Tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”

HOÀNG HOAN - TRẦN VƯƠNG - TẤT THẢO -TIẾN DŨNG |

Ngày 2.2, tại Hải Phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy Hải Phòng, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”.

16h30: Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - nhấn mạnh, tọa đàm hôm nay đã được nghe những trao đổi hết sức sâu sắc của các chuyên gia và đại biểu. Đây là 1 trong 12 hoạt động trọng tâm của Tổng LĐLĐVN trong năm nay. Rất mong các chuyên gia và các đại biểu sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, hoàn thiện…

Ảnh: Trần Vương
Ảnh: Trần Vương

16h15: Ông Phạm Đình Đảng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu:

Chương trình tọa đàm vô cùng ý nghĩa. Buổi tọa đàm diễn ra đúng ngày sinh nhật như một lẵng hoa kính dâng lên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Cuộc tọa đàm cũng diễn ra bên thềm kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa của Thành ủy Hải Phòng, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tạp chí Cộng sản.

Đồng chí Phạm Đình Đảng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu. Ảnh: Trần Vương
Ông Phạm Đình Đảng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Ông Phạm Đình Đảng bày tỏ sự xúc động trước sự đóng góp của các nhà khoa học, những người tâm huyết nghiên cứu về lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Ông cũng rất tâm đắc với một thế hệ thanh niên cách mạng Việt Nam còn rất trẻ tuổi, nhiệt thành, yêu nước.

Hội thảo này góp phần làm rõ hơn thân thế sự nghiệp, sự tỏa sáng tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng, giữ nước. Từ 25 tham luận của hội thảo này đã rút ra tinh thần yêu nước cao cả, sẵn sàng hy sinh vì phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Đây là điểm quan trọng trong lựa chọn xây dựng cán bộ CĐ trong tình hình hiện nay.

Cán bộ CĐ cần hòa mình vào NLĐ, cần thấu hiểu đời sống của CN từ đó đề ra phương pháp thích hợp, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của CĐ, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh.

16h05: Ông Trần Duy Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu về "Những hoạt động và đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với công tác tuyên truyền, vận động giai cấp công nhân".

 
Ông Trần Duy Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu. Ảnh: Trần Vương. 

Chịu ảnh hưởng tư tưởng chống Pháp từ người cha, trong thời gian học tại Nam Định, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng nhiều bạn học đã tham gia các phong trào chống Pháp. Năm 1926, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rời Nam Định lên Hà Nội.

Cuối năm 1927, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh từ Quảng Tây (Trung Quốc) về Hải Phòng. Cuối năm 1928, đồng chí viết cuốn “Tổ chức Công hội như thế nào” được phổ biến trong CNLĐ ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Thời kỳ làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết cuốn sách “Trả lời Kơrôtôme”, vạch trần bộ mặt cướp nước của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Tháng 4.1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp bắt giam. Những ngày ở Hỏa Lò, đồng chí đã tập trung viết cuốn “Gia đình và chủ nghĩa xã hội”, “Nói chuyện nước Tàu” và “Công nhân vận động".

Ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã xuất bản báo “Sao đỏ” và trực tiếp chỉ đạo Đoàn Thanh niên Hải Phòng xuất bản báo “Tia lửa”. Trong thời gian hoạt động ở Trung Kỳ (Nghệ An, Hà Tĩnh), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết rất nhiều tài liệu tuyên truyền đăng trên các báo “Người lao khổ”, “Tiến lên”, “Công nông binh”, “Chỉ đạo”, “Vô sản”, “Tin tranh đấu Trung kỳ”; chỉ đạo Tỉnh ủy Nghệ An xuất bản báo “Tiến lên”, “Nhà quê”, huyện Nghi Lộc xuất bản báo “Dân nghèo”, “Lao động”; “Công nông binh”, “Bước tới”, “Cổ động” ...

Ngày 28.7.1929, Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ được tổ chức tại Hà Nội. Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách, quyết định xuất bản báo Lao động và tạp chí Công hội Đỏ làm cơ quan ngôn luận và phương tiện tuyên truyền. Báo Lao Động ra đời ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khi vừa đảm nhận vị trí Tổng Biên tập, phóng viên, công nhân in và phát hành.

Theo ông Trần Duy Phương, lời văn truyền đơn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rất mộc mạc, đi vào lòng người. Ngôn từ truyền đơn rất dễ hiểu, và sau đó các phong trào đấu tranh của công nhân đã giành được nhiều thắng lợi, mặc dù các hoạt động truyền đơn, in ấn đều hoạt động trong vòng bí mật, nên công tác tuyên truyền rất khó khăn, nhưng đồng chí và đồng đội đã không quản ngại.

