Nghị định 105 - Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân

Nhóm PV |

16h00 ngày 19.10, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghị định 105/2020/NĐ-CP - bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân”. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn), Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam (congdoan.vn) và trang fanpage của Báo Lao Động.

Video toạ đàm trực tuyến:

17h35

MC: Quý vị và các bạn thân mến, chúng ta vừa lắng nghe cuộc trao đổi với các vị khách mời về chủ đề “Nghị định 105/2020/NĐ-CP - bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân”

Thưa quý vị!

Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ có rất nhiều quy định nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục mầm non, trong đó có chính sách rất nhân văn, hỗ trợ kịp thời cho con công nhân, người lao động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Chính sách này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với công nhân lao động và đội ngũ giáo viên mầm non đang trực tiếp chăm sóc cho con em công nhân.

Để những quy định mới này được lan tỏa, đến được đúng đối tượng cần sự hỗ trợ, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các địa phương. Địa phương phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo chính sách được thực thi. Đồng thời có nhiều chính sách nhân văn hơn nữa, đột phá hơn nữa để chăm lo, hỗ trợ cho công nhân lao động, để họ an tâm lao động sản xuất. Chương trình tọa đàm của báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ quý giá và xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình tiếp theo.

17h32

MC: Về phía Tổng LĐLĐVN, là tổ chức luôn chăm lo và bảo vệ quyền lợi, lợi ích của công nhân lao động, Tổng LĐLĐVN có những chính sách cụ thể nào để giúp công nhân ổn định đời sống, vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra?

- Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam: Để chung tay phòng chống dịch COVID-19, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản trong phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động về kinh phí để mua khẩu trang, nước rửa tay… Và từ tháng 5.2020, Tổng LĐLĐVN đã ban hành quyết định 643 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch với số tiền lên tới 500 tỉ đồng. Trong đó, quan tâm tới lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Ngoài ra, tuyên truyền, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, qua đó phát hiện một số bất cập để bổ sung và đề nghị sửa đổi:

- Mở rộng đối tượng được hỗ trợ: Giáo viên mầm non ngoài công lập, tư thục, người lao động phải nghỉ việc luân phiên…

- Đề xuất sửa đổi đối với đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đề nghị bỏ điều kiện về thu nhập.

- Mở thẻ BHYT, duy trì thẻ đối với người lao động khi bị mất việc.

- Miễn giảm học phí cho con em lao động bị mất việc, nghỉ việc không hưởng lương. Những đề xuất này, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đã đề xuất Chính phủ. Với tình trạng đối tượng rao bán sổ BHXH của người lao động thì các cơ sở cũng đã tuyên truyền đến người lao động. Thêm vào đó, Tổng LĐLĐVN đã hỗ trợ người lao động Đà Nẵng, Quảng Nam bị mất việc do dịch.

Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên đoàn chủ tịch, Trưởng ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Tô Thế
Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

17h27:

Đáp lại đề xuất của bà Nguyễn Thanh Phương, ông Nguyễn Bá Minh trả lời: Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ để có giải pháp sao cho hài hoà.

17h24:

MC: Là đại diện cơ sở giáo dục mầm non, bà có kiến nghị gì không để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc con em công nhân, góp phần giúp công nhân, NLĐ yên tâm lao động sản xuất?

- Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu: Tôi rất phấn khởi khi Nghị định 105 ra đời. Qua buổi toạ đàm, chúng tôi có đề xuất. Thứ nhất, hỗ trợ cho giáo viên với định mức ở cơ sở giáo dục mầm non tư thục khác nhau, với cơ chế hành lang pháp lý không thể quy định được bao nhiêu giáo viên 1 lớp. Nếu được, xin phép cho chúng tôi một giải pháp để hỗ trợ được vào quỹ lương của cơ sở để chia đều cho giáo viên đủ điều kiện thụ hưởng chính sách này.

Thứ 2, không chỉ con công nhân, người lao động, chúng tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ học phí cho con của người dân nói chung. Khi cơ sở như chúng tôi thành lập, nhà đầu tư đầu tư trang thiết bị vật chất, quỹ lương, chi phí vận hành… tất cả khoản chi phí đó thu về học phí của học sinh. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ thêm học phí không chỉ cho con công nhân, lao động mà còn con đối tượng khác để họ lựa chọn cơ sở giáo dục mầm non tư thục, để nâng chuẩn cho cơ sở, đồng thời giảm tải cho cơ sở công lập.

