Ngày 20.2, chị Nguyễn Thị A.- công nhân Công ty điện tử BSSE Việt Nam chi nhánh Nghệ An tại huyện Nghi Lộc trao đổi với phóng viên: "Trong Công ty, số F0 rất nhiều, chúng tôi lo nên về nhà tự mua kit để test, mỗi lần mất 70 nghìn đồng. Nếu đi test tại cơ sở y tế thì 100 nghìn/lần. Trong khi thu nhập mỗi ngày công chỉ được từ 150 - 200 nghìn".
Lo lắng dịch bệnh, đề nghị công ty có giải pháp phòng dịch và hỗ trợ chi phí xét nghiệm là một trong các lý do dẫn đến việc công nhân Công ty BSE ngừng việc vào chiều 19.2.
Bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động trong khu kinh tế.
“Có doanh nghiệp con số F0 đã lên đến hàng nghìn công nhân. Trước tình hình dịch phức tạp, công nhân thấy xuất hiện F0 muốn test, doanh nghiệp phải gồng mình để mua kist test cho công nhân, công nhân cũng muốn bỏ tiền test để an tâm làm việc. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ kit test để cùng công nhân vượt qua mùa dịch” – bà Trần Thị Nguyệt nói.
Trong 4 vụ ngừng việc tập thể diễn ra sau Tết Nguyên đán tại Nghệ An, có 2 cuộc ngừng việc liên quan đến kiến nghị của công nhân về việc hỗ trợ chi phí test COVID-19. Công nhân cho biết số F0 xuất hiện nhiều, F1 cũng đi làm, ai cũng lo lắng nên phải tự mua kit về test, chi phí quá cao so với thu nhập.
Công nhân đề nghị doanh nghiệp có biện pháp phòng dịch an toàn, hiệu quả và hỗ trợ chi phí xét nghiệm.
Một số công nhân thắc mắc vì tiền hỗ trợ COVID-19 đã nộp hồ sơ từ rất lâu nhưng không thấy được giải quyết.
Một số doanh nghiệp cũng phản ánh tình hình doanh thu giảm sút do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài, nhiều lao động trở thành F0 phải nghỉ làm việc, cộng thêm chi phí xét nghiệm và chi phí hỗ trợ khác làm doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Trước thực trạng đó, một số doanh nghiệp lại xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, làm cho doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
Ông Kha Văn Tám – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An nói: “Thực tế hiện nay đặt ra vấn đề xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững là một yêu cầu cấp bách, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn.
Chúng tôi đã chỉ đạo tổ chức công đoàn thành lập tổ công tác, đến với các doanh nghiệp tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh và tâm tư, nguyện vọng người lao động, nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc vì mục tiêu nâng cao đời sống người lao động và phát triển doanh nghiệp”.
Hiện nay, Nghệ An có 13.500 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 230 nghìn lao động, mức lương bình quân hàng tháng của người lao động là 6 triệu đồng.
Tình hình dịch bệnh ở Nghệ An đang diễn biến phức tạp, liên tục khoảng 1 tuần nay ghi nhận số mắc mới trên 1.000-2.000 ca/ngày. Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 48.103 ca mắc COVID-19; 22.410 người khỏi bệnh; 74 bệnh nhân tử vong; 25.619 bệnh nhân đang điều trị.