Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, cơ quan soạn thảo đã bổ sung điều khoản chuyển tiếp, quy định trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể nghỉ hưu sớm trước tuổi. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1.1.2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
So với Bộ luật Lao động năm 2019, về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, những người lao động thuộc trường hợp này cũng về hưu sớm hơn từ 2 - 5 năm so với người tham gia sau ngày 1.1.2021. Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, từ năm 2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Chỉ những trường hợp lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động), mới có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).
Như vậy, so với quy định hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước năm 2021 sẽ được lợi hơn khi nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng 2%.