Mua nhà - ước mơ xa vời của công nhân

lê phương - Bảo Hân |

Nhiều lao động phải để con nhỏ ở quê cho người thân, xuống thành phố làm công nhân mong muốn có tiền trang trải cuộc sống, gửi về cho con ăn học. Với đa số công nhân, lo đủ ăn, đủ mặc, lo cho con học hành,... là đã quá sức; ước mơ có mái nhà, an cư lạc nghiệp ở thành phố là điều... bất khả thi.

Sống khổ sở trong phòng trọ chật chội 

Sáng 29.9, chị Thào Thị Dua ngồi một mình trong căn phòng trọ chật chội ở đội 4, thôn Sơn Đồng, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Chiếc giường kê đã chiếm gần hết diện tích của căn phòng ẩm thấp, tường đã ngả màu. Góc nhà có 2 mớ rau, vài quả cà chua và thùng mì tôm; góc khác kê bếp nấu ăn. Đây là nơi ăn ở của vợ chồng chị Dua từ khi rời quê.

Ở quê, làm nương rẫy không có thu nhập nên tháng 4.2021, chị Dua và chồng, theo lời tư vấn của người chị họ, xuống khu công nghiệp Phú Nghĩa để mưu sinh. Thuê căn phòng trọ giá 500.000 đồng/tháng, vợ chồng chị Dua gửi đơn xin việc vào một công ty may.

Thử việc được gần 1 tháng, do sức khoẻ yếu, chậm chạp, không đáp ứng được hiệu suất, chị Dua không được ký hợp đồng chính thức. Sau đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị càng khó xin việc hơn. “Các công ty trong khu công nghiệp này hiện không tuyển lao động thời vụ, còn nếu xin làm việc chính thức thì phải có hồ sơ xin việc, trong khi tôi chưa thể về xã để chuẩn bị được. Đến giờ, xe khách liên tỉnh vẫn chưa nối lại” - chị Dua giãi bày.

Không có việc làm, không có thu nhập, mọi trang trải trong nhà và tiền gửi về quê 2 triệu đồng mỗi tháng trông chờ vào thu nhập của chồng chị Dua. Tháng 7, 8, chồng chị Dua phải nghỉ làm khiến cuộc sống càng chật vật. Tháng 9, chồng chị đi làm giờ hành chính, thu nhập còn khoảng 5-6 triệu đồng. “Có thời điểm, vợ chồng tôi chỉ ăn hai bữa sáng và tối để tiết kiệm. Cả 2 vợ chồng chỉ còn vài triệu đồng trong tài khoản nên tôi phải tính toán từng ly từng tí”, chị Dua cho hay.

Khi được hỏi về giấc mơ có một ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”, chị Dua cười, coi đó là một điều viễn tưởng. “Nếu cả 2 vợ chồng đều có công việc ổn định, thu nhập tốt thì có thể tôi cũng nghĩ đến việc mua nhà, đón con xuống sum họp. Với tình cảnh như hiện nay thì...”, chị Dua thở dài, bỏ dở câu nói. Ở quê, vợ chồng chị Dua vẫn đang ở cùng nhà với bố mẹ.

Ở gần phòng trọ của chị Dua là phòng của vợ chồng chị Ma Thị Hoa. Quê ở Tuyên Quang, chị Hoa lấy chồng ở Bắc Ninh rồi cả 2 “phiêu dạt” đến đây làm công nhân được nửa năm nay. “Nếu tăng ca đầy đủ, thu nhập của tôi được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Vừa rồi, do dịch nên tôi phải nghỉ làm từ ngày 27.7, ngày 5.9 mới đi làm trở lại. Thời gian nghỉ việc, thu nhập của tôi chỉ được khoảng 4 triệu đồng/tháng” - chị Hoa cho hay. Chồng chị Hoa cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Bà Hà Thị Biên, chủ của khu nhà trọ cho biết, khu nhà có 13 phòng, phòng nhỏ có giá 400.000 đồng/tháng; phòng lớn 500.000 đồng/tháng. Vừa rồi, bà Biên phải giảm tiền thuê trọ để chia sẻ với công nhân. “Đến tiền thuê trọ thời gian vừa rồi công nhân còn kêu, mong được giảm, thì nói gì đến việc mua nhà” - bà Biên nói.

