Hệ thống cũ năng suất thấp
Sáng kiến của anh Lê Viết Hoài có tên “Nghiên cứu giải pháp tăng tốc độ đúc sườn liên tục từ 10 lên trên 20 mét/phút để đáp ứng tăng trưởng và tiết kiệm chi phí sản xuất”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, anh Hoài cho biết, trước đây công ty đang có 1 hệ thống máy đúc sườn liên tục của Wirtz (tấm sườn là phần khung đỡ, phần dẫn điện của các tấm điện cực trong bình ắc quy), với nguyên lý vận hành như sau: Chì được bơm chì cấp liên tục, phun vào miệng khuôn được tạo bởi hai bề mặt khuôn trong - có hình dạng tang trống quay liên tục và khuôn ngoài - đứng yên, dãy sườn hình thành được tách ra khỏi bề mặt khuôn trong bởi cơ cấu rulo tách sườn. Dãy sườn tiếp tục được thiết bị rulo cán kéo đi qua bồn nước giải nhiệt, máng thu tách nước - dầu, đi qua thiết bị ủ cuối cùng cuốn thành từng cuộn bởi máy cuộn sườn. Tốc độ vận hành máy (năng suất) của hệ thống hiện tối đa chỉ có 10 mét/phút, khi tăng tốc độ lên trên 10 mét/phút, tăm sườn một số vị trí trên sườn bị mục, khuyết, cơ tính tăm rất yếu, thiếu ổn định…
Sau khi nghiên cứu kết cấu và nguyên lý vận hành của bơm, anh Hoài đã tiến hành cải tạo lại kết cấu cánh bơm nhằm tăng tính ổn định của lưu lượng bơm.
“Từ kết cấu và nguyên lý vận hành của bơm, tôi biên soạn và ban hành quy định bảo dưỡng định kỳ bơm, hướng dẫn bảo dưỡng thay thế bơm nhằm đảm bảo các thông số cơ bản của bơm chì luôn ở giá trị tối ưu. Sau khi xác lập các thông số tối ưu và yêu cầu thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ, hướng dẫn bảo trì thay thế lắp đặt bơm theo đúng quy định. Tôi nhận thấy rằng yếu tố bơm chì tác động mạnh nhất lên chất lượng, độ điền đầy tăm sườn, các khuyết tật trên tăm sườn không còn, cơ tính sườn trở nên tốt hơn” - anh Hoài chia sẻ.
Sáng kiến tăng năng suất lao động
Nhằm tăng năng suất máy đúc sườn liên tục và giảm tiêu hao năng lượng (điện, gas), anh Hoài đã tiến hành nghiên cứu hệ thống máy đúc sườn liên tục và từ đó xác nhận các yếu tố có thể tác động đến độ điền đầy tăm sườn cũng như yếu tố ảnh hưởng đến cơ tính tăm sườn, như dầu giải nhiệt trống, nhiệt độ nồi chì, nhiệt độ ống cấp chì, bơm chì. Sau khi xác nhận được các yếu tố có thể ảnh hưởng, anh Hoài tiến hành thực nghiệm để xác nhận lại ảnh hưởng của các yếu tố trên.
Sau khi anh Hoài thực nghiệm, cho thấy thông số tối ưu của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của hệ thống máy đúc sườn liên tục; xây dựng được quy định bảo dưỡng định kỳ bơm, hướng dẫn bảo dưỡng thay thế bơm; tốc độ hệ thống máy đúc sườn liên tục tăng từ 10 mét/phút lên 20 mét/phút… và có thể áp dụng cho máy đúc liên tục Wirtz.
Tính mới của giải pháp, sáng kiến là xác lập được thông số tối ưu của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của hệ thống máy đúc sườn liên tục; ban hành mới quy định thời gian thay bơm định kỳ; ban hành mới hướng dẫn thay thế phụ tùng, vệ sinh bơm đúng tiêu chuẩn…
Về lợi ích về mặt kỹ thuật là tăng tốc độ máy từ 10 mét/phút lên đến 20 mét/phút tương đương tăng gấp đôi công suất máy; giảm tần suất xuống máy (dừng máy vệ sinh, ống cấp); giảm chi phí đầu tư mới từ thiết bị chính (máy đúc mới) cho đến các thiết bị phụ trợ; giảm tiêu hao điện năng, khí gas, khí nén, khí thải, con người vận hành, diện tích mặt bằng nhà xưởng. Ngoài ra, sáng kiến của anh Hoài còn giảm tiêu thụ điện năng, khí thải môi trường, đồng thời tăng được thu nhập cho người lao động vận hành máy.
Anh Hoài cho biết, trước đây khi máy đúc liên tục chỉ chạy tốc độ tối đa 10 mét/phút, để đáp ứng mức tăng trưởng của Công ty, ban lãnh đạo Công ty đã tính tới phương án đầu tư thêm 1 dây chuyền đúc liên tục số 2. Tuy nhiên, khi áp dụng tổ hợp các giải pháp cải tiến của tôi đã tăng được tốc độ máy lên 20 mét/phút, đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nên không cần phải đầu tư thêm 1 dây chuyền đúc liên tục nữa. Vì vậy, giá trị làm lợi của giải pháp này ước tính bằng 15% chi phí đầu tư dây chuyền mới, cụ thể là hơn 2,2 tỉ đồng.
Với sáng kiến trên, anh Hoài được công ty thưởng hơn 20 triệu đồng.