Nghe thông tin báo đài về việc người lao động thuê nhà trọ sẽ nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, anh P.X.L – công nhân công ty điện tử ở Khu Công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng. Mỗi tháng gia đình anh vẫn phải dành khoản tiền 2 triệu đồng chi trả tiền thuê nhà. Nếu nhận được hỗ trợ này, phần nào giúp gia đình anh P.X.L có thêm một khoản trang trải cuộc sống.
Theo anh L, vừa qua, công ty đã có thông báo về chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cho người lao động. Dù vậy, đến nay anh vẫn chưa làm bất cứ giấy tờ gì bởi đọc qua các bước để nhận hỗ trợ đã thấy có vướng mắc.
“Bước đầu tiên người lao động cần hoàn thiện đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có chữ kí của chủ nhà trọ. Bên cạnh đó, chúng tôi cần có xác nhận tạm trú, tạm vắng trong thời gian ở đây trong khi tạm trú tạm vắng đã đăng ý bằng online. Tôi cũng chưa sắp xếp được thời gian trong giờ hành chính để đi làm thủ tục” – anh L nói.
Trong khi đó, chị Lê Thu Trang - công nhân một công ty trong Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, chị vừa nộp hồ sơ để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Mỗi tháng chị mất 1 triệu đồng nguyên tiền thuê trọ. Với thu nhập cả làm thêm giờ chỉ 6-7 triệu đồng/tháng, nếu được hỗ trợ thêm mỗi tháng 500.000 đồng cũng rất giá trị.
Song, chị Trang cho biết, trong quá trình làm hồ sơ, chị gặp khó khăn trong việc xác nhận của chủ nhà vì chủ nhà trọ không sống tại địa bàn. Cả khu trọ phải cử đại diện nhóm công nhân đến chủ nhà ở thành phố Bắc Ninh để xin xác nhận.
Thuận lợi hơn những công nhân khác, chị Trần Thị Quỳnh Oanh - một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết vừa được công ty bổ phiến các thủ tục nhận hỗ trợ sáng nay.
Giờ chị chuẩn bị đi photo tạm trú, tạm vắng. Cũng may, khi ở trọ ở đây, chủ nhà trọ cũng làm cho tạm trú, tạm vắng nên khi nhận hỗ trợ sẽ thuận lợi hơn.
Hôm nay, sau khi lên công ty làm việc, chị sẽ xin mẫu giấy xác nhận về để hoàn thiện. Chị Oanh cho hay: "Do tôi ở cùng chủ nhà trọ nên có nhiều thuận lợi. Tiền thuê nhà của tôi mỗi tháng 600 nghìn đồng thì nhận hỗ trợ 3 tháng là 1,5 triệu đồng cũng kha khá".
Song chị Oanh phàn nàn về các chi phí khác cũng đắt đỏ khi sinh sống tại thủ đô. Chị mong rằng số tiền hỗ trợ trên nhanh được đến tay người lao động để có thêm khoản trang trải cuộc sống.
Liên quan tới thắc mắc về việc xác nhận của chủ nhà trọ, trả lời họp báo về Quyết định số 08 ngày 30.3, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, khi tham mưu chính sách, Cục đã tính tới thực tế sự đa dạng về hình thức thuê trọ, quan hệ giữa chủ nhà và người lao động ở từng địa phương. Khi giải quyết thủ tục nhận hỗ trợ tại địa phương, người thuê trọ cần dựa vào chủ nhà trọ, tổ dân phố, công đoàn cơ sở và công an khu vực và chính quyền địa phương.
Quyết định 08 cũng đã ghi rõ mẫu xác nhận của chủ nhà trọ, doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội. Đây là những căn cứ để trình cơ quan quản lý cấp huyện xem xét tiếp theo.
"Trường hợp chủ nhà không chịu xác nhận, người lao động có thể thông qua chính quyền địa phương để làm rõ thông tin và yêu cầu xác nhận nếu có thời gian thuê trọ phù hợp quy định" - ông Bình nói.