Nằm dọc bên đường Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TPHCM) là những khu trọ xập xệ dành cho người lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong khu trọ, anh Lê Văn Sử (34 tuổi, Công ty Pouyen Bình Tân), quê ở Đồng Tháp, bế trên tay đứa con nhỏ đang bị sốt, anh Sử chia sẻ: “Những lúc con ốm đau thế này là những lúc khó khăn nhất của người công nhân, bất lực vì không có điều kiện để chăm sóc con tốt hơn”.
Gia đình anh Sử có 4 thành viên gồm 2 vợ chồng cùng hai đứa con nhỏ, cách đây 10 năm công việc đồng áng ở quê không đủ thu nhập để lo cho cuộc sống nên 2 vợ chồng anh quyết định dắt díu nhau lên TPHCM làm công nhân. 10 năm gắn bó với công ty Pouyen, đến nay, mức lương cơ bản anh nhận được chỉ 7,3 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca đầy đủ chỉ hơn 8 triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây công ty rất ít tăng ca nên thu nhập cũng giảm sút.
Theo anh Sử, sống ở TPHCM với mức lương như thế chỉ đủ ăn, có những tháng còn thiếu trước hụt sau vì nhiều chi phí phải chi như tiền gửi con, tiền xe đưa rước... đó là chưa kể tã, sữa, thuốc men của con cùng những khoản chi tiêu khác.
Cùng dãy trọ với anh Sử, chị Quang Thị Duyên (28 tuổi, công nhân Công ty Tỷ Hùng, huyện Bình Tân) than thở: “Thu nhập của tôi chỉ có 6 triệu đồng/tháng, mỗi tháng tôi phải gửi về quê cho con 3 triệu đồng để ăn uống và đi học, số tiền còn lại cộng với tiền lương của chồng phải chắt bóp lắm mới có thể đủ ăn”.
Chị Duyên tâm sự, trước đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, chị đón con lên TPHCM chơi và bị kẹt lại TPHCM do giãn cách xã hội kéo dài, cùng lúc ấy nơi làm việc của chồng bị phong tỏa chồng chị phải cách ly tại chỗ làm. Trong suốt hơn 3 tháng phải nghỉ làm vì dịch, 3 miệng ăn của gia đình chị Duyên tại TPHCM chỉ nhờ vào sự sẻ chia của mạnh thường quân. Sau khi hết giãn cách, chị cùng chồng trở lại công việc, tiền lương làm được phải trích một phần để trả những khoản vay mượn trong đợt dịch vừa qua.
Cuộc sống công nhân nơi đất khách luôn gắn với thiếu hụt. Sớm tăng lương tối thiểu vùng là giải pháp để doanh nghiệp san sẻ khó khăn với người lao động.
“Tăng lương từ ngày 1.7.2022 là phù hợp, đừng kéo dài thêm nữa vì chúng tôi đã quá khổ rồi” - anh Sử nói.
Còn chị Duyên bộc bạch: “Tôi mong sớm được tăng lương để đỡ vất vả hơn, 2 năm qua không được tăng lương chúng tôi vẫn cố bám trụ cùng doanh nghiệp, vì vậy không thể vì khó khăn của doanh nghiệp mà bỏ qua khó khăn của người lao động như chúng tôi”.