Duyên phận của 2 mảnh ghép cuộc đời
Đó là cặp đôi anh Huỳnh Chương (32 tuổi, quê Sóc Trăng) và chị Triệu Thị Chầu (33 tuổi, quê Bắc Kạn) cùng làm công nhân ở Công ty TNHH TM Giày da Giang Phạm, thành phố Thuận An, Bình Dương.
Từ nhỏ anh Chương đã bị di chứng của sốt bại liệt nên teo cơ 2 chân, đi lại rất khó khăn. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2014, anh Chương lên Bình Dương xin vào công ty gia công giày ở phường Lái Thiêu, Thành phố Thuận An. “Tôi lên Bình Dương mục tiêu là tìm công việc để có thể tự nuôi sống bản thân, không phiền đến người thân. Ban đầu vào công ty, cầm mũi kim không thạo, rất may được đồng nghiệp tận tình chia sẻ chỉ dạy. Sau đó tôi có thể thao tác, làm được việc. Hoàn thành đôi giày đầu tiên đã mừng, nhận được tháng lương đầu tiên càng mừng hơn. Mừng vì mặc dù mình là người khuyết tật nhưng có thể làm việc, có thu nhập để tự lo cho bản thân”- anh Chương chia sẻ.
Cũng tại xưởng giày này, anh Chương đã gặp chi Triệu Thị Chầu vào năm 2015. Duyên phận run rủi cho 2 người nên nghĩa vợ chồng. “Tôi sinh ra trong một gia đình khó khăn, quê ở tỉnh Bắc Kạn, từ nhỏ đã bị tật bẩm sinh, 2 chân không phát triển bình thường, nên chỉ cao 1,3m. Năm 2012, tôi được Trung tâm Người khuyết tật mồ côi Hóc Môn, TPHCM cho học nghề miễn phí. Sau đó tôi xin ra ngoài đi làm. Năm 2014, tôi được nhận vào công ty giày da ở Lái Thiêu, Bình Dương. Tôi gặp anh Chương ở đây, chúng tôi thương nhau và quyết định kết hôn. Khi làm đám cưới giản dị chỉ có bên họ nhà trai đến dự, nhà gái không có ai vào được vì đi xa, chi phí tốn kém” - chị Chầu chia sẻ.
Nương tựa nhau vượt khó
Sau khi làm lễ cưới, vợ chồng anh Chương về ở tại nhà trọ trong hẻm 27 Lái Thiêu, phường Lái Thiêu, Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Anh Chương chia sẻ, hai vợ chồng khuyết tật đến với nhau cùng rất nhiều khó khăn, bất tiện. Đã nhiều lần anh chị dự định bỏ việc về quê nương nhờ sự hỗ trợ người thân. “Tuy nhiên về quê không có việc làm, năm 2017, hai vợ chồng tôi sinh được con gái nên quyết định cùng nhau trở lại Bình Dương làm công nhân, có thu nhập nuôi con”- anh Chương chia sẻ.
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Chương vào buổi chiều tối giữa tháng 6.2021, lúc anh chị vừa đi làm về. Trong khi anh Chương tập tễnh đôi chân chuẩn bị bữa tối, chị Chầu lấy tấm da, kim chỉ đặt lên bàn để tranh thủ làm thêm. Anh Chương cho biết, ở phòng trọ giờ chỉ còn hai vợ chồng, con gái 4 tuổi đã gửi về quê cho ông bà chăm sóc từ đợt lễ 30.4. Vì vậy buổi tối không phải chăm sóc con, rảnh rỗi nên anh chị lấy vật liệu ở công ty về nhà làm thêm. “May mỗi đôi giày như thế này được gần 10.000 tiền công. Mỗi buổi tối 2 vợ chồng có thể làm được từ 6-10 đôi, kiếm thêm được từ 60-100.000 đồng. Số tiền này để gửi về quê phụ ông bà nuôi con nhỏ” - anh Chương chia sẻ.
Chị Chầu tiếp lời chồng: “Năm nay công ty hoạt động tốt hơn, có thêm đơn hàng nên mình mới có thêm việc làm buổi tối để tăng thu nhập. Năm trước công ty gặp khó khăn, mình thuộc diện lao động bị cắt giảm, phải nghỉ việc ở nhà gần 4 tháng”. Vợ chồng chị lại cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành.
Được xét chọn là gia đình công nhân tiêu biểu
Mặc dù có những khiếm khuyết của cơ thể, nhưng vợ chồng anh Chương không vì vậy mà sống tự ti, mặc cảm. Với suy nghĩ phải tự nuôi bản thân, sống có ích cho cộng đồng, cặp vợ chồng giàu nghị lực này đã nỗ lực vươn lên trong công việc và cuộc sống khiến ai biết cũng yêu mến. Trong công ty, anh Chương từng được đồng nghiệp giúp đỡ, giờ đây anh luôn sẵn sàng chia sẻ hiểu biết tay nghề và hỗ trợ mọi người. Vì vậy lãnh đạo Công ty TNHH TM Giày da Giang Phạm luôn tin tưởng đánh giá cao anh Chương nhiều năm liền. Cuối năm 2019, trong lễ Tất niên, anh Chương được đồng nghiệp và công ty vinh danh là lao động giỏi của năm.
Với những nỗ lực của mình, vợ chồng anh Chương được các cấp công đoàn Bình Dương xét chọn là Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu giai đoạn 2016-2020. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị cũng đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét chọn biểu dương gia đình anh Chương là gia đình CNVCLĐ tiêu biểu toàn quốc năm 2021.