Dự hội thảo có ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện lãnh đạo Chương trình Better Work Việt Nam và đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) 18 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, Chương trình Better Work Việt Nam thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác 3 bên gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật lao động, giúp doanh nghiệp đảm bảo tốt hơn đời sống, việc làm, điều kiện sản xuất an toàn cho người lao động.
Trong những năm qua, Chương trình Better Work Việt Nam đã dành cho Công đoàn Việt Nam sự hỗ trợ hết sức quý báu, thông qua các chương trình hợp tác giúp nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ công đoàn và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, vững mạnh tại cơ sở.

Thông qua hoạt động hợp tác với Chương trình Better Work đã có nhiều cán bộ công đoàn trở thành giảng viên nguồn, có kiến thức, kỹ năng đứng lớp, trực tiếp đào tạo cho cán bộ công đoàn cơ sở. Thông qua các hội thảo, đã xây dựng nên cầu nối giúp tăng cường tương tác giữa các cấp công đoàn, nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng mềm cho cán bộ công đoàn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, hội thảo chuyên đề hôm nay được tổ chức với mục tiêu cập nhật thông tin về các hoạt động của Chương trình Better Work Việt Nam trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp đang tham gia Chương trình Better Work Việt Nam trong năm qua. Đặc biệt là các yêu cầu về lao động trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.
Hội thảo cũng là diễn đàn để thảo luận về cách thức phối hợp trong thời gian tới; tìm hiểu và chia sẻ bộ công cụ kiểm tra mức độ tuân thủ pháp luật tại doanh nghiệp, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất Kế hoạch hợp tác với Chương trình Better Work làm sao thiết thực và hiệu quả nhất.
“Với những ý nghĩa tích cực trên, tôi mong rằng các đại biểu sẽ trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời tăng cường tương tác, tham gia tích cực vào các nội dung chương trình hội thảo đã đề ra. Hi vọng rằng, sau hội thảo, các đại biểu sẽ tích lũy được thêm nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, xây dựng được bộ công cụ kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ pháp luật tại doanh nghiệp dành cho cán bộ công đoàn” - ông Phan Văn Anh nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Mạnh Cường - Chuyên gia về lao động và hội nhập thuyết trình về vấn đề lao động trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế. Được nghe đại diện của Chương trình Better Work Việt Nam (BWV) thông tin về cách tiếp cận của BWV để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đáp ứng các yêu cầu về lao động trong tình hình mới.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham gia cũng tiến hành thảo luận về cách thức phối hợp, chia sẻ thông tin và cập nhật định kỳ giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố với Chương trình BWV trong thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động, tại các nhà máy may tham gia Chương trình BWV.
Trong đó, nêu bật lên sự cần thiết của việc trao đổi thông tin và chia sẻ kiến thức trong bối cảnh hiện tại và chia sẻ bộ công cụ, phương pháp kiểm tra mức độ tuân thủ pháp luật lao động tại các doanh nghiệp.
Better Work là Chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), với mục đích tạo nên môi trường cạnh tranh và công bằng cho ngành may mặc toàn cầu. Tính đến năm 2023, Better Work đang hoạt động tại 12 quốc gia.