Ông Nguyễn Huy Giáp (64 tuổi, sống tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không kể mưa nắng hay giá lạnh, suốt 10 năm qua, ngày nào ông cũng có mặt tại dốc Bưởi (đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) để chờ việc.
Hôm nào đông khách gọi chở đồ, ông Giáp sẽ kiếm được khoảng 300.000 đồng mỗi ngày, hôm ít chỉ được một nửa số tiền, cũng có hôm chẳng được đồng nào lại về tay không.
Ông Giáp xoa bàn tay, trầm ngâm cho biết, trước đây chạy xe ba gác cũng kiếm được, nhưng từ khi dịch vụ vận chuyển đồ trọn gói phát triển, những người chạy xe như ông ngồi chờ cả ngày chỉ được một vài chuyến hàng.

"Trừ chi phí đi lại, có hôm không có dư, chỉ đủ tiền ăn, tiền xăng xe. Tôi chỉ mong những ngày cuối năm có nhiều việc để có tiền phụ gia đình sắm Tết" - ông Giáp nói.
Trong tiết trời cuối năm, “chợ người” vẫn tấp nập lao động tự do ngồi ngóng việc. Anh Bùi Trọng Hiền (46 tuổi, quê Nghệ An) cho hay, sau nhiều năm lập nghiệp ở mảnh đất quê nhưng kinh tế vẫn khó khăn, anh Hiền quyết định lên Hà Nội để mưu sinh, làm nghề tự do suốt 18 năm qua.
Theo anh Hiền, những người lao động tự do rất... đa năng, việc gì kiếm ra tiền chân chính cũng có thể làm. Nếu chăm chỉ, hàng tháng, anh cũng để dư được một khoản gửi về quê cho gia đình, nhưng có tháng chỉ đủ tiền phòng trọ.
"Chúng tôi hay nói chuyện với nhau, làm nghề này như đi câu, trúng mánh được cá to xem như cả tháng rủng rỉnh, ngược lại không có khách thì đói ăn" - anh Hiền nói.
Thông thường dịp cuối năm là thời điểm “kiếm ăn” được nhất của người lao động tự do, ngoài bốc vác, chở đồ, những ngày này, họ còn có thêm thu nhập vì được các nhà vườn thuê chở cây cảnh.
Cùng làm nghề lao động tự do nhưng khác với ông Giáp, anh Hiền là chị Cà Thị Kiều (22 tuổi, quê Sơn La) lên Hà Nội được 2 năm. Dù là phận nữ, nhưng chị Kiều chấp nhận xa gia đình, xa con nhỏ để theo chồng lên Hà Nội làm nghề phụ hồ.
Chị Kiều nói vì ở quê không được học hành tử tế, kinh nghiệm không có nên cơ hội tìm công việc nhẹ nhàng rất khó khăn. Trước đó, dù đã đi tìm rất nhiều công việc khác nhưng chị đều nhận về cái lắc đầu. Thời gian đầu, chị Kiều đi khắp hàng quán, vỉa hè xin việc mong sẽ có người giao nhưng cuối cùng vẫn không có một công việc phù hợp.
Sau đó, chị đành theo chồng phụ hồ. Được một thời gian, chồng không may bị tai nạn phải về quê chữa trị, từ đó, chị trở thành lao động chính trong gia đình.
Những ngày làm việc trong cái rét tê tái, với manh áo mỏng, đôi tay chị Kiều vẫn thoăn thoát không ngừng hết xếp gạch vào xe rồi quay sang xúc cát. Tất bật từ sáng tới tới nhưng chị vẫn không nề hà gì.
Chỉ vào bàn tay với những vết xước do gạch gây nên, chị Kiều nói: “Đây là những vết tích do gạch vỡ gây nên, dù đeo găng tay nhưng vẫn không thấm vào đâu. Nhất là mùa đông lạnh các vết thương càng khó lành, hễ cử động là đau đến cắt da cắt thịt, nhưng không làm thì sao có tiền để sắm sửa Tết" - chị Kiều thở dài.