Tham dự có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu; Phó Chủ tịch CNV Willem Jelle Berg; đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; đại diện Tổ chức May mặc Công bằng (Fair Wear Foundation); đại diện một số doanh nghiệp (DN) may mặc tại Hưng Yên. Tại buổi tọa đàm, các bên đã trình bày mô hình đối thoại xã hội tại Hà Lan và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam; tọa đàm về kết quả nghiên cứu, khảo sát mô hình đối thoại xã hội tại Hà Lan và thí điểm xây dựng thỏa ước nhóm DN dệt may tại Hưng Yên.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đánh giá đối thoại xã hội, thương lượng tập thể như một phần của văn hóa Hà Lan; đây là một trong những phương thức để Hà Lan phát triển bền vững, hài hòa, thân thiện, tôn trọng con người; đạt được những thành tích vượt bậc. Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, đối thoại xã hội sẽ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, ổn định nền kinh tế quốc gia. Buổi tọa đàm là một sự kiện có ý nghĩa nhân dịp Thủ tướng Hà Lan thăm Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, đối thoại giữa NLĐ - ban giám đốc Cty cùng TƯLĐTT nhóm DN có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, ví dụ điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ, năng suất lao động cao hơn cho người sử dụng lao động và nền kinh tế ổn định hơn về phía chính phủ. Nói cách khác, mục đích mà đối thoại hướng đến là tất cả các bên cùng có lợi. Đối với NLĐ và tổ chức CĐ, đối thoại giữa NLĐ - ban giám đốc Cty và thương lượng tập thể có thể mang lại những lợi ích cụ thể như: Điều kiện làm việc tốt hơn; tiền lương được cải thiện; được ký kết hợp đồng lao động và được đảm bảo các quyền lợi theo quy định của pháp luật và TƯLĐTT; có thể có cơ hội được đào tạo và phát triển chuyên môn; có việc làm ổn định.
Bà Tôn Kim Thúy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) - cho hay, LĐLĐ huyện đã mời một số DN may tham gia dự án; tổ chức các buổi tập huấn để từ đó tăng cường nhận thức về đối thoại xã hội tại DN. Sau 1 năm triển khai, dự án đào tạo được 16 giảng viên kiêm chức cả ở ba bên; xây dựng bộ tài liệu tập huấn về đối thoại xã hội,… Theo một NLĐ tại một Cty tham gia dự án, hiện CN có thể tiếp cận Ban quản lý dễ dàng. Điều này làm CN cảm thấy tiếng nói của mình luôn được lắng nghe và CN không còn muốn đình công nữa.
Chia sẻ về kinh nghiệm đối thoại xã hội của Hà Lan, các đại biểu tham gia dự án cho rằng, đó chính là phương thức tiếp cận từ dưới lên, theo đó tập hợp những đề xuất của các CNLĐ để đưa vào các thỏa ước nhóm. Bên cạnh đó, đối thoại xã hội được triển khai phải làm sao hai bên (người sử dụng lao động vào tổ chức đại diện NLĐ) cùng thắng, mang lại lợi ích của cả hai phía. Ngoài ra, DN luôn coi NLĐ và tổ chức CĐ là một đối tác để thường xuyên đàm phán, tìm tiếng nói tốt nhất giữa hai bên. CĐ cũng phải tương tác cùng NLĐ để tổng hợp được ý kiến của NLĐ, để CĐ thực sự có NLĐ ở đằng sau. Quá trình đối thoại xã hội sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.