Thứ 3, nếu được, có hỗ trợ định kì hằng năm, hay vài năm 1 lần, vì sửa sang cơ sở vật chất diễn ra hằng năm, chi phí hàng trăm triệu đồng/1 đợt sữa chữa, mong muốn được quan tâm để có hỗ trợ tốt hơn để nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

17h20:

MC: Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ có giải pháp gì, tiếp tục tham mưu những chính sách gì để ổn định vấn đề học hành cho con công nhân lao động?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Như lúc trước tôi đã trao đổi: Nghị định 105 đã xây dụng được 3 nhóm chính sách rõ ràng: Thứ nhất là nhóm chính sách để làm thế sao phát triển được mạng lưới cơ sở giáo dục, theo đó, có thể Nhà nước đầu tư hoặc các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia phát triển. Nhóm chính sách này nhằm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục có chất lượng, phù hợp với thu nhập của công nhân, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đối với nhóm chính sách này, theo thời gian, cùng với sự nghiên cứu, tuỳ điều kiện của Nhà nước, hành lang pháp lý thì sẽ được bổ sung.

Thứ 2 là nhóm chính sách với giáo viên. Đây là nhóm chính sách Bộ luôn trăn trở, và là một món nợ đối với các giáo viên mầm non. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào những chính sách phù hợp, làm thế nào để giáo viên mầm non có thu nhập ổn định, đảm bảo mức sống của bản thân, gia đình, đồng thời có quyền lợi được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Đây là một giải pháp để giúp các cô giảm áp lực công việc hàng ngày, bởi lẽ, cùng một công việc nhưng có năng lực tốt hơn thì sẽ giảm được áp lực và ngược lại. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc tốt cho giáo viên mầm non. Đối với nhóm chính sách này, còn những “ô” còn trống, chưa thoả đáng thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm.

Nhóm chính sách thứ 3 là đối với trẻ. Trẻ em là con công nhân khu công nghiệp sẽ được hưởng hỗ trợ theo như Nghị định 105, vậy thời gian tới có mở rộng đối tượng ra con công nhân ngoài khu công nghiệp và đối tượng khác hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tuỳ thời điểm, điều kiện để đề xuất với Chính phủ thêm các chính sách để các cháu có thể có dịch vụ giáo dục tốt, ngày càng được chăm sóc tốt hơn.

17h16

MC: Nghị định 105 có quy định rõ, mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. Như vậy, trách nhiệm thi hành nghị định thuộc về địa phương. Vấn đề đặt ra, việc giám sát địa phương thực hiện ra sao, để đảm bảo chính sách nhân văn này được thực thi đúng? Câu hỏi xin được đặt ra với Bộ GDĐT và Tổng LĐLĐVN?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Bản thân bố mẹ của con công nhân khi nộp đơn này và ký vào đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khi lập danh sách phải chịu trách nhiệm về vấn đề, đối tượng này có phải đối tượng được thụ hưởng hay không.

Ngoài ra, danh sách của những người được thụ hưởng phải công khai tại cơ sở giáo dục. Tới đây ngày 21.10, chúng tôi sẽ mời UBND các tỉnh, Sở GDĐT các tỉnh để triển khai Nghị định này. Trong đó, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể, công khai trên cổng thông tin diện tử quận, huyện, để thấy được không chỉ có phụ huynh tham gia giám sát việc được hưởng chính sách mà toàn xã hội được tham gia giám sát những người được hưởng chính sách này.

- Bà Trịnh Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam: Đúng là địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách tại địa phương theo quy định tại Nghị định 105; kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nghị định cũng quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc, giám sát, kiến nghị việc thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định này trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao.

Do đó, để đảm bảo chính sách được thực thi, về phía công đoàn, trước hết cần phối hợp với chính quyền để nắm được tình hình nhà trẻ, mẫu giáo tại địa phương, tại khu công nghiệp và căn cứ tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương để đề xuất UBND tỉnh xem xét mức hỗ trợ trình HĐND tỉnh quyết định cho phù hợp và có lợi nhất cho NLĐ; đồng thời tăng cường tuyền truyền, vận động để NLĐ hiểu mình được hưởng thụ gì từ chính sách, hồ sơ, thủ tục đề nghị như thế nào? Đặc biệt giám sát việc thực hiện chính sách này thông qua hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ.

17h12:

MC: Xin cảm ơn những chia sẻ vừa rồi. Vâng, Nghị định 105 có quy định rõ, mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. Như vậy, trách nhiệm thi hành nghị định thuộc về địa phương. Vấn đề đặt ra, việc giám sát địa phương thực hiện ra sao, để đảm bảo chính sách nhân văn này được thực thi đúng? Câu hỏi xin được đặt ra với Bộ GDĐT và Tổng LĐLĐVN?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Có rất nhiều vấn đề chúng ta cần giải quyết: Đầu tiên là định mức của giáo viên/ lớp. Theo Thông tư 06 thì chỉ được 2,2 giáo viên/ lớp, nhưng nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thì có 3 giáo viên/ lớp. Thông tư này nhằm tránh thất thoát đối với những cơ sở giáo dục mầm non muốn đưa giáo viên vào diện hỗ trợ nên chia nhỏ ra. Trường hợp này không phải không có.