Phát huy những kinh nghiệm, những bài học quý báu của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong công tác tuyên truyền, vận động, hiện nay, tổ chức Công đoàn đã cơ bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, dạy nghề; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, những vấn đề đoàn viên, NLĐ quan tâm.

15h55: TS Nguyễn Văn Hùng – Phó trưởng Ban Dân vận TƯ trao đổi, nhấn mạnh: Hôm nay Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội thảo đúng vào ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và ngày mai khởi công Khu lưu niệm đồng chí đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mang ý nghĩa rất lớn.

Ảnh: TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương phát biểu. Ảnh: Trần Vương
TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Theo TS Nguyễn Văn Hùng, thông qua công tác nghiên cứu, một vấn đề trong thực tiễn là đi ở khắp nơi, công nhân thường hỏi tại sao Công đoàn thành lập trước cả Đảng Cộng sản. Sau khi nghiên cứu tôi thấy: Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đầu tiên nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá vào phong trào công nhân Việt Nam.

Thứ hai, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khởi động phong trào vô sản hóa, tham gia phong trào và tổ chức phong trào vô sản hóa. Đồng chí sử dụng phương pháp thích hợp đưa để đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước.

Thứ ba, đồng chí gây dựng các tổ chức Công hội đầu tiên và tham gia sáng lập tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ.

Về những giá trị tư tưởng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để lại với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn hiện nay, ông Nguyễn Văn Hùng đánh giá: Đó là tấm gương yêu nước nồng nàn, lập trường giai cấp kiên định, hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính; là tấm gương của tinh thần tự chủ, sáng tạo trong hoạt động, rèn luyện; tấm gương về phẩm chất đạo đức, người cộng sản, được tôi luyện thông qua phong trào cách mạng; là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, phong cách cán bộ dân vận, công vận gương mẫu, trách nhiệm, luôn xây dựng niềm tin với Đảng, niềm tin với giai cấp công nhân Việt Nam.

Theo ông Hùng, tự hào tôn vinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân, nhân dân lao động cần tiếp tục rèn luyện, noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, xây dựng giai cấp công nhân trong sạch, vững mạnh.

15h35: Ông Trần Việt An – Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh Thái Bình: Công đoàn Thái Bình tri ân công lao to lớn của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu Nguyễn Đức Cảnh.

Sinh ra từ miền đất giàu bản lĩnh, ý chí, trưởng thành và nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hoá đồng bằng Bắc bộ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2.2.1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã đóng góp cho cách mạng Việt Nam rất nhiều công lao to lớn: Tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, là người đứng đầu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tham gia Xứ ủy Trung Kỳ...

Bất chấp mọi nguy hiểm gian lao, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ nỗ lực giữ vững tinh thần quần chúng, chắp nối cơ sở để bảo toàn cơ sở, bảo vệ nhân dân. Tuy nhiên, tối 9.4.1931, trên đường về cơ sở, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt ở làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Bến Thủy, TP Vinh). Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng không làm lung lạc được người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người đảng viên bất khuất. Toà đại hình mở từ ngày 15 đến ngày 17.11.1931 đã kết tội tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Ông Trần Việt An – Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh Thái Bình: Công đoàn Thái Bình. Ảnh: Trần Vương
Ông Trần Việt An – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Để ghi nhớ và tri ân công lao to lớn và hình ảnh cao đẹp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thể hiện tình cảm của CBCNVC-LĐ và nhân dân tỉnh Thái Bình với vị lãnh tụ tiền bối của Đảng, Chủ tịch đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam, thân thế sự nghiệp của đồng chí được ghi trân trọng trong nhiều bộ sử của Đảng bộ tỉnh và của các tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có một khu công nghiệp, một đường phố lớn, hai trường phổ thông mang tên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt tại Quảng trường 14.10 ở trung tâm TP Thái Bình. Hiện nay, tượng đài đồng chí là địa điểm tổ chức lễ dâng hương nhân các sự kiện chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cơ quan đoàn thể tỉnh vào các ngày lễ lớn của đất nước.