Tạm quên mơ ước

Chị Nguyễn Thị Bảy, 38 tuổi, quê huyện Hà Trung (Thanh Hóa) làm công nhân may tại một công ty trong Khu công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) 6 năm nay. Trong 6 năm đi làm, chị Bảy nói lương chỉ đủ thu vén mua thức ăn, trả tiền điện nước, sinh hoạt cho gia đình 4 người. “Tháng nào chồng em đi công trình gần nhà, hay về thì thậm chí lương không đủ mua thức ăn”. Là bởi, nếu chồng không về, chị và 2 đứa con ăn uống đơn giản hơn.

Chồng chị Bảy chung tiền với bạn, nhận khoán các công trình xây dựng quy mô nhỏ, chủ yếu là nhà dân. Thu nhập của chồng mỗi tháng khoảng 20-25 triệu đồng nhưng chị Bảy nói chồng phải dành dụm để lo công việc, mua vật tư hoặc phòng khi thợ cần ứng tiền đột xuất, mỗi tháng anh đưa thêm cho vợ 5 triệu đồng lo cho con học hành. “Để tiết kiệm, em xin cho 2 con học trường công ngay trong làng Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Em cũng mới xin làm bộ phận hành chính của công ty, mỗi tuần có 1,5 ngày nghỉ. Tận dụng ngày nghỉ, em nhập hải sản ở Thanh Hóa lên bán cho người dân trong vùng, cũng kiếm thêm chút tiền phụ lo con ăn học”, chị Bảy nói.

Hiện, gia đình chị Bảy cùng gia đình 1 người bạn thuê căn nhà liền kề trong làng Yên Xá. Nhà 4 tầng, chia ra mỗi gia đình 2 tầng. Dù sinh hoạt có nhiều bất tiện, nhưng chị Bảy nói, với giá thuê 8 triệu đồng/tháng, hai gia đình chia nhau thì đỡ hơn việc đi thuê nhà riêng gần đó, giá từ 5,5-6 triệu đồng/tháng. Được hỏi về chuyện mua nhà, chị Bảy thở dài: “Vợ chồng em chưa dám nghĩ đến, dù đó là ước mơ cháy bỏng. Bao năm làm ăn, tích góp được vài trăm triệu, nhưng mua nhà tiền tỉ phải vay thêm. Rồi nghĩ đến gánh nặng lãi ngân hàng mỗi tháng, công việc của chồng em không may cần tiền đột xuất không biết xoay ở đâu ra, vợ chồng em lại tạm quên mơ ước...”.

Chị Bảy cũng than thở việc gần 3 tháng nay, chồng chị nằm nhà vì các công trình xây dựng đình đốn. Ở quê, ông nội ốm, phải phẫu thuật, dù không về được nhưng chồng chị mới gửi về 30 triệu đồng, góp cùng anh em để lo cho bố. “Chồng em thì chưa biết bao giờ mới đi làm trở lại, em cũng chỉ còn gần 4 triệu tiền lương/tháng do giãn việc ở công ty. Nếu có thêm người thân đau ốm, có khi tiền tiết kiệm cũng chẳng còn. Ráo mồ hôi là đói, thì ước mơ nhà cửa gì nữa...”, chị Bảy nói như khóc.

Cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân KCN, đến nay, cả nước có gần 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.

* Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát: Nhà ở cho công nhân là nhu cầu có thật và nhu cầu lớn của các doanh nghiệp. Khi công nhân được tập trung về 1 nơi, đảm bảo an toàn là điều kiện rất tốt hiện nay. Tuy nhiên, nhà ở công nhân chi phí vốn cao, chi phí tổng thể để hoàn thiện đang cao hơn chi phí thuê nhà trọ. Mô hình trên thế giới mà chúng tôi đang tìm hiểu là mô hình nhà nước xây và cho doanh nghiệp thuê.

