Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Mỗi người lao động đều là tài sản vô giá của doanh nghiệp

Thu Trà thực hiện |

Để doanh nghiệp phát triển bền vững cần xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của mối quan hệ này là doanh nghiệp phải thực sự coi mỗi người lao động là tài sản vô giá của mình và mỗi người lao động đều phải thấy trách nhiệm của bản thân với doanh nghiệp. Đó cũng chính là một trong những trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Công đoàn đã đồng hành để giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội như thế nào?

Báo Lao Động đã phỏng vấn Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10).

Trách nhiệm xã hội là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, của cộng đồng theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội. Ở đây, có thể thấy người lao động là nhân tố vô cùng quan trọng của doanh nghiệp. Chủ tịch có nhận xét gì về việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động? Thời gian qua Công đoàn đã đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thế nào?

- Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Trước hết, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện mọi quyền của người lao động theo đúng quy định của pháp luật như đảm bảo chế độ lương thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động… Còn về góc độ nhân văn thì việc thực sự coi người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp được thể hiện ở các chính sách, chế độ của riêng doanh nghiệp dành cho người lao động. Thực tế cho thấy ở doanh nghiệp nào chăm lo cho lực lượng lao động thì sẽ có nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển.

Để cùng với doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt là trong công tác chăm lo cho người lao động, hướng tới mục tiêu cao nhất là việc làm, thu nhập, sức khỏe, đời sống tinh thần cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Đơn cử như hoạt động “Cảm ơn người lao động” trong Tháng Công nhân hàng năm. Từ khi Công đoàn đưa hoạt động này vào hướng dẫn các cấp Công đoàn tổ chức, thực hiện Tháng Công nhân, đến nay hoạt động này đã lan toả, từng bước trở thành nề nếp. Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, chú trọng những điều khoản có lợi cho người lao động, nhất là những vấn đề thiết thân như tiền lương, phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc... Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của Công đoàn sát cánh cùng người lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định đời sống người lao động. Chương trình cũng thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần công nhân, lao động. Từ đó động viên, khuyến khích công nhân lao động thi đua lao động sản xuất, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao tay nghề, có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Thời gian qua, các cấp công đoàn đã tham mưu, phối hợp tổ chức hàng nghìn cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động và chủ doanh nghiệp, đặc biệt Tổng LĐLĐVN đã tham mưu Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, năm 2022, đúng kỷ niệm 1 năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”,  Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp và trực tuyến với 4.500 công nhân, lao động tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu đối với những khó khăn, vất vả của công nhân, lao động, nhất là những ảnh hưởng nặng nề sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19; kịp thời động viên công nhân, lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng; tạo động lực để công nhân, lao động tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp, cho đất nước.

Tổng LĐLĐVN khởi xướng, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” (trước đây là bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”) nhằm tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực chăm lo quyền lợi vật chất, tinh thần của người lao động, tích cực cải thiện môi trường làm việc cho người lao động để họ phát huy được khả năng làm việc tốt nhất, hướng tới mục tiêu cả doanh nghiệp và người lao động đều phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà cho người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà cho người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Chưa bao giờ tinh thần “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân” được nhấn mạnh như hiện nay, nhất là trong bối cảnh tất cả cùng phấn đấu khôi phục kinh tế, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thưa Chủ tịch, với vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức Công đoàn đã làm những gì để đưa tinh thần này vào mỗi hoạt động của người lao động và doanh nghiệp?

- Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, ngày 6.9.2021, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Thông qua Phong trào thi đua này, Tổng LĐLĐVN kêu gọi đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức và người lao động cả nước phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID – 19. Đồng thời, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch.

Với tinh thần “Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ” đồng cam, cộng khổ, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, địa phương và đất nước; hỗ trợ, giúp đỡ nhau, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tích cực tham gia lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt góp phần sớm ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống; không bị kích động, lôi kéo, gây rối và thực hiện các hành vi trái pháp luật. “Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên” với việc Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch COVID-19 và trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, bảo vệ nhà máy tuyệt đối an toàn…

Cụ thể hóa Phong trào thi đua đặc biệt này, ngày 15.12.2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Kết thúc giai đoạn 1 qua 140 ngày, Chương trình đã có 696.948 sáng kiến tham gia, đạt 232,3% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, mở ra kỳ vọng sẽ đạt chỉ tiêu 1 triệu sáng kiến ngay trong năm 2022. Kết quả này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Công đoàn, của CNVCLĐ cả nước trong việc thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023”. Xin Chủ tịch cho biết những nội dung chính của chương trình và ý nghĩa đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

- Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Để cụ thể hóa thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình đối thoại với các đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam cũng như Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã xây dựng và ban hành Chương trình số 1306/CTr-TLĐ ngày 15/8/2019 “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023”. Mục tiêu của Chương trình là tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hăng say lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và sự lớn mạnh của cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Công đoàn phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; thực hành tiết kiệm; nâng cao nhận thức của người lao động về biến đổi khí hậu; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Chương trình đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó có những nội dung thiết thực, gắn với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, NLĐ, các cấp công đoàn nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Công đoàn tham gia đầy đủ, có chất lượng, góp ý bằng văn bản với các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và chính quyền các cấp xin ý kiến. Tích cực tham gia và nâng cao chất lượng công tác thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại với người sử dụng lao động.

Đồng thời, chủ động công tác thông tin, đối thoại và tham gia các diễn đàn về chính sách lao động ở ngành, địa phương. Phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và kiến nghị kịp thời các giải pháp khắc phục. Làm tốt công tác tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, cốt lõi là tạo được sự hài hòa lợi ích vật chất giữa NLĐ và DN trên nền tảng hợp tác và tôn trọng.

Phát động, tổ chức thực hiện chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, NLĐ gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, DN và từng cá nhân. Công đoàn các cấp tập trung đầu tư phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, đẩy mạnh hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ phát động như “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của DN vì việc làm, đời sống của đoàn viên, NLĐ”…

Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ vào nội dung thương lượng để xác định trong thỏa ước lao động tập thể, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế số. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo của Công đoàn Việt Nam, gắn kết với nhu cầu giữa nhà trường và DN, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt việc chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ.

Các nội dung nói trên của Chương trình được Công đoàn các cấp triển khai cụ thể, phù hợp với điều kiện đơn vị nhằm đồng hành và tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với người lao động.

Nói đến “đồng hành”, Chủ tịch có thể nói rõ hơn về việc Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động, tạo động lực làm việc hiệu quả, thưa Chủ tịch?

- Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Nhận thức đúng đắn về việc chăm lo tốt cho người lao động là động lực trực tiếp giúp đoàn viên, người lao động sáng tạo, gắn bó với doanh nghiệp. Những năm qua các cấp công đoàn đã chủ động tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động và các nhà hảo tâm đổi mới hình thức và cách thức triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ. Các cấp công đoàn phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, với chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên” thông qua các hoạt động cụ thể của tổ chức Công đoàn, nhằm tăng thêm lợi ích cho đoàn viên và người lao động. Thương lượng với người sử dụng lao động cam kết bảo đảm cho người lao động có “Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”, nâng giá trị và chất lượng bữa ăn ca cho công nhân lao động. Tích cực lựa chọn, thương lượng, ký kết các thỏa thuận với đối tác, nhằm mang đến cho đoàn viên công đoàn nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Chú trọng thương lượng, ký kết với các doanh nghiệp tại địa phương, trong ngành có các sản phẩm, dịch vụ thực sự tiện ích với người lao động để gia tăng lợi ích thiết thực cho đoàn viên.

Bên cạnh đó, đẩy  nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho đoàn viên công đoàn, người lao động tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đổi mới phương thức tổ chức, cách thức vận động, huy động các nguồn lực để duy trì và phát triển các Chương trình “Tết Sum vầy”, Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, “Tháng Công nhân”, có chính sách xem xét, ưu tiên đối tượng là đoàn viên công đoàn khi triển khai thực hiện Chương trình. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình: Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, Quỹ xã hội của các ngành, địa phương, Chương trình, dự án tài chính vi mô... để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho đoàn viên và người lao động; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID19 trong hai năm 2020, 2021 vừa qua. Từ các hoạt động kể trên đã có hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng với số tiền hàng nghìn tỉ đồng.   

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), Chủ tịch muốn chia sẻ điều gì với các doanh nhân?

- Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Doanh nghiệp và người lao động có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Doanh nghiệp phát triển thì người lao động có việc làm, thu nhập ổn định và ngược lại người lao động có chất lượng, gắn bó - là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì thế, tổ chức Công đoàn Việt Nam và cá nhân tôi luôn mong doanh nghiệp ngày càng phát triển, đội ngũ doanh nhân ngày càng thành đạt, gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp; mong mỗi doanh nhân cần thấy rõ trách nhiệm của cá nhân, của doanh nghiệp đối với xã hội, đặc biệt là đối với người lao động. Bởi mỗi người lao động đều là tài sản vô giá, là nguồn lực của doanh nghiệp; muốn tài sản vô giá đó phát huy được sức mạnh, giá trị thì cần coi trọng, chăm lo với tinh thần nhân văn thông qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật và chế độ phúc lợi của doanh nghiệp dành cho người lao động.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang!

Thu Trà thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Thị trường lao động nhộn nhịp, doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng

ANH THƯ |

Thị trường lao động trên đà phục hồi, số lao động có việc làm tăng lên rõ rệt. Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp sản xuất.

Tuyên dương 85 doanh nghiệp đóng góp nhiều cho tổ chức Công đoàn

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngày 11.10, LĐLĐ TP.Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị tuyên dương 85 doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho tổ chức công đoàn giai đoạn 2017-2022.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, người lao động

Hoài Luân |

Phú Yên - Hưởng ứng Chuyển đổi số quốc gia, ngày 10.10 tỉnh Phú Yên tổ chức lễ công bố và giới thiệu nền tảng số phục vụ doanh nghiệp.

Bất ngờ với khoản doanh thu tượng trưng tại Linh Quang Điện

NHÓM PV |

Sau 3 năm thành lập, Công ty Cổ phần Linh Quang Điện của người tự xưng mình là thầy Cao Anh đã tăng vốn từ 2,5 tỉ đồng lên 99 tỉ đồng, đi kèm với đó là sự tăng trưởng ấn tượng của tài sản. Thế nhưng, doanh thu trong năm 2020 tại doanh nghiệp chỉ khoảng 500 triệu đồng và hơn 1 tỉ đồng năm 2021.

Tin tức 24h: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh vào cuối tuần

Thế Kỷ |

Tin tức 24h: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh vào cuối tuần; Xử lý người chuyển tiếp cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng Bộ Công an; "Siêu lừa gặp siêu lầy" đạt top 1 doanh thu với hơn 360.000 vé bán ra...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo khẩn sau vụ 2 cô giáo đánh trẻ 17 tháng tử vong

Vân Trang |

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đề nghị địa phương tăng cường quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt đối với giáo dục mầm non ngoài công lập sau vụ 2 cô giáo đánh bé trai 17 tháng tử vong.

Cảnh báo khẩn về nạn lừa đảo phụ huynh chuyển tiền gấp vì con bị cấp cứu

HUYÊN NGUYỄN |

TPHCM - Chỉ vài ngày qua, nhiều phụ huynh tại TPHCM đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho những đối tượng lừa đảo với cùng 1 chiêu thức con đi cấp cứu, cần chuyển tiền gấp.

Dự kiến chi hơn 256 tỉ đồng bảo tồn, tôn tạo di tích nhà tù Côn Đảo

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Chiều 6.3, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã biểu quyết thống nhất thông qua Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà tù Côn Đảo.

Thị trường lao động nhộn nhịp, doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng

ANH THƯ |

Thị trường lao động trên đà phục hồi, số lao động có việc làm tăng lên rõ rệt. Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp sản xuất.

Tuyên dương 85 doanh nghiệp đóng góp nhiều cho tổ chức Công đoàn

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngày 11.10, LĐLĐ TP.Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị tuyên dương 85 doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho tổ chức công đoàn giai đoạn 2017-2022.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, người lao động

Hoài Luân |

Phú Yên - Hưởng ứng Chuyển đổi số quốc gia, ngày 10.10 tỉnh Phú Yên tổ chức lễ công bố và giới thiệu nền tảng số phục vụ doanh nghiệp.