Với tấm lòng đau đáu, khát khao, mong muốn của Đảng bộ, nhân dân và tổ chức Công đoàn Thái Bình về việc tìm di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh về chôn cất tại quê nhà, LĐLĐ tỉnh Thái Bình là đơn vị khởi xướng việc tìm di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Đúng 9h15 ngày 21.9.2007, hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được tìm thấy bên cạnh di hài liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, tại khuôn viên nhà máy giầy Thống Nhất, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng. Sau đó, di hài của hai đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định tổ chức lễ dâng hương, an táng di hài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với nghi thức cấp Nhà nước về Khu lưu niệm đồng chí tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, LĐLĐ tỉnh Thái Bình đã phát động đợt tuyên truyền sâu rộng trong CNVC-LĐ về thân thế sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, xây dựng kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm và phát động phong trào thi đua xây dựng các công trình sản phẩm chất lượng, tổ chức gắn biển mang tên “Công trình chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh”.

15h20: Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động trình bày chuyên đề "Vai trò của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cương vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động".

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao động phát biểu. Ảnh: Trần Vương
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao động phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển, một điều hết sức may mắn cho tất cả các thế hệ làm Báo Lao Động là đã có dịp gặp lại một trong hai người đầu tiên làm Báo Lao Động năm 1929: Đồng chí Trần Hồng Vận (tức đồng chí Trần Học Hải).

Tháng 11.1993, ông xuất hiện tại Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam trong tiếng vỗ tay vang dội kéo dài. Ông là nhân chứng lịch sử duy nhất của những ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và những số Báo Lao Động đầu tiên.

Ông Vận kể lại: “Số 1 Báo Lao Động ra ngày 14.8.1929, đúng nửa tháng sau hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Nơi làm báo là nhà chị Vinh, có em gái là Hồng, em trai là Hiển. Ngoài Vinh còn có một nữ đồng chí xinh đẹp tên là Vân. Vân chữ đẹp, giúp tôi làm công việc ấn loát, nghĩa là chép bài lên giấy làm bản in trên đất sét… Chúng tôi bảo Vân chạy mua giấy Kỳ Lân để in cho đẹp, Vân lùng sục nhưng xem ra khó, đành bảo Vân thôi, dùng giấy Đáp Cầu vậy. Tôi chạy mua thạch, định in thạch cho đẹp nhưng số lượng nhiều, chưa có nhân mối, cũng lại sợ lộ. Đành dùng đất sét lấy ở ao Ngọc Hà, đem về còn phải lắng, lọc cho thật mịn rồi mới đóng thành khuôn in.

Định in mỗi lần 40 bản, nhưng chỉ được 25 bản chữ đã bắt đầu mờ. Phải làm khuôn chữ nhiều lần vậy. Mỗi khuôn chữ chép bằng mực tím đặc, áp lên mặt đất sét để 10 phút rồi mới bóc, sau đó in từng tờ. In xong, vận chuyển đến chùa Hương Tuyết gần phố Bạch Mai, phát hành ở đấy. Phát hành viên là các bà, các chị buôn thúng bán mẹt, chạy hàng trên tàu hoả”.

Năm 1929, Báo Lao Động ra được 4 số thì ngừng. Ba số đầu in bằng đất sét, số 4 in bằng máy stăngsin. Báo ngừng vì anh Cảnh phải điều động đi công tác khác, rời khỏi Hà Nội. Lúc đó chỉ biết thế, sau này mới biết anh được cử vào Vinh và bị bắt ở đó”.

Năm 1983, ông Trần Hồng Vận đến thăm toà soạn Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ - Hà Nội. Ông đã phác họa lại cho anh chị em hình dung được makét trang 1 số 1 Báo Lao Động ra ngày 14.8.1929 và sao lại bài báo trên trang 1 mà ông đã thuộc lòng.

Sự kiện năm 1929 Báo Lao Động ra được 4 số đầu tiên là sự kiện lịch sử có giá trị truyền thống sâu sắc. Cho đến năm 1988, sau nhiều năm sưu tầm, xem xét, đặc biệt có sự đóng góp của nhân chứng lịch sử Trần Hồng Vận, Ban Biên tập Báo Lao Động đã đi tới kết luận và được sự đồng ý của Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam, đã chính thức công bố lấy ngày 14.8.1929 ngày ra số Báo Lao Động đầu tiên, cũng là ngày truyền thống của Báo Lao Động.

Nhiều năm đã trôi qua, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng như của các liệt sĩ cách mạng tiền bối khác đã để lại trong lòng những người cộng sản và nhân dân Việt Nam tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sự nghiệp cách mạng mà các đồng chí đã phấn đấu, hy sinh, được các thế hệ nối nhau tiếp bước và đã giành được thắng lợi hết sức vẻ vang.

