Liên quan đến vụ việc “Người lao động tố bị lừa đi xuất khẩu lao động tại Bờ Biển Ngà”, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ hành vi của nhân viên Công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE.
Chuyển thông tin doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới công an
Báo Lao Động số báo ra ngày 26.8 có đăng bài “Người lao động tố bị lừa đi xuất khẩu lao động tại Bờ Biển Ngà”. Bài báo nêu sự việc 5 người dân quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh tố ông Nguyễn Phạm Đềm - nhân viên Công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE - đưa họ đi lao động ở Bờ Biển Ngà dưới hình thức đi du lịch. Khi sang bên xứ người, 5 người không được nhận vào làm việc, phải sống cực khổ, gặp bệnh tật phải cầu cứu về gia đình để có tiền ăn, chữa bệnh, mua vé máy bay về nước…
Để tiếp tục làm rõ vụ việc, Phóng viên Báo Lao Động đã làm việc, trao đổi với các cơ quan chức năng.
Sáng 26.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin và truyền thông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước - cho biết, Cục Quản lý Lao động ngoài nước nhận được thông tin về việc Công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE (tầng 3, toà nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội; mã số doanh nghiệp: 0201915790) do ông Nguyễn Phạm Đềm (là đại diện cơ sở này) đã tổ chức đưa 5 công dân là các ông: Nguyễn Văn Thìn, Trương Xuân Bình, Nguyễn Cao Long (cùng quê Nghệ An), Nguyễn Văn Hoàn, Lê Đức Thọ (quê Hà Tĩnh) sang Bờ Biển Ngà làm việc.
Qua rà soát, Công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE là doanh nghiệp (DN) không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cấp. Ngoài ra, từ trước đến nay, Cục Quản lý Lao động ngoài nước chưa thẩm định hợp đồng cung ứng lao động của các doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc tại Bờ Biển Ngà theo đơn hàng nêu trên.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho rằng, việc Công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE tuyển chọn, thu tiền của NLĐ để đưa đi làm việc ở nước ngoài như trên là vi phạm pháp luật. Ngày 25.8, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chuyển những thông tin liên quan đến Cục an ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an để kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền.
NLĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin
Nhiều thông tin phản ánh có nhiều NLĐ muốn đi làm việc ở nước ngoài bị lừa đảo mất số tiền lớn mà vẫn không đi được do gặp phải các công ty không có giấy phép hoặc bị mất chi phí cao hơn nhiều so với mức trần mà Bộ LĐTBXH quy định theo từng thị trường.
Để tránh những rủi ro, tổn thất cho với NLĐ, bà Trần Vân Hà - đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước - khuyến cáo, NLĐ nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn. Ví dụ, muốn đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ cần đăng ký đi qua các công ty có giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà Bộ LĐTBXH cấp. Danh sách các công ty được cấp phép và hợp đồng đã được thẩm định có thể tra cứu trên trang Thông tin Điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Trước khi quyết định lựa chọn một công việc để đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ cần biết rõ các quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình như điều kiện tiêu chuẩn về nghề, ngoại ngữ, sức khỏe theo yêu cầu của người sử dụng lao động, điều kiện làm việc và tiền lương, các khoản phải trả như phí cho công ty dịch vụ, học ngoại ngữ và nâng cao tay nghề, vé máy bay, các khoản chi phí tham gia bảo hiểm, lợi ích của các loại bảo hiểm… để phòng tránh các rủi ro khi ra nước ngoài làm việc.
NLĐ cần biết mức chi phí trần theo từng thị trường mà Bộ LĐTBXH quy định để lựa chọn công ty dịch vụ đưa đi. Khi nộp bất cứ khoản tiền nào cho công ty dịch vụ, NLĐ yêu cầu hóa đơn có đóng dấu tròn của công ty kèm theo hợp đồng có nội dung mà NLĐ tham gia (như hợp đồng đào tạo, hợp đồng dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài) có đầy đủ các điều khoản về quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ và cam kết của các bên tham gia.
Ngoài những thông tin cần tìm hiểu kỹ như trên, NLĐ cũng cần phải học tốt ngôn ngữ của nước tiếp nhận và những kiến thức cần thiết như pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của nơi mà NLĐ sẽ đến làm việc để có thể hòa nhập cuộc sống trong quá trình làm việc một cách an toàn và hiệu quả.
“Đặc biệt, NLĐ không nên tin vào những lời quảng cáo đi xuất khẩu lao động sẽ làm việc nhẹ và lương cao. Bởi nhiều trường hợp do tin vào lời quảng cáo, NLĐ đã thất vọng hoàn toàn khi làm việc thực tế và dễ dính bẫy của những kẻ lừa đảo” - bà Vân Hà nói.