Vươn khơi phải hiểu luật biển
Đã thành nếp, cứ 6h sáng, ông Nguyễn Tấn Lầu - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phường Vĩnh Phước mở đầu một ngày bằng cập nhật bản tin thông báo qua hệ thống Icom cho anh em đoàn viên nghiệp đoàn đang đánh bắt ngoài biển biết thông tin trong ngày.
“10 năm thành lập nghiệp đoàn, anh em đoàn viên đã quen thuộc với bản tin rồi. Lúc là thông báo có bão, lúc là thông tin về các quy định khai thác trên biển. Hơn 2 năm nay, nhiều nhất là những bản tin tuyên truyền về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp… Trước đây, để thông tin đến anh em đoàn viên khó khăn lắm, nay kể cả đang ở giữa biển vẫn nắm được” - ông Lầu vui vẻ nói.
Lão ngư có hơn 40 năm vươn khơi như ông Lầu chia sẻ: “Nghiệp đoàn có trên 100 tàu cá thì 90% có 3-4 phương tiện thông tin liên lạc. Có tàu cài giám sát hành trình kết nối với điện thoại nên khi tàu vượt vùng đánh bắt là có thể cảnh báo ngay. Ngư dân mình đang chuyên nghiệp dần, vươn khơi phải hiểu luật biển, mọi thứ không chỉ còn là “đánh bạc với trời” khi ra biển như trước nữa mà nay đi biển ngư dân phải làm chủ được công nghệ, nắm được thông tin. Tàu cá đang được cải tiến hiện đại, được trang bị công nghệ và số hóa. Nhất là hệ thống thông tin liên lạc được khơi mạch thông suốt chứ không chỉ là thủ công như trước”.
Ngư dân Cao Văn Thơ đã có hàng chục năm gắn bó với biển. “Kình ngư” của làng biển Hòn Rớ, TP Nha Trang cho biết: Phải học để không tụt hậu, mai một nghề và ngư dân học nhanh nhất không chỉ là những tờ rơi, những buổi tuyên truyền mà học từ thực tế, từ những cuộc trao đổi trên biển luật để nâng tầm giá trị sản phẩm đánh bắt, công sức xứng đáng với lao động biển bền vững.
Huy động nguồn lực, tăng phúc lợi để thu hút ngư dân vào nghiệp đoàn
Khánh Hòa hiện có 9 nghiệp đoàn nghề cá với gần 1.400 đoàn viên làm việc trên 300 tàu cá. 10 năm hoạt động, nghiệp đoàn nghề cá góp phần trợ giúp đoàn viên xây dựng các tổ liên kết đánh bắt, là cầu nối giúp ngư dân tiếp cận với các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Ngư dân tham gia nghiệp đoàn cũng được tương trợ trang thiết bị như: Bộ đàm tầm xa, định vị vệ tinh, áo phao, tủ thuốc, cờ Tổ quốc với tổng số tiền hỗ trợ gần 5 tỉ đồng. Đoàn viên nghiệp đoàn cũng được hỗ trợ xây nhà mái ấm, hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền khi bị nạn, hàng năm dịp Tết và lễ ra quân đánh bắt đầu năm Công đoàn các cấp đều có hoạt động hỗ trợ đoàn viên quà, tiền.
Tuy nhiên, nếp sống tự do của lao động biển vẫn còn là rào cản lớn. Thực tế hiện nay con số đoàn viên nghiệp đoàn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số lao động ngành biển của Khánh Hòa. Mới đây Công đoàn ngành vừa tổ chức thành lập thêm nghiệp đoàn nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh, góp phần mở rộng thêm đối tượng lao động biển tham gia công đoàn. Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cùng với tuyên truyền vận động thì phúc lợi chính là điểm để ngư dân nhìn thấy được mục đích tham gia vì vậy, trong nhiệm kỳ mới Khánh Hòa sẽ phối hợp với các đơn vị mở rộng thêm các phúc lợi đoàn viên dành cho nhóm lao động biển.
Tháng 5.2023, tại hội nghị tuyên truyền về biển đảo, chống khai thác IUU và ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên, ngư dân, lãnh đạo Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đánh giá: Trải qua gần một thập kỷ hình thành và phát triển đã có 90 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 18.000 đoàn viên (trong tổng số gần 550.000 lao động biển). Các đoàn viên nghiệp đoàn không có trường hợp nào vi phạm đánh bắt bất hợp pháp. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa nghiệp đoàn với các doanh nghiệp về bảo hiểm, thiết bị tàu cá… tạo điều kiện cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi. Qua đó huy động thêm nhiều nguồn lực cả về vật chất và tinh thần giúp cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.