Đối với những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã thực hiện được số lượng giáo viên cao hơn định mức giáo viên/ lớp thì điều này có thể do các cơ sở này có mức thu học phí cao nên cơ sở có thể trang trải phần nào. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để giải quyết bài toán trong định mức và ngoài định mức. Việc quy định cụ thể thì tuỳ tình hình hình các địa phương. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định cơ chế giám sát. Và từng cơ sở giáo dục sẽ tự cân đối giáo viên nào được, giáo viên nào không.

Về lộ trình đào tạo nâng chuẩn, nhà nước đã có kinh phí và không phân biệt giáo viên công lập và ngoài công lập. Trong quá trình đào tạo thì nhiều giáo viên lại không được hưởng chính sách này. Nhưng cũng chính là chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao chất lượng đào tạo và tuyển dụng những giáo viên đã có kinh nghiệm. Và đó cũng là động lực để giáo viên phấn đấu tham gia các khoá đào tạo và đảm bảo được trình độ chuẩn để đáp ứng năng lực đào tạo.

17h10:

MC. Trong phóng sự vừa rồi, chúng ta đã nghe chia sẻ của hiệu trưởng trường mầm non ở KCN Bình Dương. Bên cạnh niềm vui, chính sách hỗ trợ tích cực từ nghị định 105, thì thầy cô vẫn bày tỏ những băn khoăn về nghị định. Về phía cơ sở giáo dục mầm non tại KCN Bắc Thăng Long, ông/bà có gặp những vướng mắc như vậy không?

- Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu:Đúng như những chia sẻ của Hiệu trưởng trường mầm non ở KCN Bình Dương trong phóng sự nêu trên, chúng tôi cũng có những băn khoăn nhất định. Đối với các cô mầm mon tư thục, theo quy định tại Điều 10 thì số lượng giáo viên trong các cơ sở mầm mon dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ được tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành.

Chúng tôi thấy rằng, ở cơ sở tư thục thì số lượng giáo viên cũng một số lượng trẻ là nhiều hơn. Với định lượng giáo viên được thụ hưởng chính sách như vậy, giáo viên còn lại đủ điều kiện trông lớp trên 30% trẻ em là con công nhân sẽ được giải quyết như thế nào?

Về mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, chúng tôi phấn khởi, nhưng chưa thấy có quy định cụ thể được quy định mức hỗ trợ như thế nào? Từ tháng 7.2020, chuẩn giáo viên mầm non áp dụng có trình độ cao đẳng trở lên. Đối với Nghị định Chính phủ mong muốn nâng chuẩn giáo viên công lập, tư thục. Tuy nhiên, ngân sách hiện tại cơ sở tư thục tự lo, lương các cô vẫn thụ hưởng nguyên lương, vì vậy chúng tôi băn khoăn mong có chính sách hỗ trợ, có nguồn ngân sách nâng chuẩn giáo viên.

Ảnh: Tô Thế
Ảnh: Tô Thế

17h04:

MC: Chúng ta vừa theo dõi phóng sự phản ánh chân thật đời sống của công nhân lao động. Khó khăn bộn bề, chồng chất lo toan. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và công nhân cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều người bị mất việc, giảm lương, đời sống khó khăn, trong khi vẫn phải lo chuyện học hành, ăn ở của con cái. Sau khi xem xong phong sự, các khách mời có suy nghĩ gì?

- Bà Trịnh Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam: Trước hết, tôi xin chia sẻ và cảm thông trước những khó khăn mà công nhân lao động và giáo viên mầm non hiện nay đang gặp phải. Trong điều kiện bình thường, với thu nhập rất thấp, cuộc sống của họ đã rất khó khăn, bây giờ thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 nữa thì khó khăn lại càng nhiều hơn.

Thực tế này cho thấy sự cần thiết trong ban hành các chính sách quan tâm, chăm lo đến con công nhân lao động và giáo viên mầm non trong thời gian tới. Hiện Nghị định 105 đã ban hành, sẽ có hiệu lực vào ngày 1.11, cần có giải pháp để đảm bảo Nghị định này sớm đi vào cuộc sống.

- Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu: Trước hết chúng tôi thấy rất đồng cảm với anh chị em công nhân. Các anh chị đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đối với đơn vị giáo dục mầm non như chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như giai đoạn giãn cách xã hội, cơ sở vẫn cố gắng hỗ trợ cho các bộ phận cán bộ, nhân viên, giáo viên, trong khi cơ sở không hoạt động, không có nguồn thu nhập. Chúng tôi hy vọng với chính sách hỗ trợ từ Nghị định 105 sẽ góp phần nào hỗ trợ được gia đình các anh chị em công nhân nói chung và đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp nói riêng.

