Trợ cấp thai sản tạo nên tính nhân văn của luật
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, chị Nguyễn Lý Thục Nhi, đoàn viên Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện nay tỉ lệ bao phủ của chính sách thai sản đối với lao động nữ rất thấp, chỉ khoảng 30%.
Theo quy định hiện tại chỉ có người lao động tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, khoảng 70% lao động nữ không có chế độ thai sản, nghĩa là, họ và gia đình không có nguồn thu nhập thay thế trong thời gian phụ nữ nghỉ làm việc để sinh con.
“Tôi mong Quốc hội xem xét có chính sách trong việc sửa đổi Luật BHXH lần này, để người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản” - chị Nhi nói.
Là chủ tịch công đoàn của một doanh nghiệp tại quận Thanh Khê, ông Phạm Công Lợi cũng đồng tình với việc Luật BHXH cần việc bổ sung chế độ hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với người lao động nộp BHXH tự nguyện.
“Điều này hoàn toàn phù hợp và mang tính nhân văn. Bởi lẽ đối với một số lao động nữ khi làm việc tại các doanh nghiệp, được đóng BHXH bắt buộc, nhưng vì nhiều lý do doanh nghiệp không đóng BHXH cho lao động nữ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi họ sinh (do doanh nghiệp khó khăn, đóng không đúng quy định...).
Hơn nữa, tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là sau đợt dịch bệnh, số lượng người lao động thất nghiệp nhiều trên cả nước, việc lao động không thể xin việc nhưng có khả năng đóng BHXH tự nguyện để đảm bảo các quyền lợi không bị ngắt quãng là việc làm thiết thực có lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ mang thai. Vậy thì việc được nhận tiền thai sản là khoản chi phí vô cùng hữu ích để người lao động trang trải cuộc sống trong thời gian chăm sóc con nhỏ” - ông Lợi chia sẻ.
Tăng thời gian nghỉ khám thai và chăm sóc con nhỏ
Không chỉ có chế độ thai sản, liên quan đến chế độ cho lao động nữ, chị Nguyễn Thị Diệu Hà, nhân viên Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng nêu thực tế, hiện nay, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Nhưng, thực tế khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày, tức là khoảng 9 lần trong suốt thời gian thai kỳ.
Bên cạnh đó, về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau Luật BHXH chỉ quy định những trường hợp có con dưới 7 tuổi ốm đau cha mẹ mới được nghỉ. Trong khi độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi và khi các cháu ốm đau hoặc bị bệnh phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cha mẹ vẫn phải nghỉ việc để chăm con ốm.
“Tôi mong Quốc hội xem xét, quy định tăng số lần khám thai cho lao động nữ lên 9 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho người lao động được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi, đồng thời bổ sung Luật BHXH về chính sách cho người lao động có con đến dưới 16 tuổi ốm đau cũng được nghỉ việc để chăm sóc con” - chị Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đánh giá, những ý kiến của người lao động góp ý cho dự thảo Luật BHXH là những vấn đề rất thực tế. Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ ghi nhận tất cả nội dung để có ý kiến với Quốc hội.