Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 6 nhóm nội dung chính đó là: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Tính đến ngày 1.7, toàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập được gần 1.700 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở với hơn 5.000 thành viên.
Ngày 2.7, trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, mức hỗ trợ hàng tháng và các chế độ hỗ trợ khác đối với người tham gia Tổ bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 7.6.2024 của HĐND tỉnh Ninh Bình.
Mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đối với tổ trưởng là 1,5 triệu đồng/người/tháng; tổ phó là 1,3 triệu đồng/người/tháng và tổ viên là 1,1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là 25% trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Hỗ trợ 50% trên mức đóng BHYT hằng tháng theo quy định đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở trừ trường hợp người đang được hưởng chế độ BHYT thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng.
Mức bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở khi được cử đi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ được hưởng bồi dưỡng bằng 1 giờ ngày làm việc bình thường và không quá 300 giờ/người/năm.
Khi thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng là 80 nghìn đồng/người/ngày, không quá 10 ngày/người/tháng.
Trường hợp thực hiện các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng là 100 nghìn đồng/người/ngày và không quá 10 ngày/người/tháng.
Ngoài ra, khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm là 50 nghìn đồng/người/ngày và không quá 10 ngày/người/tháng.