16h58:

MC: Thưa quý vị và các bạn, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động, lực lượng đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Những chính sách này phần nào giúp đời sống công nhân vơi bớt khó khăn, nhưng phải nói hai vấn đề nhà ở và nhà trẻ ở những nơi có đông công nhân lao động sinh sống và làm việc vẫn là vấn đề hết sức nan giải. Với những chính sách mới trong Nghị định 105, ngay khi Nghị định có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống cho công nhân. Tuy nhiên, để chính sách nhân văn này đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ, rất cần tinh thần và trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, trong việc tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho công nhân. Đặc biệt cần sự chung tay của xã hội để cùng giám sát các địa phương thực hiện.

PHẦN I của tọa đàm xin được kết thúc, chúng ta chuyển sang phần II với chủ đề “TĂNG NGUỒN LỰC HỖ TRỢ CÔNG NHÂN ĐỂ ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI”.

Trước khi bắt đầu phần II, xin mời quý vị xem phóng sự do Báo Lao Động thực hiện phản ánh đời sống của công nhân lao động, đặc biệt trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua.

16h55:

MC: Chị còn có mong muốn gì gửi tới các khách mời tại trường quay?

- Công nhân ở điểm cầu KCN Bắc Thăng Long: Tôi mong các cơ sở mầm non quan tâm đến các con hơn, có nhiều buổi ngoại khoá để cho các con có thể học hỏi nhiều điều mới mẻ, nhiều kỹ năng hơn nữa.

16h50:

- Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu hỏi: Quy trình để nhận hỗ trợ theo Nghị định như thế nào, bởi nhà trường tháng 8 sẽ bắt đầu hướng dẫn các thủ tục nhập học cho con CNLĐ. Trên thực tế, trường sẽ tiếp nhận các cháu ở tất cả các tháng trong năm. Vậy quyết định xét duyệt cho các cháu xong, thủ tục thế nào. Cần hướng dẫn cụ thể hơn?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Từ tháng 8 thông báo cho phụ huynh, gửi cho Phòng GDĐT. Sau đó, đơn vị này lập danh sách cho bộ phận tài chính cấp huyện để thẩm định, xác định chính sách những người được hưởng danh sách. Không chỉ 1 đợt, sau tiếp tục thu thập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền. Sau khi vào học mấy tháng thì mới xét phần các cháu sẽ được nhận. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Ảnh: Tô Thế
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT). Ảnh: Tô Thế

- Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam: Về thủ tục thì anh Minh đã trả lời đầy đủ, tuy nhiên còn ý kiến con công nhân ngoài khu công nghiệp có được hưởng hay không? Có thể hiểu được liệu chính sách này có gì bất cập với con công nhân lao động trong và ngoài khu công nghiệp hay không?

Theo tôi, Nhà nước có chính sách quan tâm tới con công nhân lao động 2 đối tượng này.

Trong Bộ luật Lao động hiện hành quy định rõ, nhà nước có trách nhiệm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân nơi có nhiều lao động nữ, không phân biệt công nhân lao động nữ trong hay ngoài khu công nghiệp. Trong doanh nghiệp có đông lao động nữ, có trách nhiệm hỗ trợ người lao động như việc gửi con. Chính sách này được kế thừa, phát triển trong sửa đổi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1.1.2021, đối tượng được hỗ trợ bao gồm tất cả người lao động, không phân biệt trong hay ngoài khu công nghiệp.

Nghị định 105 cũng có chính sách không phân biệt đó, như chính sách phát triển cơ sở giáo dục không hề phân biệt hay chính sách con của người lao động trong vùng đặc biệt khó khăn. Tại sao có chính sách trong khu công nghiệp? Qua theo dõi, từ những hoạt động, phản ánh của tổ chức công đoàn, đa số công nhân lao động trong khu công nghiệp gửi con nhà trẻ chưa đảm bảo điều kiện do còn khó khăn.

Thực trạng này do các khu công nghiệp phát triển nhanh, số lượng lao động nữ tăng nhanh, nhu cầu nhà trẻ mẫu giáo rất cao, do đó điều kiện cơ sở vật chất, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo nơi sinh hoạt văn hoá không thể cùng một lúc phát triển nhanh như vậy. Vì vậy, con công nhân lao động các khu công nghiệp khó khăn, thiệt thòi hơn khu vực khác, vì vậy rất cần chính sách đặc thù con công nhân lao động ở khu vực này, giáo viên mầm non để họ không bị thiệt thòi với khu vực khác.

- Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu: Vấn đề anh chị em mong muốn là có thêm nhiều môi trường chăm sóc trẻ. Với lượng trẻ hiện tại thì tôi quan tâm rất nhiều đến công tác chăm sóc trẻ và bổ sung đưa vào những phương pháp giáo dục mới và đưa vào tất cả những lớp khối mẫu giáo.

Về việc hướng dẫn cho giáo viên về việc nâng cao chất lượng thì chúng tôi cũng đã đưa vào cho giáo viên.

Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu trả lời tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Tô Thế
Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu trả lời tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Tô Thế

16h49:

Câu hỏi của công nhân từ đầu cầu KCN Bắc Thăng Long: Ngoài công nhân khu công nghiệp, liệu có đối tượng con công nhân ngoài khu công nghiệp được hưởng không?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Chúng tôi rất mong muốn được mở rộng đối tượng người lao động, công nhân lao động ngoài khu công nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi chỉ có thể nhắm đến đối tượng con công nhân trong khu công nghiệp được hưởng thụ chính sách này. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến từ đó lấy cơ sở để thực hiện.

16h45:

MC: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của bà Nguyễn Thanh Phương. Như bà chia sẻ thì đúng là những quy định trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP là bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân, người lao động. Trở lại với mức hỗ trợ 160.000 đồng/tháng cho con em NLĐ, có thể với nhiều người số tiền này không phải là lớn, nhưng với công nhân lao động, nó phần nào giúp cuộc sống của họ vơi bớt khó khăn, có kinh phí đầu tư cho việc học hành của con cái.

Tham gia buổi tọa đàm hôm nay còn có đại diện công nhân lao động đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long. Chúng tôi rất muốn nghe chia sẻ của những người sẽ trực tiếp hưởng lợi từ chính sách của Nghị định 105/2020/NĐ-CP. Xin mời MC kết nối với điểm cầu KCN Bắc Thăng Long.

16h42:

MC: Điểm đặc biệt của Nghị định 105 là không chỉ có chính sách hỗ trợ con em công nhân, mà còn được xem là cú hích để thúc đẩy phát triển các cơ cở giáo dục mầm non tư thục nằm tại các khu công nghiệp trong việc hỗ trợ chỗ ăn học cho con em công nhân. Theo Nghị định, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ mức tối thiểu 20 triệu đồng để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.

Thưa bà Nguyễn Thanh Phương – đại diện cơ sở mầm non Toàn Cầu, những chính sách mới này có ý nghĩa và sẽ tác động ra sao đến đội ngũ giáo viên mầm non và việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp trong thời gian tới?

- Bà Nguyễn Thanh Phương – đại diện cơ sở mầm non Toàn Cầu: Nghị định 105 ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên đây là nguồn hỗ trợ rất tốt cho anh chị em công nhân, giúp họ có thêm động lực đưa con đến lớp. Thực tế cho thấy, có nhiều gia đình công nhân bấp bênh về kinh tế nên phải gửi con về cho ông bà trông, phải đến 4-5 tuổi, các cháu mới đến trường. Như vậy thì các cháu đã bỏ lỡ đi nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết mà các cháu có thể có được từ lúc 2,3 tuổi. Điều này cũng gây khó khăn cho các cơ sở mầm non trong bồi đắp kiến thức, kỹ năng cho các cháu trước khi các cháu bước vào cấp tiểu học.

Bên cạnh đó, với giáo viên mầm non nói chung cũng như giáo viên mầm non trong địa bàn khu công nghiệp nói riêng, mức lương của họ hiện còn rất thấp, đôi lúc còn thấp hơn mức lương của công nhân trong khu công nghiệp, khiến nhiều người không gắn bó được với nghề.

Như tại cơ sở mầm non của chúng tôi, từ năm 2016 – khi bắt đầu đi vào hoạt động đến nay - đã có cơ số giáo viên rời khỏi cơ sở và đi làm công nhân trong khu công nghiệp. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn vì họ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong giáo dục trẻ mầm non. Vì vậy, giáo viên mầm non tư thục được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng như trong Nghị định là một nguồn động viên lớn để họ yên tâm gắn bó với công việc của mình. Đối với cơ sở mầm non, khoản tiền hỗ trợ sẽ giúp họ có thêm kinh phí sửa chữa, đổi mới trang thiết bị, đồ chơi để giáo dục, chăm sóc các cháu được tốt hơn.

Ảnh: Tô Thế
Ảnh: Tô Thế

16h40:

Công nhân ở KCN Bắc Thăng Long đặt câu hỏi với khách mời là đại diện Bộ GDDT: Xin hỏi đại diện Bộ GDĐT, các thủ tục để được nhận được hỗ trợ là gì?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Thủ tục rất rõ trong Nghị định 105. Cần làm đơn theo Nghị định và gửi đơn cho nơi cô công tác, gửi đơn cho cơ sở giáo dục nơi cháu học ở đó.

16h35:

MC: Cơ sở nào để những người xây dựng Nghị định đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu là 160.000 đồng/trẻ/tháng, mà không phải con số nào khác?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Chắc chắn có cơ sở. Trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, đây là mức rất cố gắng của Chính phủ.

Mức hỗ trơ này tương đương với mức hỗ trợ cho các cháu là con cận nghèo, hộ nghèo, con của cán bộ, công chức, viên chức ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn ở hỗ trợ mức ăn trưa. Con của công nhân Khu công nghiệp được đưa vào diện ưu tiên, theo quan điểm của chúng tôi. Đây là động viên ban đầu, thể hiện sự quan tâm của Đảng với chủ trương không để ai ở phía sau.

