QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI):

Lắng nghe, thấu hiểu người lao động thì luật mới khả thi

C.NGUYÊN - Đ.CHUNG - T.TRUNG |

Chiều 12.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đề xuất phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm… là những nội dung nhận được sự quan tâm góp ý, tranh luận của nhiều đại biểu. Rất nhiều ý kiến đồng ý với Tổng LĐLĐVN về việc cần xác định rõ các nhóm ngành nghề để tăng tuổi nghỉ hưu và tính tiền làm thêm giờ theo lũy tiến.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu: Quan tâm, bảo vệ người lao động sẽ góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh

Phát biểu tại buổi thảo luận chiều cùng ngày, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay: Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm thêm, phía Tổng liên đoàn (TLĐ) đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của đông đảo người lao động. Từ nhận thức pháp luật của chúng ta là ý chí của nhân dân lao động được nâng lên thành luật nên TLĐ đã tổ chức đi nhiều địa phương, ngành cùng các ĐBQH lắng nghe. Nhìn chung, tại những cuộc gặp này, phía người lao động (NLĐ) hầu hết không đồng tình các phương án đưa ra. Tuy nhiên, với vai trò, trách nhiệm của mình, phía TLĐ đã tương tác và chia sẻ để NLĐ hiểu và đưa ra được các quy định phù hợp.

“Phía TLĐ đề xuất phương án (tăng giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu) kèm theo các điều kiện. Quá trình xây dựng luật cần phải quan tâm tới việc NLĐ là bên thế yếu trong quan hệ lao động. Hiểu sâu sắc vấn đề này và thấu hiểu tâm tư, đời sống người lao động thì luật mới khả thi và nhận được sự đồng thuận của NLĐ”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Ngoài ra, theo ông Hiểu, khi quan tâm đến NLĐ về sức khỏe, việc làm, thu nhập và quyền lợi pháp lý của họ, chính là chúng ta góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, một chủ trương lớn của Đảng.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh): Nhiều giáo viên đang lo lắng về việc tăng tuổi nghỉ hưu

Nếu Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua, từ năm 2021 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Qua các lần thảo luận, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chia ra 3 nhóm ngành nghề khác nhau để áp dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Có ngành nghề được về hưu sớm như lao động của ngành than, hoặc những ngành làm việc trong môi trường độc hại; có nhóm giữ nguyên và nhóm sẽ tăng tuổi nghỉ hưu.

Có nhiều đại biểu cũng đề nghị, với những trường hợp không làm đến 60 tuổi, như 55 tuổi nghỉ, thì không bị trừ phần trăm bảo hiểm khi nghỉ hưu. Tuy nhiên điều này chưa có kết luận. Vì vậy, tôi nghĩ, bộ luật này có thể phải thảo luận thêm nhiều kỳ nữa, để làm sao chọn phương án tối ưu nhất, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Đoàn Trà Vinh) phát biểu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: QH
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Đoàn Trà Vinh) phát biểu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: QH

Còn với ngành giáo dục, hiện đội ngũ giáo viên mầm non và tiểu học rất lo lắng về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Bởi nếu tăng thì vấn đề sức khỏe, đặc thù nghề nghiệp sẽ không đảm bảo được công việc một cách tốt nhất. Đối với giáo viên mầm non, trên 55 tuổi, nếu phải ca hát, múa cho trẻ thì cơ thể không còn dẻo, cũng không còn thu hút trẻ nữa. Tôi mong ban soạn thảo luật lưu tâm đến vấn đề này.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương): Tăng giờ làm thêm phải đảm bảo lợi ích cho NLĐ

Là một người hoạt động công đoàn ở địa phương, qua thực tiễn hoạt động công đoàn ở nơi có tới 1,2 triệu lao động, có thể khẳng định nhu cầu làm thêm giờ của NLĐ và chủ doanh nghiệp là có thực. Chúng tôi đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm là rất đau lòng, bởi việc làm thêm vắt kiệt sức của NLĐ. Nhưng nếu CĐ không đồng thuận thì NLĐ sẽ phản ứng. Vì sao phản ứng? Bởi vì tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình, vì vậy họ muốn làm thêm giờ.

Thực tế có công nhân may phải làm thêm đến 103 giờ/tháng; thậm chí có công nhân ngành gỗ phải tăng ca 141,5 giờ/tháng, tức là họ phải làm tất cả các ngày trong tháng, không nghỉ ngày nào. Thật đau xót khi trong giấc mơ của công nhân may chỉ thấy những đôi giày. Do đó, tăng giờ làm thêm phải đảm bảo lợi ích cho NLĐ, vấn đề tiền lương của NLĐ phải là điều kiện tiên quyết, cần phải xem xét để cho phép tăng giờ làm thêm. Việc tính tiền lương làm thêm giờ phải tăng theo lũy tiến.

Đại biểu Trương Phi Hùng (đoàn Long An): Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho NLĐ

Tôi đồng tình với việc nới rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động và thời giờ chăm sóc gia đình của NLĐ. Cần quy định chặt chẽ để tránh việc chủ sử dụng lao động lợi dụng để vắt kiệt sức của NLĐ. Ngoài ra, khi tăng giờ làm thêm, cần quy định việc tính lương làm thêm tăng lũy tiến.

Ví dụ, làm thêm 2h đầu ít nhất là 150% lương, 1h tiếp theo ít nhất là 250%, 1h tiếp theo ít nhất là 300%. Cách tính lũy tiến như này sẽ hạn chế được việc chủ sử dụng lao động bắt ép NLĐ làm thêm, tránh xảy ra tai nạn lao động nếu làm việc quá sức.

Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, cần có tầm nhìn dài hạn, lộ trình phù hợp không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Những ngành nghề làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, thì NLĐ phải được quyền nghỉ hưu sớm. Việc xét tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình phù hợp để tránh gây sốc. NLĐ ở nước ta hiện nay làm việc ở điều kiện khó khăn so với các nước trong khu vực, mức thu nhập chưa hoàn toàn thỏa mãn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Vì vậy, thiết kế tăng tuổi nghỉ hưu cần chia nhóm cụ thể. Nhóm làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm làm việc trong đơn vị ngoài công lập. Tôi đề nghị giữ nguyên như hiện hành về tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động ngoài nhà nước.

Tôi rất băn khoăn, hiện nay có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là nguồn nhân lực trẻ, khỏe, có năng lực, chất lượng. Nếu áp dụng ngay việc tăng tuổi nghỉ hưu, có một phần cản trở lực lượng lao động trẻ. Quan điểm của tôi là cần phải tính toán thật kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, bữa ăn ca của NLĐ hiện nay có nhiều nơi chưa đảm bảo an toàn, dinh dưỡng, công nhân bị ngộ độc thực phẩm, dẫn đến việc đình công. Tôi kiến nghị Bộ luật Lao động cần bổ sung quy định chủ sử dụng lao động có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho NLĐ và phải đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi hưu là xu hướng tất yếu

Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bám sát mục tiêu, quan điểm, đặc biệt là hai nhóm vấn đề gồm: Tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Riêng về khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa, đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp (DN) và một bộ phận NLĐ. Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm mức tối đa 300 tới 400 giờ, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số rất ít ngành nghề và thời điểm nhất định. Không áp dụng tăng giờ làm thêm khu vực công.

Lưu ý, 97% DN tại Việt Nam là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nên việc tăng giờ làm thêm phải trên nguyên tắc vừa đảm bảo quyền lợi của NLĐ vừa đảm bảo DN phát triển bền vững. Riêng về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đây là xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như Nghị quyết 28 của Trung ương đã nêu rất rõ các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chúng tôi thấy rất mừng vì đa số các ĐBQH đồng thuận với phương án tăng tuổi hưu.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn trong vấn đề này. Các nước đều đi đến quyết định sớm khi còn thặng dư lao động; tiến hành lộ trình tăng tuổi hưu chậm. Việc tăng tuổi hưu thường không nhận được sự đồng tình của NLĐ. Nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích lâu dài nên các nước đều quyết định tăng tuổi hưu. Đây là những kinh nghiệm các nước đã đặt ra và chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu. Trong quá trình xử lý điều chỉnh tuổi hưu, phải phân loại đối tượng theo các nhóm.

Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nước phát triển trung bình cao. Tới năm 2045, Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước phát triển nên chắc chắn tình hình sức khỏe và các điều kiện sẽ có nhiều thay đổi. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân làm 3 nhóm: Nhóm trong điều kiện lao động bình thường; nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 sẽ có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật và nhóm nghỉ hưu muộn hơn có danh sách cụ thể.

Từ năm 2014, theo đúng đánh giá của quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già. Hiện chúng ta chỉ còn 400.000 lao động tăng thêm hàng năm, tiến tới chắc chắn thiếu lao động. Tỉ lệ thất nghiệp là 2,2%. So với quốc tế, Việt Nam là một trong 8 nước đứng đầu có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Cần xác định và phân loại kỹ các đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu

Nội dung trong dự án Bộ luật Lao động sửa đổi là rất quan trọng, tác động đến nhiều đối tượng và thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước. Chắc chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức nhiều phiên nữa để thảo luận nội dung này thật thấu đáo. Đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra Bộ luật Lao động sửa đổi cần phối hợp chặt chẽ và tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: QH
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: QH

Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục cập nhật, có văn bản tiếp thu ý kiến nhân nhân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, để làm rõ hơn những nội dung đã đề xuất trước Quốc hội. Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá tác động mà các vị đại biểu đã nêu đối với các đối tượng lao động thụ hưởng chính sách.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, như ý kiến của các ĐBQH, đề nghị Ban soạn thảo luật phải xác định kỹ và phân loại kỹ các đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, luật này cần thống nhất với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Về vấn đề tăng giờ làm việc, đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến thêm đối tượng lao động, nghiên cứu ý kiến của các cơ quan như Tổng LĐLĐVN, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… Gắn với việc thực hiện chính sách tiền lương, lộ trình cải cách tiền lương để tăng thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, yêu cầu người sử dụng lao động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản trị, kinh doanh, tăng chất lượng lao động, chứ không chỉ tăng giờ làm việc để tăng thu nhập. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; giúp họ có thu nhập đảm bảo, góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp NLĐ tái tạo sức lao động để tham gia hoạt động lao động lâu dài.

C.NGUYÊN - Đ.CHUNG - T.TRUNG
TIN LIÊN QUAN

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cản trở lực lượng lao động trẻ có việc làm

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung |

Đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) cho rằng, hiện nay mỗi năm đều có hàng nghìn sinh viên ra trường. Đây là nguồn nhân lực chất lượng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu có thể xảy ra việc cản trở lực lượng lao động trẻ có việc làm, hay người già chiếm chỗ của người trẻ nên cần cân nhắc kỹ.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Không nên áp dụng theo kiểu cào bằng

Đặng Chung- Cao Nguyên- Thành Trung |

Chiều 12.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Những ngày qua, một trong những nội dung được người dân, cử tri cả nước quan tâm là đề xuất việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1.1.2021. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu là rất khổ cho người lao động

Nam Dương |

Chiều 6.6, CĐ các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật lao động với sự tham gia của gần 50 cán bộ CĐCS của các doanh nghiệp.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cản trở lực lượng lao động trẻ có việc làm

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung |

Đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) cho rằng, hiện nay mỗi năm đều có hàng nghìn sinh viên ra trường. Đây là nguồn nhân lực chất lượng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu có thể xảy ra việc cản trở lực lượng lao động trẻ có việc làm, hay người già chiếm chỗ của người trẻ nên cần cân nhắc kỹ.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Không nên áp dụng theo kiểu cào bằng

Đặng Chung- Cao Nguyên- Thành Trung |

Chiều 12.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Những ngày qua, một trong những nội dung được người dân, cử tri cả nước quan tâm là đề xuất việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1.1.2021. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu là rất khổ cho người lao động

Nam Dương |

Chiều 6.6, CĐ các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật lao động với sự tham gia của gần 50 cán bộ CĐCS của các doanh nghiệp.