻ, cho những người mới lần đầu đón tết xa nhà. Bởi hơn ai hết, thực tế nhiều năm đi qua năm cũ trên tàu đã cho anh hiểu và chia sẻ được cái cảm giác xao xuyến, nhớ nhung, đôi khi là tủi thân của cả anh em nhân viên đường sắt lẫn gia đình họ.

Những con người ngày thường vốn chăm chỉ, kiên cường, xử lý các tình huống có một không hai đối với đường sắt nhưng không tránh khỏi phút chạnh lòng. Đoạn khúc ruột miền Trung của đường sắt có Khu lưu trú công nhân lái tàu Trạm đầu máy Đồng Hới với khoảng 120 giường, là nơi lưu trú của tài xế 3 xí nghiệp: Đầu máy Hà Nội, Đầu máy Vinh và Đầu máy Đà Nẵng. Năm nào cũng vậy, 20h30 tối 30 tết khu lưu trú cũng tổ chức đón giao thừa cho khoảng hơn 20 lái tàu và phụ lái có lịch lên ban.

Anh Bùi Văn Hưng - Trạm trưởng trạm Đầu máy Đồng Hới - chia sẻ: Thường thì anh em xuống dự tiệc nhưng cũng có người đóng cửa phòng, không tham gia. Tôi hiểu cái cảm giác chống chếnh vì không được ở bên người thân lúc giao thừa. Khi ấy tôi lên tận nơi, gõ cửa, động viên anh em xuống tham gia. Vì đã xác định khi vào nghề này nên giây phút ấy cũng qua nhanh, anh em chung vui, chúc tết lẫn nhau, lấy lại thăng bằng để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu đón năm mới trên đường…

Bản thân anh Hưng nhà cách khu lưu trú chỉ vài trăm mét nhưng nhiều năm quá giao thừa mới về đến nhà vì lo cho anh em đón giao thừa trong khu lưu trú xong anh Hưng lại ra trực ban.

Đêm trừ tịch ở… giữa rừng núi

Người có thâm niên đón giao thừa, chúc tết hành khách như anh Đặng Xuân Định cũng không khỏi tâm trạng buồn khi tết năm ấy, đón hơn 200 khách từ TP.Hồ Chí Minh. Lúc đó tổ tàu cũng chung niềm vui rộn ràng về quê đón tết của khách. Đến ga Diêu Trì (Bình Định), hành khách xuống gần hết. Lúc ấy tàu vắng lặng, chỉ còn nghe tiếng xình xịch đều đặn. Anh Định bảo khoảng thời gian đó thật sự là buồn, nhưng mọi người đều cố giấu nước mắt.

Có hành khách và đồng nghiệp cùng đón giao thừa trên tàu vẫn còn có sự chia sẻ. Với những nhân viên tuần đường, gác chắn, gác hầm, gác đá rơi thì không hiếm năm đón giao thừa một mình giữa rừng núi. Gặp Trương Bá Đương - nhân viên tuần đường thuộc cung cầu đường Khe Nét - vào đúng ngày nhiệt độ ngoài trời chỉ 11 độ C, lại có mưa.

Giữa cái rét đến cắt da cắt thịt, Đương vẫn bước từng bước, mắt dõi theo từng đoạn đường ray. Đương bảo, thế này có là gì đâu, chị có thể tưởng tượng là đúng 24h ngày 30 tết chị đứng ở đoạn đường không có ánh đèn, không có người dân, chỉ có rừng thì như thế nào không?

Hỏi lại: Như thế nào? Đương trả lời, đấy là giao thừa năm 2016 chị ạ, là con người nên lúc đó buồn lắm, thấy cô đơn, nhớ quay quắt vợ và 2 con. Đoạn đường Đương đi tuần dài 18,3km cả đi lẫn về, từ gác chắn Khe Nét (xã Kim Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) ra đến ga Đồng Chuối (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) có khoảng 4km toàn cây cối, rừng rú và rắn rết.

Nghe hỏi vất vả thế, thì có ý định thay đổi công việc không. Đương cười hiền lành: Công việc nào cũng vất vả, nhưng đã là cái nghiệp và thực sự yêu nghề thì khó khăn đến mấy mình cũng vượt qua được, vả lại giờ chót yêu từng thanh tà vẹt, nhớ từng con ốc trên đường ray mất rồi…

Nghe Đương nói, mới nhớ ra, anh em vẫn bảo mấy ông tuần đường này nhắm mắt đi dọc tuyến cũng không vấp. Còn Đương, sau khi xuống ban vẫn đều đặn đi tập gym. Trong những lần rảo bước đi tuần đường Đương mới chỉ gặp rắn rết nhưng đồng nghiệp của Đương, anh Nguyễn Ngọc Lâm (Cung cầu đường Đồng Lê) trong 14 năm làm tuần đường, cái sợ nhất là… gặp người.