16h32:

MC: Điểm đặc biệt của NĐ 105 là không chỉ có chính sách hỗ trợ con em công nhân, mà còn được xem là cú hích để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt thúc đẩy đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục nằm tại các khu công nghiệp trong việc hỗ trợ chỗ ăn học cho con em công nhân. Là cơ sở giáo dục mầm non nằm tại khu công nghiệp, xin được hỏi bà Nguyễn Thanh Phương – đại diện cơ sở mầm non Toàn Cầu (KCN Thăng Long, quận Đông Anh, Hà Nội), cơ sở của bà gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình chăm sóc trẻ, khi phần lớn CNLĐ có đặc thù là thường xuyên đi làm theo ca kíp?

Bà Nguyễn Thanh Phương – Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn Cầu: Với đặc thù là cơ sở mầm non đóng trên địa bàn khu công nghiệp, cơ sở mầm non của chúng tôi đang có tới trên 60% là con công nhân. Trong quá trình hoạt động, cơ sở cũng gặp một số khó khăn, như rất nhiều công nhân phải làm ca kíp. Có trường hợp đi làm rất sớm, từ 5h30 sáng, không có ai trông con nên có nhu cầu gửi con sớm. Đối với những trường hợp này, chúng tôi phải bố trí người mở cổng, giáo viên đến sớm để trông các cháu.

Ảnh: Tô Thế
Bà Nguyễn Thanh Phương – Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn Cầu. Ảnh: Tô Thế

Bên cạnh đó, cũng có những công nhân đi làm về rất muộn: 21-22h nên cơ sở phải chuyển sang giữ trẻ muộn, chờ bố mẹ tan ca đến đón con.

Về thuận lợi, cơ sở mầm non nằm trong khu công nghiệp, đông công nhân, nên số lượng trẻ tham gia đi học đông. Cơ sở được thành lập từ năm 2016, đến nay, số lượng trẻ tại cơ sở đã lên tới 200. Cơ sở đang làm thủ tục để lên cấp trường.

4h30:

MC: Xin cảm ơn những chia sẻ từ đại diện Bộ GDĐT. Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, là tổ chức chính trị - xă hội của giai cấp công nhân; luôn bảo vệ lợi ích công nhân, viên chức và lao động cả nước, xin hỏi đại diện Tổng LĐLĐVN, bà đánh giá sự ra đời của Nghị định 105, với nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến con em công nhân lao động, có ý nghĩa ra sao?

- Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam: Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho phép chúng tôi rất trân trọng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đồng hành với Tổng LĐLĐ Việt Nam trong nhiều hoạt động, tham mưu, xây dựng chính sách cho con công nhân lao động và giáo viên mầm non.

Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên đoàn chủ tịch, Trưởng ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Tô Thế
Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Uỷ viên đoàn chủ tịch, Trưởng ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Nói về ý nghĩa Nghị định 105, điều mà tôi tâm đắc nhất, đây là nghị định quy định cụ thể về đối tượng, mức hỗ trợ và hướng dẫn làm thế nào các điều luật được thực hiện… Có những nội dung Nghị định khác đưa vào thông tư, nhưng Nghị định này rất rõ ràng cụ thể và thuận lợi hơn trong việc áp dụng.

Nghị định đã tạo hành lang pháp lý để chính quyền địa phương căn cứ vào đó xây dựng chính sách phù hợp với địa phương mình. Bởi vì Nghị định đưa ra mức quy định tối thiểu, nhưng tuỳ thuộc vào địa phương đưa ra chính sách tốt hơn cho con công nhân lao động với ý nghĩa mầm non. Tôi cũng thấy Nghị định tăng cường trách nhiệm nhà nước, chính quyền các cấp trong công tác này. Khi Nghị định được áp dụng, chắc chắn con công nhân lao động có điều kiện chăm lo cho con tốt hơn, yên tâm làm việc, môi trường làm việc tốt hơn sẽ giúp giữ chân người lao động có tay nghề cao.

16h18:

MC: Thưa quý vị và các bạn, phần lớn công nhân có cuộc sống khó khăn và bấp bênh về thời gian, tài chính, nên con em họ thường được gửi ở những nơi thiếu thốn về cơ sở vật chất, thậm chí nhiều trẻ không được gia đình quan tâm đến sự học hành. Vì vậy, nhiều trẻ thiếu môi trường học tập, tương tác vui chơi và vận động để phát triển. Với những chính sách trong Nghị định 105, sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển các cơ cở giáo dục mầm non nằm tại các khu công nghiệp, nhằm hỗ trợ chỗ ăn học cho con em công nhân.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định này, xin hỏi đại diện Bộ GDĐT, từ đâu Bộ đã đề xuất, đưa ra những quy định rất cụ thể hỗ trợ cho con em công nhân, cũng như hỗ trợ cho các trường mầm non ở các khu công nghiệp như vậy?

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT): Xin chào anh chị em công nhân người lao động. Tôi rất phấn khởi được tham dự diễn đàn ngày hôm nay. Có thể nói, anh chị em công nhân, người lao động đóng góp phần quan trọng với sự phát triển kinh tế các nước. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, rất nhiều vấn đề xuất hiện ở địa bàn khu công nghiệp, và người công nhân chịu nhiều sự thiệt thòi.

Thiệt thòi lớn hơn khi anh chị em có con em nhỏ. Khi Kinh tế xã hội phát triển, có nhiều khu công nghiệp thì thu hút lượng lao động trẻ lớn và tạo sự áp lực về tăng dân số cơ học. Vì sự phát triển này nên việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ đến trường.

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT). Ảnh: Tô Thế

Nếu xét đồng lương thì công nhân thu nhập không thấp so với mặt bằng chung, nhưng lại phải sử dụng nhiều dịch vụ, và đặc biệt không gửi con đến trường công lập được vì hầu hết trường công lập đều là trẻ có hộ khẩu. Vì vậy phần lớn công nhân gửi con lớp đến trường ngoài công lập hoặc độc lập tư thục. Tuy nhiên, với mức thu nhập của công nhân, người lao động thì khó mà có thể gửi đến trường ngoài công lập.

Do đó, thường thì công nhân sẽ gửi đến lớp độc lập tư thục. Những cơ sở này thì thời gian linh hoạt, giá rẻ nhưng nhiều khi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Vì vậy thời gian vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo một số vấn đề chính: Nhóm thứ nhất: Xây dựng quy định về quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trên địa bàn, trong đó có con em công nhân. Quy định chính sách phát triển: Xây dựng trường lớp, ban hành quy định về cơ sở giáo dục.

Nhóm thứ 2: Chính phủ chỉ đạo địa phương, bộ, ban, ngành thực hiện nghiêm các quy định.

Nhóm thứ 3: Kiểm tra giám sát. Về các chính sách phát triển mầm non ở các khu công nghiệp không phải là chưa có, 10 năm trở lại đây, Chính phủ rất quan tâm nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp tập trung phát triển các cơ sở giáo dục. Năm 2019, lần đầu tiên trong Luật Giáo dục có điều 27 quy định về phát triển giáo dục mầm non; Cũng là lần đầu tiên trong Luật có quy định ưu tiên giáo dục mầm non ở khu công nghiệp. Nghị định 105 cụ thể hoá khoản 1,2 của Luật Giáo dục, tập trung vào 3 vấn đề chính:

- Chính sách phát triển mạng lưới trường lớp

- Chính sách tập trung vào giáo viên: Có điều kiện nâng cao năng lực, nghề nghiệp, Tạo điều kiện để giáo viên có môi trường làm việc tốt.

- Làm thế nào để trẻ có thể tiếp cận với giáo dục mầm non tốt nhất.

Về vấn đề phát triển mạng lưới trường lớp, có 2 dạng: Trường công lập, trường tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục. Nhóm thứ 1: Cần có đầu tư ở những khu công nghiệp để phát triển hơn nữa. Làm sao để đủ điều kiện nhận trẻ mà học phí thấp, phù hợp với công nhân. Nhóm thứ 2: Làm thế nào để nâng cao thu nhập cho giáo viên. Giáo viên dạy ngoài công lập thu được 800 nghìn đồng/ tháng. Giáo viên ngoài công lập được tham giá tập huấn, được bồi dưỡng tài liệu.

Với nhóm lớp độc lập tư thục, hỗ trợc 20 triệu đồng/năm để nâng cao chất lượng. Với trẻ em, mong muốn thế nào để trẻ em tiếp cận được giáo dục chất lượng cao. Tôi cảm thấy phấn khởi vì trong bối cảnh khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ban hành quyết định tương đối toàn diện và tạo điều kiện cho công nhân ở khu công nghiệp.

16h11:

MC: Chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình tọa đàm trực tuyến “Nghị định 105 - Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân”. Chương trình đang được phát trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam (congdoan.vn) và trang fanpage của Báo Lao Động, được truyền hình trực tiếp từ 2 điểm cầu – Trường quay Báo Lao Động và Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Thưa quý vị và các bạn!

Ngày 8.9.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Điều 8 của Nghị định 105 nêu rõ, từ ngày 1.11.2020, trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định, được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Ngoài ra, các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp nếu có tối thiểu 30% trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại đó, cũng được hỗ trợ mức tối thiểu 20 triệu đồng để mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phục vụ trực tiếp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; cùng rất nhiều chính sách liên quan đến giáo dục mầm non khác.

Thưa quý vị và các bạn! Có thể nói, đây là chính sách rất nhân văn, hỗ trợ kịp thời cho con công nhân, người lao động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Chính sách này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với công nhân lao động và đội ngũ giáo viên mầm non đang trực tiếp chăm sóc cho con em công nhân.

Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách nhân văn này đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ? Cơ chế để giám sát các địa phương thực hiện ra sao? Ngoài hỗ trợ cho trẻ mầm non là con công nhân, công nhân đang cần cơ chế, chính sách gì để yên tâm lao động?

Báo Lao Động tổ chức buổi tọa đàm hôm nay, với hy vọng các khách mời sẽ cùng bàn luận, đưa ra góc nhìn, giải pháp cho vấn đề vừa nêu, vì một mục tiêu trong tương lai sẽ có thêm nhiều chính sách nhân văn để phát triển giáo dục mầm non và hỗ trợ nhiều hơn cho công nhân, NLĐ – những người đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời cùng tham gia buổi tọa đàm hôm nay:

Tại trường quay Báo Lao Động:

- Bà Trịnh Thanh Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam.

- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT)

- Bà Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở mầm non Toàn cầu.

Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có mặt của PV Báo Lao Động và công nhân để chia sẻ, cũng như đặt các câu hỏi đến chuyên gia có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Tô Thế
Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Tô Thế

Từ ngày 1.11.2020, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non sẽ chính thức thức có hiệu lực

Điều 8 của Nghị định 105 nêu rõ, từ ngày 1.11, trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định, được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Ngoài ra, các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp nếu có tối thiểu 30% trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại đó, cũng được hỗ trợ mức tối thiểu 20 triệu đồng để mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phục vụ trực tiếp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; cùng rất nhiều chính sách liên quan đến giáo dục mầm non khác.

Phần lớn công nhân có cuộc sống khó khăn và bấp bênh về thời gian, tài chính, nên con em họ thường được gửi ở những nơi thiếu thốn về cơ sở vật chất, thậm chí nhiều trẻ không được gia đình quan tâm đến sự học hành. Vì vậy, nhiều trẻ thiếu môi trường học tập, tương tác vui chơi và vận động để phát triển.

Với những chính sách trong Nghị định 105, sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển các cơ cở giáo dục mầm non nằm tại các khu công nghiệp, nhằm hỗ trợ chỗ ăn học cho con em công nhân.

Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách nhân văn này đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ? Cơ chế để giám sát các địa phương thực hiện ra sao? Giải pháp nào để khắc phục những điểm còn bất cập, để nghị định sớm đi vào cuộc sống?

Từ những lý do này, vào lúc 16h ngày 19.10, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghị định 105 – Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân”, với hy vọng đưa ra góc nhìn, giải pháp cho vấn đề vừa nêu, vì một mục tiêu trong tương lai sẽ có thêm nhiều chính sách nhân văn để phát triển giáo dục mầm non và hỗ trợ nhiều hơn cho công nhân, NLĐ – những người đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

“Nghị định 105 - Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân"

Bích Hà |

Hôm nay (19.10), Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghị định 105 - Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân”. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Trường Đại học Đồng Tháp miễn học phí toàn phần cho 2 sinh viên đặc biệt

HỒNG LAN - THANH NGUYÊN |

Để động viên, tiếp sức cho hai tân sinh viên đặc biệt của trường bị khiếm khuyết về chiều cao, Trường Đại học Đồng Tháp đã quyết định miễn học phí 4 năm đại học cho hai em và trao tặng kèm 2 suất học bổng Nghị lực.

Bắc Ninh: Hơn 20 tỉ đồng tuyên truyền, chăm lo đời sống công nhân lao động

Bảo Hân |

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ công tác tuyên truyền và chăm lo đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025”.

Hậu Giang: Hơn 9 tỉ đồng chăm lo đời sống công nhân, viên chức lao động

Thành Nhân |

Ngày 19.6, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b về tổng kết vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010 - 2020.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

“Nghị định 105 - Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân"

Bích Hà |

Hôm nay (19.10), Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghị định 105 - Bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân”. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Trường Đại học Đồng Tháp miễn học phí toàn phần cho 2 sinh viên đặc biệt

HỒNG LAN - THANH NGUYÊN |

Để động viên, tiếp sức cho hai tân sinh viên đặc biệt của trường bị khiếm khuyết về chiều cao, Trường Đại học Đồng Tháp đã quyết định miễn học phí 4 năm đại học cho hai em và trao tặng kèm 2 suất học bổng Nghị lực.

Bắc Ninh: Hơn 20 tỉ đồng tuyên truyền, chăm lo đời sống công nhân lao động

Bảo Hân |

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ công tác tuyên truyền và chăm lo đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025”.

Hậu Giang: Hơn 9 tỉ đồng chăm lo đời sống công nhân, viên chức lao động

Thành Nhân |

Ngày 19.6, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b về tổng kết vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010 - 2020.