Là một trong những tờ báo cách mạng xuất hiện sớm nhất ở nước ta, Lao Động là cơ quan ngôn luận của tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và ngày nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Công đoàn, Báo Lao Động đã góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của “Dân tộc anh hùng, giai cấp tiên phong”.

Lịch sử Báo Lao Động là một phần lịch sử của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trải qua gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, Lao Động là tấm gương phản ánh sinh động, phong phú phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong dòng chảy lịch sử hào hùng của cách mạng nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày nay, bạn đọc trong nước đều xem Lao Động là một trong những tờ báo chính trị - xã hội tiêu biểu của cả nước. Còn đối với dư luận nước ngoài, năm 1995, Lao Động được chính giới báo chí Châu Âu bình chọn là một trong 200 tờ báo lớn, có ảnh hưởng sâu rộng cuối thế kỷ XX.

Lao Động có được như ngày hôm nay phải kể đến những viên gạch đặt nền móng đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Các thế hệ làm Báo Lao Động về sau luôn biết ơn lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh - Tổng Biên tập đầu tiên của báo, luôn lấy tấm gương hy sinh cao cả của đồng chí để nhìn lại mình và nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp chung của đất nước: Không có gì quý hơn độc lập tự do; Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

14h50: TS Nguyễn Mai Anh, Phó Trưởng Ban xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, trao đổi về “Phát huy tư tưởng Cách mạng của dồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam hiện nay”.

Theo TS Nguyễn Mai Anh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người sáng lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên của báo Lao Động. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc tư tưởng của đồng chí về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Mục tiêu cao cả này chính là động lực lớn để đồng chí đấu tranh và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động nói chung và đề cao sức mạnh của giai cấp công nhân nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng được đánh giá là nhà hoạt động chuyên nghiệp trong phong trào công nhân và Công hội đỏ từ thời kỳ trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cũng là người đã sớm nhìn ra sức mạnh của giai cấp công nhân và khẳng định đây chính là lực lượng có thể thay đổi thời đại.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không những có công lao lớn trong việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là người đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào hoạt động của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, làm sáng tỏ hơn, phong phú hơn lý luận cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trực tiếp dẫn dắt phong trào công nhân và hoạt động của Công hội đỏ ngay từ những ngày đầu.

Ngay từ khi gia nhập tổ chức Thanh niên, Nguyễn Đức Cảnh đã thấm nhuần quan điểm muốn làm cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, và từ quan điểm giai cấp công nhân, đồng chí đã khẳng định Đảng muốn vững phải lấy giai cấp công nhân làm trọng, lấy chủ nghĩa chân chính làm cốt và Đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng phải có đường lối cách mạng đúng đắn, thực sự đoàn kết các thành phần, các giai cấp, mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng.

Nguyễn Đức Cảnh luôn đặt nhiệm vụ chăm lo giáo dục, rèn luyện lực lượng công nhân về mọi mặt. Cuộc đời hoạt động của đồng chí chính là tấm gương lớn về phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh, Nguyễn Đức Cảnh luôn giành về mình phần khó khăn. Những biểu hiện đạo đức cách mạng được bộc lộ rất sớm và rất rõ, nhất là từ khi Nguyễn Đức Cảnh gắn bó, trở thành một phần của giai cấp công nhân. Đó là tình yêu thương sâu sắc đồng bào, đồng chí, sự đồng cam cộng khổ với những người công nhân, nhân dân lao động; là sự tuân thủ nguyên tắc hoạt động, nguyên tắc tổ chức, lòng trung thành đối với chỉ thị của cấp trên; là đức tính khiêm tốn; luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; trong bất kỳ hoàn cảnh công tác nào, trên bất cứ cương vị công tác nào đều làm tròn trách nhiệm; trước cái chết không hề run sợ...

TS. Nguyễn Mai Anh, Phó trưởng ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản phát biểu. Ảnh: Trần Vương
TS. Nguyễn Mai Anh, Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Cũng theo TS Nguyễn Mai Anh, học tập, phát huy tư tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đặc biệt đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam hiện nay phải bảo đảm các yếu tố:

Thứ nhất, luôn coi trọng vị trí, vai trò của giai cấp công nhân.

Thứ hai, tiếp tục khẳng định tính giai cấp công nhân trong Đảng.