Đoạn đường anh đi tuần qua 3 bãi tha ma nhưng chỉ lo đến đoạn gặp những đám thanh niên hay gây gổ, ném đá vào nhân viên đang tuần đường. Nếu lên tiếng, lập tức họ nhảy vào đánh. Anh bảo hồi tuần ở cung Khe Nét, mùa mưa vô cùng vất vả vì gặp rắn rết, không ít lần gặp rắn cạp nong. Trong nghề, anh em còn gặp phải rắn… giẻ rách. Không ai biết chính xác tên của nó, chỉ biết nó nằm trên đường y một đống giẻ rách, không nhanh mắt, kiểu gì cũng giẫm phải.

Đã bước qua tuổi 50, trải qua những lần đi tuần trong bão phải mang theo rựa để chặt cây ngã, phải dò từng bước khi lũ ngập ngang đầu gối nhưng anh Lâm có tình yêu đặc biệt với nghề. Anh còn bảo có nhân viên tuần đường về nghỉ hưu vẫn tưởng mình sắp lên ban, sắp đi tuần đường, bởi một chiếc túi đựng dụng cụ, một chiếc đèn, một cuốn sổ và những cung đường đã quá gắn bó với họ.

Lê Ngọc Huấn - Trưởng tàu TN10 (thứ hai từ trái qua) và Nguyễn Thị Trang (thứ hai từ phải qua) trong một lần lên ban. Ảnh: T.E.A
Lê Ngọc Huấn - Trưởng tàu TN10 (thứ hai từ trái qua) và Nguyễn Thị Trang (thứ hai từ phải qua) trong một lần lên ban. Ảnh: T.E.A

“Thưởng cho những người chồng, người vợ ở nhà chứ đừng thưởng cho bọn em”

Đây không phải là lần đầu tiên đi tuyến với anh chị em nhân viên đường sắt. Càng không phải là lần đầu tiên nghe được chia sẻ của các anh, các chị, các em. Nhưng lần nào cũng vậy, câu hỏi “Đi làm qua tết thế này thì ai là người lo chợ búa, cúng giỗ 3 ngày tết” đều nhận được câu trả lời: ”Vợ/chồng em lo” hoặc “Vợ/chồng em lo, cần thì nhờ thêm ông bà”. Nguyễn Thị Trang - Phó tàu phụ trách ăn uống (thuộc Đoàn tiếp viên Hà Nội) - có… 10 năm liên tục đón giao thừa trên tàu.

Cứ tết đến, chồng con Trang lại về Hà Nam ăn tết. Vì thế, theo lịch 29 tết về, 30 tết đi, mùng 3 về, mùng 4 đi luôn thì lại thêm 1 năm Trang không thể về Hà Nam ăn tết cùng chồng con. Năm nay, Trang thông báo cho chồng là vợ lại lên ban vào 30 tết, chồng Trang bảo: “Bình thường”.

Hai đứa con Trang, một lên 9 tuổi, một 13 tuổi dường như đã quen với những mùa tết vắng mẹ nên cũng không mè nheo, theo mẹ… Chồng Trang thì cũng quen dần với việc vắng vợ và phần nào tự tay chăm lo mâm cơm cúng giỗ ngày tết. Không chỉ những tổ tàu mà các nhân viên khách vận, bán vé cũng phải nhờ cậy đến vợ/chồng, ông bà dịp tết. Nếu ai tranh thủ được thì chợ búa, mua sắm vào ngày nghỉ sát ngày lên ban nhất.

Có không ít trường hợp cả vợ và chồng đều lên ban giao thừa. Hỏi các anh, các chị về cảm xúc lúc đó thì luôn nhận được câu trả lời: “Xác định làm nghề phục vụ thì chấp nhận, vả lại làm đêm giao thừa nhiều rồi nên cũng quen, miễn sao là phải đảm bảo an toàn chạy tàu”. Cái câu “cũng quen” ai nói ra cũng nhẹ nhưng để có được, các anh, các chị đã phải quên đi những cảm xúc rất con người, rất riêng để phục vụ hành khách tốt nhất.

Nói vui, nhưng cũng rất thật rằng, thế này thì ngành và Công đoàn ngành phải khen thưởng cho các anh, các chị. Các anh, các chị đều bảo: Nếu có khen thưởng thì khen thưởng những người vợ, người chồng đã chia sẻ, làm thay việc của chúng tôi trong gia đình.

Chuyện nồi cháo gà sáng mùng 1 tết và mạng wifi

Không chỉ những nhân viên trực tiếp sản xuất trong ngành đường sắt mới làm việc qua giao thừa. Lãnh đạo và cán bộ Công đoàn các đơn vị cũng hiếm khi đón giao thừa ở nhà với gia đình. Vì giao thừa nào họ cũng xuống thăm anh chị em làm việc trong thời khắc thiêng liêng của đất trời.

