Nghỉ việc, giảm giờ làm
Tâm sự với PV khi đang ở quê nhà, chị Vũ Thị Phương (quê Vĩnh Phúc) - công nhân Công ty Điện tử Meiko Việt Nam chờ mong được gọi quay trở lại công ty làm việc. Tháng 8.2022, chị bị cho nghỉ việc và hưởng 70% lương cơ bản. “Thường thì cứ đến dịp cuối năm, vào khoảng tháng 10 sẽ là lúc nhiều việc, công ty cho công nhân làm kíp, thu nhập cũng tăng lên, nhưng năm nay chưa biết thế nào. Nếu nghỉ việc thời gian dài mà không được gọi đi làm trở lại thì chắc tôi phải xin sang công ty khác hoặc chuyển nghề. Tôi cũng biết hiện nay, trong KCN Thăng Long nhiều công ty đã cho công nhân nghỉ việc không lương cả tháng. Công ty tôi vẫn cho hưởng 70% mức lương cơ bản là tốt rồi” - chị Phương tâm sự.
Nhớ lại dịp Tết Nguyên đán 2022, chị Phương mang được 14 triệu đồng về quê nghỉ Tết. Số tiền này, chị chia làm ba khoản, một khoản biếu bố mẹ, một khoản để sắm đầy đủ đồ dùng dịp Tết cho gia đình. Còn lại khoản tiền nhỏ nhất chị để sắm riêng cho bản thân. Năm ngoái, chị cố nán lại Hà Nội làm việc đến hết ngày 30 Tết Âm lịch mới sắp xếp quần áo, đồ đạc để về quê.
“Tết năm ngoái nghỉ 6 ngày thì tôi quay trở lại công ty làm việc. Làm cả năm, tiêu vèo cái hết sạch 14 triệu đồng. Năm nay chưa biết mang về được bao nhiêu tiền” - chị Phương tâm sự.
Sau 3 năm làm công nhân, lương cơ bản của chị Phương được hơn 5,3 triệu đồng/tháng; phụ cấp đi lại 300.000 đồng/tháng. Nếu tăng ca liên tục tới 25 ngày/tháng, cộng cả các loại phụ cấp, chị nhận hơn 9 triệu đồng/tháng.
Không dám nghĩ đến Tết
Theo chị Phương, không chỉ riêng chị, xóm trọ nơi chị đang ở, rất nhiều người cũng rơi vào tình trạng “sợ” Tết. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều công nhân vẫn bị ngưng việc tạm thời hoặc chưa được tăng ca khiến thu nhập giảm sâu.
Hỏi về dự định nghỉ Tết, công nhân tại đây chỉ trả lời PV bằng cái lắc đầu hoặc chép miệng chán nản. “Những người có điều kiện thì họ mong được nghỉ nhiều để về quê vui xuân. Còn người nghèo chỉ mong có việc làm nhiều để kiếm thêm tiền nuôi gia đình” - anh Đỗ Văn Vương (SN 1994, quê Bảo Yên, Lào Cai) bày tỏ. Từ đầu năm đến nay vợ anh chỉ đi làm được khoảng 6 tháng, còn lại ở nhà vì thiếu việc. Con đầu của anh vào lớp 1, con thứ 2 được 1 tuổi. Đầu năm học mới, vợ chồng anh Vương phải sắm đủ các loại sách giáo khoa, đồng phục... cho con trai. Tiền chi phí đầu năm học của con trai đầu đã khiến đôi vợ chồng công nhân tốn mất 5-7 triệu đồng. Để tiết kiệm tối đa số tiền phải chi, vợ chồng anh Vương thường làm trái ca để luân phiên nhau trông con.
Cũng giống như chị Phương, anh Vương cũng không dám nghĩ đến Tết: “Năm nay quá khó khăn, chỉ mong nhiều việc để tiếp tục làm việc. Trước dịch, tôi dự tính năm nay sẽ về quê nhưng chắc Tết sẽ thay đổi kế hoạch, ở lại thành phố kiếm việc làm thêm hoặc ở lại làm đến 29 Tết Âm lịch mới về” - nam công nhân cho hay.
Cũng theo anh Vương, anh xa nhà lập nghiệp từ năm 18 tuổi, mỗi dịp Tết đến xuân về, anh chỉ mong kiếm được nhiều tiền cả gia đình có một cái Tết ấm no, đầy đủ. “Không ai là không muốn nghỉ nhiều để có thời gian sum vầy với gia đình, thăm bạn bè, họ hàng. Nhưng không có điều kiện thì phải đi làm thôi”- anh tâm sự.