Việc xác định mức sống tối thiểu các năm vừa qua do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đảm nhận. “Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ" là một trong những yếu tố quan trọng để xác định mức lương tối thiểu vùng. Khoản 3, Điều 91 Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây là vấn đề không có công thức chung nên những năm qua, mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về mức sống tối thiểu khác nhau. Ví dụ, vào năm 2018, khi xác định nhu cầu sống tối thiểu, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%); còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%). Chỉ với khác biệt này đã làm cho việc xác định nhu cầu sống tối thiểu giữa hai cơ quan chênh nhau hơn 300.000 đồng.
Trao đổi về nội dung này, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho rằng, rất cần có cơ quan độc lập để công bố mức sống tối thiểu nhằm đảm bảo tính độc lập, khoa học, khách quan, giảm thiểu những tranh luận không cần thiết của các bên.
“Kể cả giao cho bất kể bên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hay VCCI làm thì không đủ nguồn lực và điều kiện để làm được” - ông Tiến cho biết và đề xuất giao cho Tổng cục Thống kê tiến hành việc này.
Ông Tiến cho rằng, ở các nước, việc xác định mức sống tối thiểu có thể giao cho một viện nghiên cứu độc lập hoặc một trường đại học làm. “Về lý thuyết, có thể giao cho viện nghiên cứu hoặc một trường đại học tiến hành (nếu đủ điều kiện), nhưng về mặt thực tiễn, nguồn lực, cơ sở dữ liệu hiện có, con người và độ tin cậy uy tín thì vẫn nên giao cho Tổng cục Thống kê” - ông Tiến đề xuất.