* Ông Phan Văn Chính - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO): Về phát triển nhà ở cho người lao động, Handico có khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 tại Nhơn Trạch - Đồng Nai (quy mô 445ha), thời điểm năm 2013 lãnh đạo Bộ Xây dựng - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng có chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân, chúng tôi đã cắt ra 10ha đất để xây 3.530 căn hộ cho người lao động, có đầy đủ tiện ích, nhà trẻ, bể bơi, công viên... Chúng tôi rất mong Chính phủ có thể nghiên cứu, vận dụng, cho phép điều chỉnh một phần khu đất nào đó trong khu công nghiệp để xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc này tạo ra nhiều thuận lợi cho công nhân, mang lại hiệu quả khi người công nhân làm việc gần.

* Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban, Ban quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng: Tôi rất mừng Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế lần này đã đưa vào trách nhiệm xây dựng nhà ở cho công nhân đối với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên chúng ta cần xác định, không phải khu công nghiệp nào khi xây dựng cũng có khu nhà ở cho công nhân. Chúng ta có thể thiết lập một số cụm khu công nghiệp gần nhau có 1 khu nhà ở cho công nhân. Chúng ta cần linh hoạt hơn, nhà đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm phải đóng 1 khoản tiền nhất định để hình thành quỹ nhà ở cho công nhân; hoặc họ thực hiện xây dựng trên đất theo quy hoạch UBND cấp tỉnh bố trí...

* Ông Vương Duy Dũng - Trưởng phòng Thông tin thống kê, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng: Việc phát triển các khu công nghiệp cần gắn với phát triển kỹ thuật hạ tầng xã hội, đặc biệt là dịch vụ đồng bộ cho công nhân là rất cần thiết. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó có quy định về phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân các khu công nghiệp.


lê phương - Bảo Hân
TIN LIÊN QUAN

Nhà ở công nhân: Khi mua nhà chỉ là... mơ ước

LƯƠNG HẠNH |

Kể cả khi thu nhập trung bình thuộc mức ổn, nhiều công nhân vẫn không dám nghĩ rằng ngày nào đó họ sẽ mua được 1 căn nhà ở Hà Nội để sinh sống lâu dài.

Công nhân khu công nghiệp: "Có 20 triệu sao dám mơ mua nhà"

Minh Phương |

"Nếu muốn mua nhà 1 tỉ đồng thì phải có 50-70% rồi vay thêm ngân hàng. Tôi chỉ có 20 triệu đồng sao dám mơ mua nhà" - anh Ngô Văn Ích - công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ khi chúng tôi hỏi về nguyện vọng mua nhà.

Nhà ở công nhân: 10 năm nhọc nhằn tiết kiệm vẫn phải thuê phòng trọ bí bách

LƯƠNG HẠNH |

Nhiều công nhân Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đã chật vật sống những năm qua trong căn phòng trọ chật chội, bí bách. Họ không dám ước mơ xa xỉ một chỗ ở tốt hơn với đồng lương bèo bọt của mình...

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Nhà ở công nhân: Khi mua nhà chỉ là... mơ ước

LƯƠNG HẠNH |

Kể cả khi thu nhập trung bình thuộc mức ổn, nhiều công nhân vẫn không dám nghĩ rằng ngày nào đó họ sẽ mua được 1 căn nhà ở Hà Nội để sinh sống lâu dài.

Công nhân khu công nghiệp: "Có 20 triệu sao dám mơ mua nhà"

Minh Phương |

"Nếu muốn mua nhà 1 tỉ đồng thì phải có 50-70% rồi vay thêm ngân hàng. Tôi chỉ có 20 triệu đồng sao dám mơ mua nhà" - anh Ngô Văn Ích - công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ khi chúng tôi hỏi về nguyện vọng mua nhà.

Nhà ở công nhân: 10 năm nhọc nhằn tiết kiệm vẫn phải thuê phòng trọ bí bách

LƯƠNG HẠNH |

Nhiều công nhân Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đã chật vật sống những năm qua trong căn phòng trọ chật chội, bí bách. Họ không dám ước mơ xa xỉ một chỗ ở tốt hơn với đồng lương bèo bọt của mình...