Mưu sinh dưới nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng năm nay đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn so với những năm trước. Nhiệt độ Hà Nội thường xuyên chạm ngưỡng 38 - 40 độ C khiến người dân vô cùng khó chịu và uể oải.
Nhưng dưới cái nắng cháy da cháy thịt này, nhiều người lao động vẫn phải “gồng mình” với đủ nghề để kiếm thêm thu nhập.
Trưa 17.5, cô Nguyễn Thị Thắng (36 tuổi, tiểu thương tại chợ Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi bán hàng ở chợ 7 năm. Chợ ít cây, ít bóng mát, bán trên vỉa hè thì người mua khó lên nên tôi phải đứng ở rìa đường. Vào thứ 7, chủ nhật cũng đông khách còn mấy ngày thường thì vắng lắm, nhất là tầm trưa. Nắng nóng cả người mua lẫn người bán đều rất mệt nhưng đây là nguồn thu nhập chính của tôi nên phải cố”.
Cũng làm một nghề “không được ngồi điều hoà”, anh Trương Văn Duy - xe ôm công nghệ, phải chạy xe ngoài đường gần như cả ngày. Bình thường anh đi làm từ 6h sáng đến 21h tối, những lúc nắng cao điểm thì xe ôm rất ít cuốc, vì khách chủ yếu đi taxi hoặc ôtô, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11h trưa đến 2h chiều, do đó thu nhập cũng giảm đi đáng kể.
“Những người xe ôm như chúng tôi đã quen với cái nắng nóng mùa hè, nhưng mấy năm nay thời tiết ngày càng khắc nghiệt nên vẫn có đôi chút khó khăn” - anh Duy kể lại.
Trong những ngày nắng đỉnh điểm, mọi người đều cố gắng hạn chế ra khỏi nhà, che chắn thật kĩ và đi lại thật nhanh. Nhưng những người lao động tự do giữa lòng Thủ đô hàng ngày vẫn phải bươn chải nhọc nhằn để kiếm thêm chút tiền ít ỏi trang trải cuộc sống, bất chấp cái nắng như đổ lửa.
Không khó để bắt gặp những người bán hàng rong, bán vé số, bánh kẹo dạo cả người trùm kín mít, lưng áo ướt đẫm mồ hôi đẩy gánh hàng, xe kéo đi trên đường, thỉnh thoảng dừng lại chỗ bóng râm phe phẩy chiếc nón làm quạt. Nhiều công nhân đội áo mũ dày, đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng miệt mài làm việc. Các bác tài xế dựng xe trên vỉa hè tranh thủ chợp mắt…
Những biện pháp tránh nóng
Do đã quen với lao động ngoài trời nên nhiều người đã có cho mình một vài mẹo nhỏ để chống mất nước, sốc nhiệt. Đó là uống nước thường xuyên; bổ sung đủ muối và khoáng chất; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách mặc áo chống nắng, đội mũ, đi tất dày khi ra đường; tập thể dục rèn luyện sức khỏe; phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lí...
Cô Hoàng Thị Bình (tổ trưởng tổ 1 của Công ty Cổ phần Môi trường Và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, Hà Nội) cho hay những ngày nóng nực, công nhân môi trường vô cùng vất vả vì rác thải bốc mùi khó chịu, công việc lại nặng nhọc và một số người dân vẫn chưa có ý thức đổ rác đúng giờ đúng nơi đúng quy định.
“Việc thời tiết khắc nghiệt nhiều năm gần đây là một phần hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu. Chúng tôi rất mong cây xanh sẽ được trồng thêm thật nhiều để cải thiện chất lượng môi trường và làm giảm những tác động xấu của quá trình này. Ở đâu cũng cần cây xanh, có cây xanh thì con người mới tồn tại được, đặc biệt chúng tôi luôn mong muốn người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định, không xả rác bừa bãi ra môi trường... Nếu những ước muốn của chúng tôi thành hiện thực thì công nhân môi trường cũng sẽ bớt vất vả” - cô Bình chia sẻ.
Theo dự báo, mùa hè năm nay sẽ còn nhiều đợt nắng nóng, số ngày nóng gay gắt nhiều hơn, không khí oi bức lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng. Như vậy, người lao động ở Hà Nội nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung lại càng thêm chật vật khi mưu sinh giữa thời tiết khắc nghiệt.