42 doanh nghiệp sản xuất xuyên Tết với hơn 6.000 người lao động
Ghi nhận tại Bình Dương, trong dịp Tết Nguyên đán nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp đã phải sắp xếp nhân sự, tăng chế độ lương thưởng và động viên công nhân lao động để duy trì hoạt động của nhà máy.
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - cho biết, về tình hình doanh nghiệp, lao động việc làm trong dịp Tết trong Khu công nghiệp, có 42 doanh nghiệp báo cáo hoạt động sản xuất và người lao động (NLĐ) làm việc với tổng số lao động làm việc xuyên Tết là 6.001 người.
Cụ thể, ngày 29 Tết có 42 doanh nghiệp, với tổng số lao động làm việc là: 6.001 người; ngày 30 Tết có 38 doanh nghiệp, với tổng số lao động làm việc là 4.546 người; ngày mùng 1 Tết có 36 doanh nghiệp, với tổng số lao động làm việc là 4.515 người; ngày mùng 2 Tết, có 38 doanh nghiệp sản xuất với 4.592 lao động; ngày mùng 3 Tết có 37 doanh nghiệp sản xuất với 4.556 người lao động.
Các doanh nghiệp làm việc ngày nghỉ Tết thực hiện chi trả tiền lương ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày nghỉ Tết đối với người lao động hưởng lương ngày.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm cho người lao động tiền mặt 1.000.000 đồng/người và quà Tết. Các doanh nghiệp còn tăng chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe và tinh thần của người lao động.
Về hoạt động sau Tết, ông Phạm Văn Tuyên cho biết, doanh nghiệp trở lại làm việc sớm nhất vào ngày 25.1 (mùng 4 Tết), trễ nhất là vào ngày 15.2. Theo ghi nhận, một số doanh nghiệp tại Bình Dương sẽ mở cửa lấy ngày tốt vào ngày mùng 6 Tết và đồng loạt tổ chức sản xuất trở lại từ ngày mùng 9 Tết.
Mong muốn công việc ổn định trong năm mới
Năm 2022, có khoảng 300.000 lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc không lương và thất nghiệp kéo dài phải hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Do công việc không đều, thu nhập giảm nên đời sống của những lao động ngoại tỉnh ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Năm nay có khoảng 450.000 đoàn viên, người lao động ở lại Bình Dương đón Tết.
Chị Kim Thị Địch (47 tuổi, quê Thanh Hóa, làm việc ở công ty may) chia sẻ, năm qua thu nhập giảm sút, cả gia đình chọn phương án tiếp tục ở lại nhà trọ tại thị xã Bến Cát đón Tết.
“Đây là năm thứ 18, tôi đón Tết xa quê. Năm qua không được tăng ca, lương giảm nhiều. Thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản, được mấy triệu tằn tiện thì đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Hy vọng qua năm mới, công ty có nhiều đơn hàng, công việc ổn định, được tăng ca trở lại để có thêm thu nhập”- chị Địch bày tỏ.
Dù quê chỉ cách Bình Dương khoảng 160km nhưng anh Huỳnh Chí Tình (42 tuổi, quê Trà Vinh, công nhân công ty gỗ) cũng ở nhà trọ đón Tết.
“Năm trước thì bị dịch nghỉ việc nhiều tháng liền. Năm nay, mới làm được 3 tháng thì công ty thiếu đơn hàng, mỗi tuần chỉ làm được 5 ngày. Sau đó, công ty hết việc làm, mình thất nghiệp. Về quê, chi phí đi lại, sinh hoạt tốn kém nên mình quyết định ở lại Bình Dương. Qua năm mới chỉ mong sao công ty có nhiều đơn hàng để người lao động được tăng ca. Vì chỉ có làm thêm mới có thu nhập dôi dư từ 7-9 triệu đồng/tháng, thì gia đình đủ để trang trải cuộc sống” - anh Tình giãi bày.
Người lao động đi làm sớm được lì xì
Theo Sở LĐTBXH Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều thực hiện trả tiền lương, phụ cấp cho người lao động đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết bằng 1 tháng lương cơ bản, 27 doanh nghiệp thưởng dưới 1 tháng lương cơ bản. Có 55 doanh nghiệp khó khăn, không có thưởng Tết cho hơn 3.100 lao động.
Sở LĐTBXH Bình Dương cho hay, nhiều doanh nghiệp còn tạm ứng 50% lương của tháng 1.2023 cho người lao động có thêm tiền trang trải dịp Tết. Những doanh nghiệp tổ chức làm xuyên Tết đều có tiền thưởng thêm. Trong ngày 30.1 tới đây, khi sản xuất trở lại, nhiều doanh nghiệp sẽ lì xì năm mới cho người lao động.