Thứ ba, phát huy truyền thống tập hợp, đoàn kết công nhân, người lao động, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hoạt động để vận động công nhân lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động xứng đáng là tổ chức đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt chú trọng chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là trung tâm và xuyên suốt.

Thứ tư, luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho giai cấp công nhân.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm chú trọng công tác xây dựng các tổ chức Đảng trong hệ thống công đoàn trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên công nhân có đạo đức cách mạng trong sáng, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đứng vững trước những âm mưu, thủ đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của kẻ địch; tăng cường đoàn kết, thống nhất, góp phần xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh.

Thứ sáu, Công đoàn Việt Nam cần chủ động, tích cực, tăng cường nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, xác định rõ những nhiệm vụ cần tập trung để giai cấp công nhân Việt Nam có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

14h20: Ông Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) trình bày tham luận "Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh - phần thưởng cao quý vinh danh công nhân lao động tiêu biểu xuất sắc".

 
Ông Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng Ban phụ trách Ban CSKTXH và TĐKT- Tổng Liên đoàn phát biểu. 

Ngày 1.8.2007, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định hình thành Giải thưởng mang tên vị lãnh tụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam: Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Giải thưởng này nhằm vinh danh công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do tổ chức Công đoàn phát động; trao tặng cho những cá nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tích cực đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức xây dựng doanh nghiệp, đơn vị phát triển, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh. Giải thưởng được trao tặng 5 năm một lần vào năm diễn ra Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam.

Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định trong “Quy chế Khen thưởng của tổ chức Công đoàn” và các kế hoạch hướng dẫn cụ thể qua mỗi lần tổ chức Giải thưởng, phù hợp với tình hình thực tế của phong trào công nhân lao động.

Trong 10 năm triển khai thực hiện, với 2 lần xét chọn và trao tặng, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là phần thưởng cao quý cho cá nhân được tôn vinh, mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ khích lệ đội ngũ công nhân lao động trong cả nước hăng say lao động sản xuất, say mê sáng tạo, góp phần đưa phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” lên tầm cao mới cả bề rộng và chiều sâu.

Cùng với phong trào thi đua và các cuộc vận động, đã tạo thành động lực, làm cho thi đua yêu nước thực sự trở thành đòn bẩy, là lực lượng tinh thần to lớn, cổ vũ động viên đông đảo đoàn viên, công nhân lao động phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tháng 1.2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức xét chọn và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2018.

“Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh mang tên vị lãnh tụ đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam là phần thưởng cao quý của Công đoàn Việt Nam, vinh danh cá nhân tiêu biểu, xuất sắc. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trách nhiệm to lớn trong thực hiện nhiệm vụ của mình, là nguồn động viên khích lệ mạnh mẽ tinh thần lao động sáng tạo trong công nhân lao động.

Chúng ta hy vọng rằng, những cống hiến đóng góp đó của các cá nhân được nhận Giải thưởng sẽ được nhân lên gấp bội các điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam thành công”- đồng chí Nguyễn Văn Toản nhấn mạnh.

14h15: Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu về chuyên đề: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Những đóng góp cho tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN
phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – hiện thực hóa tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Công hội – những giá trị cốt lõi đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam”.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN, Công đoàn Việt Nam đã trải qua chặng đường gần một thế kỷ hình thành và phát triển với tầm vóc ngày càng lớn mạnh, gắn bó máu thịt giữa công đoàn với dân tộc, với giai cấp, biểu hiện ở sự trung thành với lý tưởng độc lập của dân tộc, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

Bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam có được là nhờ bắt nguồn từ sự khởi đầu đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng nền tảng lý luận về tổ chức Công đoàn cách mạng và được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hiện thực hóa, tạo nên những giá trị cốt lõi, nhất là về quy trình hình thành tổ chức, công tác cán bộ, phương thức hoạt động.

Theo đó, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là sự vận dụng sáng tạo lý luận “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.

Tổ chức Công hội mà Nguyễn Ái Quốc thiết kế là “Tổ chức Công hội phải thống nhất với hệ thống từ cơ sở, cấp tỉnh và toàn quốc”. Trên cơ sở đồng nhất về nhiệm vụ của tổ chức Công hội cách mạng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp biên soạn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các thành viên ưu tú của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tích cực thâm nhập phong trào công nhân, kết nạp hội viên, thành lập tổ chức Công hội. Năm 1928, Công hội phát triển mạnh mẽ nhất, chủ yếu là ở các nhà máy, xí nghiệp. Đến cuối năm 1928 thì thành lập Công hội cấp tỉnh. Bước đi này, không chỉ xây nền móng của tổ chức mà thông qua hoạt động còn làm cho quần chúng lao động nhận thấy sứ mệnh của tổ chức Công đoàn.

