Do vậy, mong muốn của nhiều lao động trẻ là được hưởng lương hưu ngay khi đóng đủ mức tối đa.
Chị Phạm Thị Loan (28 tuổi) - công nhân tại Thái Nguyên cho biết, chị đi làm, đóng bảo hiểm xã hội từ năm 19 tuổi. Hiện tại, chị đã đóng bảo hiểm được 9 năm, cố gắng thêm 21 năm nữa hoàn toàn có thể nếu công ty không sa thải.
“Công việc ở đây không quá vất vả, tăng ca ít, mùa hè không nóng bức vì có điều hòa. Thu nhập so với mặt bằng chung khá cao, hiện tại tôi chỉ tăng ca 1 tiếng/ngày, nghỉ thứ 7, chủ nhật do đang hưởng chế độ con nhỏ nhưng lương cũng đã 9 triệu đồng/tháng” - chị Loan cho hay.
Chị Loan lý giải thêm về mong muốn được nghỉ hưu sớm khi đóng đủ năm bảo hiểm xã hội đó là ở độ tuổi 49 mắt đã kém, tay đã chậm khó đáp ứng công việc đồng thời sợ công ty sa thải. Ở độ tuổi 49-50, theo nữ công nhân, cơ hội tìm việc làm mới gần như bằng 0.
Chị Loan tính toán, khi đóng đủ 30 năm xã hội để hưởng tối đa tỷ lệ lương hưu, chị vẫn phải chờ thêm hơn chục năm mới được hưởng lương hưu là một thiệt thòi rất lớn.
"Mục tiêu tham gia 30 - 35 năm bảo hiểm xã hội người lao động đã được đáp ứng thì cũng nên có cơ chế mở về tuổi nghỉ hưu. Khi không thể kiếm ra thu nhập ở tuổi gần xế chiều, thiết nghĩ Nhà nước nên tạo điều kiện để lao động có đồng hưu để trang trải cuộc sống" - chị Loan nói.
Cùng quan điểm với chị Loan, chị Nguyễn Quỳnh Dương (27 tuổi, Hà Nam) khẳng định: “Công nhân làm liên tục 30 năm thì 45 tuổi đã kiệt sức rồi chứ đừng nói cố đến 60 tuổi”. Hiện tại, chị Dương đã đi làm, đóng bảo hiểm xã hội được hơn 9 năm.
Theo nữ công nhân trẻ, sức bền của người lao động chân tay thấp hơn so với lao động trí óc. 30 năm đi làm là một quá trình rất dài, hao mòn quá nhiều sức lao động. Về già, người lao động chân tay thường xuyên bị các cơn đau hành hạ. Lúc đó, dùng tiền cũng chưa chắc đổi được sức khỏe.
“Nếu tôi nghỉ việc sớm ở tuổi 48 khi đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội nhưng không có lương hưu, không có tiết kiệm, lúc đó tôi phải làm gì để sống? Không lẽ tôi phụ thuộc vào con cái cho đến tận 60 tuổi” - chị Dương tâm sự.
Chị Dương mong muốn Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất với những lao động đóng đủ 30 - 35 năm theo quy định. Cụ thể, nữ công nhân đề xuất: 50 tuổi là con số tối đa và hợp lý để bắt đầu hưởng lương hưu.
Khi phóng viên đặt vấn đề nếu nghỉ hưu sớm trước tuổi nhưng bị trừ % mức hưởng lương hưu, cả chị Loan và chị Dương đều từ chối, không đồng ý. Theo chị Loan, quy định này chỉ nên áp dụng với những người đóng đủ 20 năm rồi nghỉ. Với những người đóng đủ 30 - 35 năm, họ đã hoàn thành trách nhiệm cao nhất với bảo hiểm xã hội rồi thì hãy giữ nguyên mức hưởng tối đa cho họ.