Một lời chúc tết, một món quà nhỏ lì xì đầu năm, và hơn tất cả là sự có mặt của cán bộ lãnh đạo là nguồn động viên to lớn, để mỗi nhân viên thêm yêu nghề, yên tâm làm việc. Trong những ngày tết, ở quanh Khu lưu trú công nhân lái tàu Trạm đầu máy Đồng Hới không có quán ăn mở cửa nên Trạm tổ chức nấu ăn cho anh em với sự hỗ trợ của 3 Xí nghiệp; riêng sáng mùng 1 tết, từ 3 năm nay, Trạm đều nấu cháo gà mời anh em.

Với Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam, có năm tàu ra đến Hà Nội vào sáng mùng 1 tết, anh chị em không thể tìm được quán ăn nào ngoài mấy gánh bún ốc. Nhưng giờ thì anh chị em đã có khu lưu trú tại Hà Nội để nghỉ ngơi và được Cty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn lo ăn uống miễn phí trong thời gian nghỉ tại đây.

Đấy là chuyện về bữa ăn sáng mùng 1 tết của những người không được đón tết với gia đình. Còn ở nơi xa hơn, như Cung đường Thanh niên Phương Mộ, nằm ở xóm Nam Hà, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) quản lý từ km 361+400 đến km 367+500 với nhiều đường cong, bán kính nhỏ, một bên là núi, một bên là sông thì anh em đang có một ước mơ. Đấy là làm sao có mạng wifi.

Cung có 11 người, toàn độ tuổi thanh niên. Có lẽ vì nơi đây chỉ có rừng, có sông, có núi, buổi tối vô cùng vắng vẻ. Cung trưởng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, nếu muốn uống cà phê hay hát karaoke thì phải đi khoảng 40km. Cách đây 10 năm còn không có cả sóng điện thoại. Giờ tại điểm giao thẻ của tuần đường giữa Phương Mộ và Hòa Duyệt vẫn còn khoảng 600m không có sóng điện thoại di động.

Ngày giáp Tết Mậu Tuất, trò chuyện với anh em Cung đường Thanh niên Phương Mộ, những cán bộ Công đoàn đã bàn về thực hiện ước mơ có wifi và ước mơ về một bộ karaoke mới hơn bộ đang dùng đã quá cũ. Khi đủ điều kiện về kỹ thuật, ước mơ của Cung đường Thanh niên Phương Mộ chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực.

THU TRÀ
TIN LIÊN QUAN

Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tặng quà và tiễn thợ lò về quê ăn Tết

Nguyễn Hùng |

Sáng nay (12.2), tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương; ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tặng quà và tiễn thợ lò cùng gia đình lên đường về quê ăn Tết Mậu Tuất 2018.

Chung tay chăm lo cho người lao động: Không để lao động nghèo thiếu tết

LAO ĐỘNG |

“Không để lao động nghèo thiếu tết” - đó là thông điệp mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa ra trong dịp xuân Mậu Tuất 2018. Tổng LĐLĐVN cũng đã có những kế hoạch và tổ chức các hoạt động chăm lo với phương châm thiết thực, hiệu quả.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm và chúc tết nguyên lãnh đạo Đảng và nguyên lãnh đạo tổ chức Công đoàn

C.Đ |

Sau khi tiễn công nhân lao động Thủ đô về quê ăn Tết, sáng và chiều ngày 11.2, đồng chí Bùi Văn Cường- UVTW Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và các cán bộ của Tổng LĐLĐVN đã đến thăm, chúc sức khỏe các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và nguyên lãnh đạo tổ chức Công đoàn VN là các đồng chí Lê Khả Phiêu- nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam, đồng chí Nông Đức Mạnh- nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam, đồng chí Phạm Thế Duyệt- nguyên UV Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đồng chí Cù Thị Hậu- nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN...

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tặng quà và tiễn thợ lò về quê ăn Tết

Nguyễn Hùng |

Sáng nay (12.2), tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương; ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tặng quà và tiễn thợ lò cùng gia đình lên đường về quê ăn Tết Mậu Tuất 2018.

Chung tay chăm lo cho người lao động: Không để lao động nghèo thiếu tết

LAO ĐỘNG |

“Không để lao động nghèo thiếu tết” - đó là thông điệp mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa ra trong dịp xuân Mậu Tuất 2018. Tổng LĐLĐVN cũng đã có những kế hoạch và tổ chức các hoạt động chăm lo với phương châm thiết thực, hiệu quả.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm và chúc tết nguyên lãnh đạo Đảng và nguyên lãnh đạo tổ chức Công đoàn

C.Đ |

Sau khi tiễn công nhân lao động Thủ đô về quê ăn Tết, sáng và chiều ngày 11.2, đồng chí Bùi Văn Cường- UVTW Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và các cán bộ của Tổng LĐLĐVN đã đến thăm, chúc sức khỏe các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và nguyên lãnh đạo tổ chức Công đoàn VN là các đồng chí Lê Khả Phiêu- nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam, đồng chí Nông Đức Mạnh- nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam, đồng chí Phạm Thế Duyệt- nguyên UV Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đồng chí Cù Thị Hậu- nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN...