Chủ động tìm việc làm cho người lao động vùng khó khăn
Ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk - cho hay, đơn vị đang phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện Ea Súp, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn và M’Drắk... tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động.
Tại mỗi địa phương, cơ quan chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động trực tiếp tại 3 buôn tập trung đông người dân tộc thiểu số chưa có việc làm ổn định.
Theo ông Lý, cán bộ Trung tâm tập trung tuyên truyền phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cung cấp thông tin thị trường lao động trong nước, ngoài nước. Trên cơ sở đó, người lao động lựa chọn công việc phù hợp. Cơ quan chức năng còn hướng dẫn các nội dung làm hồ sơ để họ ứng tuyển vào các vị trí công việc phù hợp.
Ngoài ra, một số đơn vị, doanh nghiệp uy tín được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk để giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. Điểm đặc biệt ở các hội nghị này là tất cả những nội dung phổ biến được phiên dịch từ tiếng Việt sang Ê đê để bà con dễ nắm bắt đầy đủ, trọn vẹn thông tin.
Chị H’Ban Niê (huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Chồng tôi làm công nhân xây dựng lương không đủ nuôi 3 con nhỏ. Tôi đã đi học thêm nghề may để xin vào làm cho một doanh nghiệp, mức lương mong muốn từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng”.
Theo chị H’Ban Niê, việc cơ quan chức năng tổ chức sự kiện tìm việc làm ở tận các thôn, buôn giúp ích rất nhiều cho người lao động đang thất nghiệp tại địa phương. Bởi lẽ, nhiều người do ở vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên thường có tâm lý lười đi đến cơ quan chức năng tìm hiểu thị trường việc làm. Hoạt động này cũng giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và mở ra cơ hội việc làm, từng bước ổn định cuộc sống.
Tập trung đào tạo lao động có tay nghề
Trong tháng 7.2024, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức một chương trình “Ngày hội việc làm” và 6 “Phiên giao dịch việc làm” lưu động. Đã có 36 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động giao dịch việc làm với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 9.903 người.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, lao động khu vực nông thôn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có tâm lý thích làm việc tại địa phương, gần nhà. Do đó, lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động khu vực này.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để trang trải các chi phí ban đầu. Tuy nhiên, người lao động thuộc các đối tượng này vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Nhận thức về giáo dục nghề nghiệp của người dân, xã hội và doanh nghiệp có chuyển biến nhưng chưa sâu rộng trong lựa chọn ngành nghề, học nghề và sử dụng lao động.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, gắn với định hướng và nhu cầu phát triển nền kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng tăng cường tuyển sinh các nghề trọng điểm, các nghề được chuyển giao từ Úc hoặc đã được đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài nhằm bảo đảm lao động tìm kiếm việc làm ổn định.