Cán bộ công đoàn là những người gắn bó, thấu hiểu và một lòng hành động vì đoàn viên, vì người lao động.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có ba lưu ý cơ bản về cán bộ công hội: Đó là những người làm việc trực tiếp, am hiểu tình hình đơn vị; Khi phải chọn lựa cán bộ tham gia quyết định công việc của Công đoàn thì: “Đại biểu nên cử công nhân làm, không nên cử những người chức việc trong hội”; Cán bộ công đoàn phải là những người nói lên tiếng nói của công nhân và có trách nhiệm báo cáo công việc của Công đoàn cho công nhân.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là người thực hành xuất sắc tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về xây dựng đội ngũ cán bộ đại diện cho công nhân mà còn là hiện thân sinh động của người cán bộ công đoàn gắn bó chặt chẽ với công nhân, một lòng hành động vì công nhân.

Tuân thủ, vận hành sinh động nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động công đoàn

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thiết lập nguyên tắc tập trung dân chủ làm cơ sở để xây dựng đối với tổ chức Công hội là một tổ chức “nghiêm ngặt, chỉ huy phải mau mắn…”. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc yêu cầu hoạt động công hội phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời, thực hiện tốt yêu cầu của tập trung là nghĩa vụ chấp hành của hội viên.

Qua quá trình tổ chức và lãnh đạo Công hội Đỏ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, nhận thấy, việc sử dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ đã tạo nên sức mạnh của tổ chức Công hội. Sức mạnh từ mỗi hội viên có trách nhiệm thảo luận, quyết định và thực hiện nhiệm vụ tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh bên trong của tổ chức. Sức mạnh tự giác ấy phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội tạo nên sự bền vững của một tổ chức trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch.

14h00: GS.TS Hoàng Chí Bảo - Hội đồng Lý luận TƯ trình bày tham luận "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh- tấm gương sáng về tinh thần hy sinh cao cả, trọn đời với sự nghiệp đấu tranh cho giai cấp công nhân".

 
GS.TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Trần Vương 

Trong bài tham luận, GS.TS Hoàng Chí Bảo giới thiệu khái quát về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, từ đó rút ra những bài học về nhân cách cộng sản - điều đang rất cần phải rèn luyện theo tinh thần chỉnh đốn Đảng hiện nay.

“Kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 86 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí, mỗi chúng ta tự rút ra cho mình bài học về lẽ sống, về những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản thời dựng Đảng, dựng nước từ tấm gương Nguyễn Đức Cảnh. Tấm gương đó có giá trị ý nghĩa sâu sắc thúc đẩy các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển và hiện đại hóa đất nước”- GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nêu một tấm gương về tinh thần hy sinh cao cả, trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân. Theo đó, một trong những điểm nổi bật ở đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là từ những năm tháng đầu đời ở tuổi thanh niên. 16 tuổi, đồng chí đã có ý thức về cuộc sống, biết quan tâm tới tình cảnh sống nghèo khó, cơ cực của những NLĐ, nhất là của công nhân, thợ thuyền bị bóc lột, áp bức dưới chế độ thực dân, đế quốc.

Khi công nhân các nhà máy sợi, nhà máy tơ, nhà máy rượu ở thành phố Nam Định đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm vào năm 1925-1926, đồng chí đã tỏ rõ sự đồng cảm sâu sắc. Cùng với các bạn học, đồng chí lập ra hội tương trợ học sinh, con em của những người nghèo khổ, để giúp đỡ, cưu mang lẫn nhau…

GS.TS Hoàng Chí Bảo rút ra những bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đó là bài học về lòng trung thành và giữ vững chí khí chiến đấu, đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân, của Đảng lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, cuộc sống riêng cho sự nghiệp chung.

Bài học về rèn luyện trong thực tiễn, nâng cao ý thức và bản lĩnh giai cấp CN, xây dựng phong trào CN và tổ chức CĐ vững mạnh; bài học về coi trọng công tác lý luận, công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động trong CN và CĐ; bài học về mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với quần chúng công - nông, học hỏi quần chúng, thấu hiểu quần chúng để suốt đời tận tụy, trung thành phục vụ quần chúng; bài học về niềm tin, đức tin, đức hy sinh và lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng.

Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển tại tọa đàm. Ảnh: Trần Vương
Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển tại tọa đàm. Ảnh: Trần Vương

13h55: Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng phát biểu: Hải Phòng là mảnh đất có truyền thống lịch sử lâu đời, là nơi chứng kiến những trận đánh lịch sử, với những chiến công hiển hách, Hải Phòng trở thành cái nôi công nghiệp, là nơi được chọn truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cho giai cấp công nhân.

 
Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng. Ảnh: Trần Vương 

Sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2.1930, có sự đóng góp rất lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư đầu tiên TP Hải Phòng. Tự hào về lịch sử Đảng bộ TP, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, Hải Phòng đã nỗ lực giành được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH, đặc biệt năm 2017, kinh tế Hải Phòng có nhiều bước đột phá, GDP tăng 14,01%, cao nhất từ 1994 đến nay, các chỉ số kinh tế đều tăng trưởng mạnh, thu nội địa đạt trên 21 nghìn tỷ đồng.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án lớn được đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị có bước phát triển đột phá, nhiều cây cầu, công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng. Các công trình công cộng được đầu tư mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi bộ mặt nông thôn Hải Phòng, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, xây dựng Đảng được chú trọng với nhiều đổi mới, nội bộ đoàn kết đồng thuận, trong đó có sự đóng góp rất lớn của giai cấp công nhân, nhân dân lao động.

Thành ủy Hải Phòng vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức tọa đàm, cùng với sự kiện khởi công xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ngày mai, sẽ là lời tri ân đến người Bí thư đầu tiên của TP Hải Phòng.

13h50: Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Theo đồng chí Bùi Văn Cường, trong suốt chặng đường vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam rất vinh dự và tự hào vì đã đóng góp cho Đảng và Nhà nước nhiều đồng chí lãnh đạo ưu tú trưởng thành từ phong trào công nhân, công đoàn. Một trong những vị lãnh đạo tiền bối đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình, vị lãnh tụ xuất sắc của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Bùi Văn Cường đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho cách mạng, cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Theo đồng chí Bùi Văn Cường, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về sự lăn lộn, đắm mình trong phong trào CN, tinh thần hy sinh cao cả, về phẩm chất đạo đức trong sáng của người cộng sản chân chính, xứng đáng là người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dành trọn tuổi thanh xuân cho Đảng, cho dân tộc và hy sinh khi tuổi đời còn khá trẻ.

Những năm tháng hoạt động của đồng chí vô cùng sôi nổi và có những cống hiến to lớn đối với phong trào yêu nước, phong trào cộng sản và phong trào CN Việt Nam. Đồng chí đã góp phần đưa lý luận về giai cấp CN và tổ chức CĐ cách mạng thế giới vào phong trào CN - CĐ ở nước ta, biến những lý luận ấy thành hiện thực. Đồng chí cũng là người thành lập và lãnh đạo Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐVN.

Ngoài ra, tập “Công nhân vận động” mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để lại cho Đảng và giai cấp CN Việt Nam là một tài sản quý báu, thể hiện trí tuệ và tình cảm sâu sắc của đồng chí với giai cấp CN Việt Nam. Đồng chí là người đã góp phần thúc đẩy cách mạng nước ta tiến lên. Đồng chí cũng đã để lại tấm gương sáng của người cộng sản, đó là lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản cao cả.

“Buổi tọa đàm là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản trẻ tuổi kiên trung; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nhà lãnh đạo của phong trào công nhân, lãnh tụ đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý cho hoạt động của Công đoàn trong giai đoạn hiện nay”- đồng chí Bùi Văn Cường chia sẻ.

Đồng chí Bùi Văn Cường mong muốn và đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học thảo luận tập trung vào những vấn đề sau: Vai trò, đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với việc thành lập tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (năm 1929), ban hành Điều lệ Công hội, phụ trách Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn); tinh thần, quan điểm của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về công tác công vận, hoạt động công đoàn; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với phong trào cách mạng và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930); tổng kết những giá trị lịch sử, đề xuất bài học về công tác công vận và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh: Trần Vương
Ảnh: Trần Vương

13h45: Đến dự tọa đàm có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban dân vận TƯ; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng; ông Phạm Đình Đảng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Ngàng, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Thái Bình…

13h35: Tọa đàm khoa học "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam chính thức bắt đầu".

