Theo ghi nhận, mức lương bình quân 8 giờ/ngày của công nhân lao động tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương chỉ từ 5-6 triệu đồng, bao gồm mức lương tối thiểu vùng và tiền phụ cấp.
Ông Trương Văn Phỉ - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN Bến Cát cho biết, với mức lương trên chỉ đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của bản thân người lao động, họ không có dư để tích lũy và không thể chăm lo cho con cái, gia đình.
Để đủ tiền trang trải cả gia đình, người lao động phải tăng ca thêm mới đạt được tổng thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Ông Trương Văn Phỉ nhận định, với mức thu nhập thêm từ tăng ca thì người lao động mới có thể lo được một phần cho con cái, cha mẹ và cũng chỉ ở mức sinh hoạt tối thiểu. Tuy nhiên, bản thân người lao động phải làm việc nhiều hơn, tăng ca nhiều, không nghỉ làm để đảm bảo không bị cắt tiền chuyên cần.
Tại thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương, thông thường các doanh nghiệp trả mức lương thấp nhất cao hơn mức lương tối thiểu vùng khoảng 5-7%.
Theo ông Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Tân Uyên, với mức lương tối thiểu thì người lao động không đủ sống. Để có thể trang trải, người lao động phải trông chờ vào các khoản phụ cấp (nhà trọ, xăng xe, chuyên cần...). Bên cạnh đó, phải tăng ca để có tổng thu nhập mỗi tháng từ 7-9 triệu đồng/tháng. Với mức này thì người lao động tại thị xã Tân Uyên cũng chỉ đủ sống.
Chị Bùi Thị Thía (36 tuổi, quê An Giang) chia sẻ: "Tôi làm việc trong công ty may mặc tại thị xã Bến Cát, tháng nào không tăng ca thì chỉ được từ 5,6-6 triệu đồng. Tháng nào có tăng ca thì mới được từ 7,5-9 triệu đồng. Với số tiền này, phải chi tiêu tiết kiệm thì mới đủ sống. Mỗi tháng chỉ có lương cơ bản thì không đủ sống đâu, còn con cái và mẹ già ở quê nữa. Mỗi tháng chi tiêu rồi phải dư được 2-3 triệu đồng gửi về quê".