Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Ông Phạm Văn Quang (66 tuổi, Nam Định) chia sẻ, hiện tại sức khỏe đã khá yếu, gần như cứ vài tháng lại phải vào viện một lần để điều trị. Sức khỏe sa sút khiến ông Quang cảm thấy như trở thành gánh nặng với con cái cũng như lo lắng về tuổi thọ trong tương lai.
Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi. Ông Quang cho biết, việc giảm tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 là sự thay đổi tích cực lần này, song so với tuổi thọ trung bình, ông vẫn mong giảm tuổi nhận trợ cấp xuống 70.
Không có thu nhập, không có lương hưu, cơ thể lại không khỏe mạnh khiến ông Quang chẳng thể lao động để tạo ra thu nhập. Tất cả chi phí sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào người vợ và con cái hỗ trợ.
Dù vậy, vợ ông Quang cũng không có thu nhập hay khoản trợ cấp, lương hưu gì. Những công việc vợ ông làm hàng ngày chỉ đơn giản là bán tạp hóa, cắm hoa giấy và làm thuê cho người khác. Thu nhập hàng tháng chưa bao giờ vượt quá 2 triệu đồng.
"Về già, người cao tuổi không chỉ đối diện với nỗi lo bệnh tật mà còn rất nhiều áp lực tinh thần khác. Trợ cấp tuy không nhiều nhưng được nhận sớm vẫn khiến người lớn tuổi vơi đi các muộn phiền, an tâm hơn" - ông Quang nói.
Với bà Nguyễn Thị Dung (74 tuổi, Nam Định), giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 là mong mỏi bấy lâu nay. Khi biết đề xuất này đã được thông qua, bà Dung không giấu nổi niềm vui.
“Vậy là từ năm sau trở đi, ngoài bảo hiểm y tế, tôi còn nhận được thêm tiền trợ cấp. Tôi rất biết ơn” - bà Dung chia sẻ.
Theo bà Dung, việc điều chỉnh tăng trợ cấp hưu trí xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng là sự ưu ái, quan tâm đặc biệt đối với những người như bà.
“Năm sau, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, tôi và chồng sẽ được nhận trợ cấp tổng 1 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, tôi không còn phải lo lắng tiền thuốc thang hàng tháng” - bà Dung tâm sự.
Như vậy, bà Dung và chồng chỉ cần làm được 2,5 triệu đồng để chi trả tiền ăn, điện nước và cỗ bàn mỗi tháng. Khi mục tiêu được giảm bớt, bà Dung chia sẻ có thể sẽ không cần đến tiền trợ giúp của các con nữa.
“Thu nhập chính của tôi và chồng là bán chó con, nuôi gà để bán trứng, mỗi tháng cũng được gần 2 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm rau để mang ra chợ bán, cộng với tiền trợ cấp hưu trí xã hội nữa là đủ, không cần phải nhờ cậy các con mỗi khi có cỗ bàn, giỗ chạp nữa” - bà Dung cho hay.