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (sinh ngày 2.2.1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh) nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí chỉ trong 7 năm nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đến với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo con đường mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc  đã tìm ra và đi tiên phong.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Hội trưởng đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thâm nhập vào phong trào công nhân, vì chỉ có thâm nhập vào phong trào mới gieo được hạt giống cách mạng trong công nhân.

HOÀNG HOAN - TRẦN VƯƠNG - TẤT THẢO -TIẾN DŨNG
TIN LIÊN QUAN

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh: Nhà hoạt động công đoàn mẫu mực của giai cấp công nhân

QUẾ CHI TRẦN VƯƠNG |

Tại Hội thảo khoa học về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức sáng 1.2 tại thành phố Thái Bình, các đại biểu đã tập trung nêu bật những đóng góp to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào cách mạng; với phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; những đóng góp với quê hương Thái Bình cũng như những bài học quý giá từ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Tấm gương ngời sáng của giai cấp công nhân

PGS-TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, HV Chính trị Quốc gia HCM |

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần thúc đẩy lịch sử phong trào yêu nước, phong trào công nhân và cách mạng nước ta tiến lên phía trước và để lại cho mọi thế hệ một tấm gương quý báu. Đó là tấm gương ngời sáng của một thanh niên, một nhà yêu nước lớn, một lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân nước ta, một trong những người sáng lập Đảng ta, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người có nhiều công lao trong việc phát triển thành phần công nhân trong Đảng

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG |

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932), quê thôn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh tuy ngắn ngủi, nhưng tên tuổi gắn liền sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và những năm đầu quyết liệt đấu tranh của Đảng và dân tộc chống quân thù vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản.

Sách Giáo khoa Hòa Phát: Chuỗi công ty con ngập trong nợ trái phiếu

Quang Dân |

Tháng 8.2021, Hưng Vượng Developer (Công ty con của Sách Giáo khoa Hòa Phát) đã huy động thành công lô trái phiếu trị giá 600 tỉ đồng. Song cũng trong tháng 8.2021, công ty này lại cho một cá nhân vay tín chấp 310 tỉ đồng với lãi vay lên đến 20%/năm.

Dân Hà Nội chọn đi tàu trên cao, tránh cảnh mưa lạnh, tắc đường

Kim Sơn |

Hà Nội - Thời tiết nồm ẩm kèm mưa phùn khiến việc tham gia giao thông đường bộ khó khăn, nhiều người dân Thủ đô đã chọn đi tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Đám cháy trên tàu chở hàng nghìn ô tô đã được dập tắt hoàn toàn

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngày 10.2, thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh cho biết, đám cháy trên tàu Ah Shin đã được khống chế, dập tắt hoàn toàn.

Trả hồ sơ vụ nguyên Chủ tịch quận ở Đà Nẵng nhận hối lộ

THÙY TRANG |

Đà Nẵng - Chiều 10.2, xét thấy chứng cứ trong hồ sơ vụ án liên quan đến nguyên Chủ tịch quận Liên Chiểu ông Đàm Quang Hưng nhận hối lộ cần phải điều tra làm rõ thêm một số nội dung, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố để điều tra.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp từng đi diễn đám cưới mưu sinh vì ngành xiếc thất thế

Hải Minh |

Nhiều nghệ sĩ xiếc cùng chung một mối bận tâm khi ngành xiếc đang không nhận lại được nhiều sự quan tâm.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh: Nhà hoạt động công đoàn mẫu mực của giai cấp công nhân

QUẾ CHI TRẦN VƯƠNG |

Tại Hội thảo khoa học về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức sáng 1.2 tại thành phố Thái Bình, các đại biểu đã tập trung nêu bật những đóng góp to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào cách mạng; với phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; những đóng góp với quê hương Thái Bình cũng như những bài học quý giá từ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Tấm gương ngời sáng của giai cấp công nhân

PGS-TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, HV Chính trị Quốc gia HCM |

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần thúc đẩy lịch sử phong trào yêu nước, phong trào công nhân và cách mạng nước ta tiến lên phía trước và để lại cho mọi thế hệ một tấm gương quý báu. Đó là tấm gương ngời sáng của một thanh niên, một nhà yêu nước lớn, một lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân nước ta, một trong những người sáng lập Đảng ta, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người có nhiều công lao trong việc phát triển thành phần công nhân trong Đảng

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG |

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932), quê thôn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh tuy ngắn ngủi, nhưng tên tuổi gắn liền sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và những năm đầu quyết liệt đấu tranh của Đảng và dân tộc chống quân thù vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản.