Nhằm phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, ba ngành đã rà soát, đánh giá kết quả công tác phối hợp trong năm 2020 và thống nhất những nội dung cần tập trung trong công tác phối hợp của năm 2021.
Theo đó, ba ngành đã tập trung phối hợp tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến quan hệ lao động, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và giải quyết đơn thư, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao đời sống cho người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Thông qua các hoạt động, chương trình công tác cụ thể đã tác động tích cực đến môi trường lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động. Tỉ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm xuống còn 2,29% so với kế hoạch phải thu trong năm. Đã có 100% số doanh nghiệp nơi có tổ chức Công đoàn thương lượng và ký kết được thỏa ước lao động tập thể, 100% các doanh nghiệp đủ điều kiện có từ 20 lao động trở lên thành lập tổ chức Công đoàn, 90% số người sử dụng lao động, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, 96% Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, 95% doanh nghiệp ngoài nhà nước xây dựng quy chế phân phối tiền lương và xây dựng thang bảng lương theo quy định của pháp luật,…
Cùng với đó, các đơn vị đã kịp thời vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ công tác chuyên môn của ngành để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 21 đơn vị sử dụng lao động với hơn 4 nghìn người lao động, trợ cấp cho hơn 3,5 nghìn người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của COVID-19 từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính Công đoàn.
Ông Hoàng Liên - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian tới, ba ngành tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các quy định pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động và các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, người lao động. Phối hợp tổ chức tập huấn chế độ, chính sách mới và đối thoại giữa ba ngành với người sử dụng lao động và người lao động. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động và đóng kinh phí Công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… kịp thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Đây là những hoạt động thiết thực của ba ngành đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, cụ thể hóa và sớm đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đảm bảo hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp với nhà nước và người lao động, hướng đến xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người lao động và nhân dân trong tỉnh.