“Thắt lưng buộc bụng” vì xăng tăng giá
Theo nhiều công nhân lao động đang làm việc tại Khu Công nghiệp Hoàng Long (phường Tào Xuyên, TP.Thanh Hóa), suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đời sống, việc làm của họ bị ảnh hưởng. Đặc biệt nhất, sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, khi người lao động quay trở lại làm việc thì số lượng F0 tăng đột biến, thậm chí có những doanh nghiệp ghi nhận lên đến hàng nghìn ca mắc COVID-19. F0 tăng cao khiến việc sản xuất cũng như thu nhập của công nhân lao động giảm và phải chi phí nhiều cho công tác phòng, chống cũng như điều trị bệnh COVID-19.
Trước thực trạng trên, nhiều người lao động đã phải đưa ra những kế hoạch cho việc chi tiêu, làm sao để vừa đảm bảo cuộc sống, vừa không bị thâm hụt tài chính.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (công nhân Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam) cho biết, sau dịp Tết vừa qua, công ty nơi chị làm việc ghi nhận rất nhiều ca mắc COVID-19, thậm chí lên đến hàng nghìn người và ảnh hưởng vô cùng lớn đến công tác sản xuất tại các phân xưởng. Thêm vào đó, nhiều công nhân mắc COVID-19 ngoài bị gián đoạn công việc còn phải điều trị tại nhà, khiến cho chi tiêu “leo thang” chóng mặt.
“Biết là khó khăn chung của toàn xã hội, nên không những tôi mà nhiều người khác đều động viên nhau rằng; ai là F0 rồi thì cũng chỉ vài ngày là khỏi thôi, đây chỉ là khó khăn tạm thời, nên cùng cố gắng để sớm vượt qua” - chị Hằng chia sẻ.
Cũng theo chị Hằng, đến nay, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, những đã có phần lắng dịu hơn so với cách đây gần 1 tháng. Tuy nhiên, những ngày trở lại đây, giá xăng tăng cao làm nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, nhất là các loại thực phẩm sinh hoạt hằng ngày.
“Nhà tôi ở gần công ty còn đỡ, nhất là những công nhân ở huyện xa phải thuê nhà trọ thì họ còn tốn kém hơn. Giá gạo, thịt, rau, củ quả… cho đến giá thuê phòng, đồ gia dụng, đồ sinh hoạt… đều tăng theo giá xăng. Do đó, những ngày trở lại đây, công nhân lao động có phần thắt chặt chi tiêu và ít mua đồ hơn” - chị Hằng nói.
Theo công nhân Hoàng Thị Trang (19 tuổi, ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), chị xuống Khu Công nghiệp Hoàng Long làm việc từ năm ngoái (2021), từ thời điểm đó đến giờ là giai đoạn rất khó khăn đối với chị, ban đầu chị thuê trọ gần công ty để tiện cho việc đi làm, tuy nhiên, sau đó nhận thấy việc làm này tốn kém nên chị đã chọn cách, sáng lên xe đưa đón công nhân đến công ty làm việc, chiều lại được xe chở về gần nhà.
“Tôi đã cân nhắc khá nhiều, vì nhà cách chỗ làm chừng 40km nên dù đi xe đưa đón công nhân cũng mất gần 1 giờ đồng hồ mới về tới nhà. Tuy nhiên, như thế lại thoải mái hơn, đỡ phải tốn tiền thuê nhà, tiền ăn và nhiều chi phí khác. Đi làm về nhà có bố mẹ lo và chi phí ở quê cũng rẻ hơn nhiều so với thành phố. Đặc biệt, giờ giá xăng tăng cao, nên tôi thấy cách làm đó là chuẩn xác và tiết kiệm” - chị Trang chia sẻ.
Nắm bắt tâm tư, hỗ trợ kịp thời
Anh Đỗ Duy Hưng (lao động tự do, bán hoa quả tại cổng Khu Công nghiệp Hoàng Long) cho biết, từ ngày giá xăng tăng cao, kéo theo rất nhiều mặt hàng tăng giá, đặc biệt là thực phẩm, đồ ăn. Vì khi xăng tăng giá kéo theo chi phí vận chuyện mất nhiều hơn, buộc sản phẩm phải tăng giá theo. “Ngày nào tôi cũng bán hàng tại đây, nên hơn ai hết tôi cảm nhận rõ nhất.
Trước đây, mỗi khi công nhân tan ca hoặc hết giờ làm họ ra mua hàng kilôgam hoa quả về cho gia đình, với giá cũng chỉ vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên đến nay, người nhiều thì được 1kg, người ít thì mua vài quả, vì giá hiện tại đã cao hơn nhiều so với thời điểm xăng chưa tăng giá”- anh Hưng cho hay.
Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa - cho hay, đúng là sau dịp Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh trở nên khá phức tạp, hàng chục nghìn công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng trên địa bàn bị mắc COVID-19, do đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, cũng như đời sống công nhân lao động.
Ngoài ra, thời gian gần đây giá xăng dầu tăng cao cũng khiến giá cả thị trường tăng theo, nhất là các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, đồ thiết yếu. Do đó, đời sống công nhân đã vất vả, nay càng khó khăn hơn. Một điều đáng mừng là, sau dịp Tết Nguyên đán một số doanh nghiệp trên địa bàn đã tiến hành nâng lương (6%) cho công nhân lao động.
“Chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo các công đoàn cơ sở tích cực tham gia đối thoại với chủ doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động; những ý kiến, kiến nghị, đề xuất về việc tăng phúc lợi xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội. Cùng với đó, tổ chức hội nghị người lao động theo quy định để phản ánh với chủ sử dụng lao động, nhằm dành những khoản phúc lợi tốt nhất cho người lao động, đặc biệt là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn” - ông Ngô Thế Anh chia sẻ.