Nghẹt thở trong vụ đình công lịch sử

LÊ TUYẾT |

Cuối tháng 3.2015, gần 90.000 công nhân Cty TNHH PouYuen Việt Nam (Bình Tân, TPHCM) đình công phản đối một điều còn chưa xảy ra - Điều 60 Luật BHXH 2014 có hiệu lực vào ngày 1.1.2016, tức phải hơn 9 tháng sau đó.

Sáng 27.3.2015, tôi nhận được tin có đình công tại “công xưởng lớn nhất Sài Gòn” từ phòng bạn đọc Báo Lao Động. Là phóng viên theo dõi thông tin ở lĩnh vực Lao động - Công đoàn, tôi không khỏi lo lắng. 90.000 công nhân lao động, đó thực sự là một con số khổng lồ! Nếu vụ việc không nhanh chóng được giải quyết, cuộc đình công sẽ rất dễ lan nhanh ra các công ty, khu công nghiệp và các tỉnh, thành khác!

Ngày 26.3.2015, cuộc đình công bắt nguồn từ một vài xưởng khi các cán bộ cao cấp trong xưởng “đi họp ở trên về thông báo rằng, từ nay, khi công nhân nghỉ việc sẽ không được nhận BHXH một lần như trước mà phải đợi đến tuổi hưu, nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi”. 9 giờ sáng 27.3.2015, chúng tôi có mặt trước cổng Cty TNHH PouYuen Việt Nam. Bảo vệ công ty chặn cửa, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự gần như bao quanh công ty.

Trên loa phát thanh, giọng chủ tịch Công đoàn Cty phát liên tục nội dung sự việc và kêu gọi công nhân quay trở lại làm việc. Phóng viên, nhà báo đến hiện trường ngày càng đông. Tuy nhiên, ngày hôm đó, vì nhiều lý do, một số phóng viên đến hiện trường nhưng không được đưa thông tin sự kiện lên mặt báo. Phần mình, tôi cũng băn khoăn. Tôi gọi điện cho một số chuyên gia, luật sư hỏi về cơ sở của vụ việc. Tôi trao đổi với tòa soạn, Ban Biên tập yêu cầu làm thông tin, bước đầu, sẽ phản ảnh đúng tình hình thực tế, phóng viên ngoài Hà Nội sẽ lấy ý kiến lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam.

16h11 ngày 27.3.2015, bản tin đầu tiên của chúng tôi đăng trên báo Lao Động, cũng là bản tin đầu tiên xuất hiện trên mặt báo về sự kiện công nhân PouYuen đình công phản đối Điều 60 Luật BHXH 2014. Bài báo đã phản ảnh ý kiến của người lao động với mong muốn “Ý kiến của công nhân cần được lắng nghe”. Trong tích tắc, lượng truy cập bài viết đột biến, số lượt chia sẻ cũng liên tục tăng trên mạng xã hội.

Công nhân Cty PouYuen tràn ra đường gây tắc nghẽn giao thông. Ảnh: T.H

Tối hôm đó, nhiều bài báo cũng được đăng tải, đa phần là các bài viết giải thích rõ hơn mục tiêu mà Luật BHXH 2014, Điều 60 mong muốn mang lại cho người lao động. Tuy nhiên, các bài viết này như đổ thêm dầu vào lửa. Liên tục nhiều ngày sau đó, khi cánh phóng viên, nhà báo xuống hiện trường, tất cả đều không dám xưng danh để tránh nguy cơ bị… túm cổ áo, bởi công nhân cho rằng nhà báo đã… không lắng nghe họ, khi các bài viết chỉ nói điểm tốt của Điều 60!

9 ngày công nhân PouYuen đình công, cửa ngõ phía tây của TPHCM gần như bị tắc nghẽn. Công nhân đứng đầy đường, trèo lên cầu vượt, bít cả đường đi, kẹt xe hàng cây số. Ngay cả cánh phóng viên, để đến được hiện trường, phải len lỏi giữa trăm container, nhích từng mét đường. Chưa kể, công nhân ở các doanh nghiệp lân cận cũng bắt đầu đình công. Đường dây nóng của Báo Lao Động liên tiếp nhận nhiều cuộc gọi về “hiệu ứng PouYuen…”. Trong lúc đó, cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp với công nhân PouYuen hoãn liên tục vì tình hình không thể kiểm soát được! Cánh phóng viên chúng tôi khi đó, thỉnh thoảng lại nhận được tin nhắn yêu cầu rút lui để bảo đảm an toàn. Và đa phần, chúng tôi chọn phương án ở lại.

Trong sự kiện công nhân PouYuen và Điều 60 Luật BHXH 2014, là một phóng viên theo dõi lĩnh vực Lao động - Công đoàn của Báo Lao Động, ngoài trách nhiệm chuyển tải thông tin trên mặt báo, khi có cơ hội, tôi luôn tranh thủ để được trao đổi với những người có trách nhiệm về vụ việc của gần 90.000 công nhân PouYuen. Bởi tôi nghĩ rằng, nếu mình không lên tiếng, có thể nhiều người sẽ không biết được, những công nhân kiên trì ngừng việc 9 ngày liền kia là những người thức dậy từ 3 giờ sáng, ngủ gà gật trên những chuyến xe buýt dài cả trăm cây số để đến công ty làm việc; Là những người nhiều năm liền không về quê ăn Tết chỉ để tiết kiệm tiền xe gửi về cho mẹ mua áo ấm ngày đông; Là hàng chục người chen chúc trong căn phòng mấy mét vuông, mồ hôi chan cơm những khi trời nóng; Là những nữ công nhân với tiền lương không đủ sống, chấp nhận nghỉ việc, đi làm không có hợp đồng lao động để chờ lấy tiền BHXH đóng tiền học cho con; Là những công nhân bị công ty cho về hưu khi vừa ngấp nghé tuổi 40 biết làm gì để sống ngoài lấy tiền BHXH một lần để nuôi con vịt, con gà… Họ đình công không phải vì không hiểu được mục tiêu tốt đẹp của Luật BHXH 2014, của Điều 60, mà họ cho rằng, cái mục tiêu ấy chưa phù hợp với thực tế. Về phần nào đó, tôi cho rằng, những việc làm của mình đã không vô ích. Sau sự kiện PouYuen, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi gặp lại tôi, ông vui vẻ chào và gọi tôi bằng cái biệt danh “Cô phóng viên đầu gấu của tôi”.

Chiều 22.6.2015, ý kiến của công nhân chính thức được Quốc hội lắng nghe khi các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, với tỉ lệ đại biểu tán thành đạt 81,78%. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, cùng thời điểm với Luật BHXH 2014 có hiệu lực.

Mặc dù, đến bây giờ, vẫn có nhiều ý kiến xung quanh nội dung nên hay không việc để người lao động được nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, với những ai đã từng sống trong những ngày nghẹt thở ở PouYue mới hiểu lý do vì sao khi đó, chúng tôi, những người làm báo công đoàn, đã nói cùng tiếng nói của công nhân. Bởi nói như nhà báo Đào Tuấn “Nhà nước có lý của Nhà nước trước trách nhiệm lo an sinh xã hội. Nhưng chẳng có cái lý nào có lý hơn quyền tự quyết của NLĐ”.

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.